Như vậy, giá bán lẻ điện bình quân hiện đang được EVN bán ra có mức thấp hơn 10,57% so với giá thành sản xuất kinh doanh điện. Việc EVN bán điện với mức giá lỗ là do các chi phí đầu vào tăng mạnh nhưng chưa được điều chỉnh đầu ra tương ứng để đủ bù đắp. Đặc biệt là chi phí nhập khẩu nguyên liệu đầu vào, biến động của tỉ giá và các chi phí khác…
Thực tế, vấn đề này đã được EVN đưa ra trong nhiều báo cáo trước đây. Cụ thể, tại báo cáo gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên về kết quả thực hiện nhiệm vụ kế hoạch năm 2022, Tập đoàn này cho hay, năm 2023 nếu giá bán lẻ điện giữ theo giá bình quân hiện hành (1.880,9 đồng/kWh, tăng 16,5 đồng/kWh so với giá bình quân), thì EVN cùng các công ty thành viên có thể lỗ sản xuất kinh doanh khoảng 64.941 tỉ đồng.
Giá điện bán ra lỗ do chi phí đầu vào tăng
Trong đó 6 tháng đầu năm dự kiến lỗ 44.099 tỉ đồng và 6 tháng cuối năm dự kiến lỗ 20.842 tỉ đồng. Như vậy, tổng lỗ sản xuất kinh doanh của EVN lũy kế trong 2 năm 2022 và 2023 là 93.817 tỉ đồng (năm 2022 ước lỗ 28.876 tỉ đồng).
Thông tin gần đây nhất về kết quả sản xuất, kinh doanh trong 3 tháng đầu năm, EVN cho biết do giá nhiên liệu đầu vào sản xuất điện tăng cao đột biến từ đầu năm 2022, trong khi giá bán lẻ điện vẫn duy trì từ năm 2019 đến nay làm tình hình tài chính EVN gặp rất nhiều khó khăn, không đảm bảo cân bằng tài chính.
Trong năm 2023, EVN đánh giá, giá các loại nhiên liệu giảm so với năm 2022. Tuy nhiên vẫn tăng rất cao so với giai đoạn 2020 - 2021. Cụ thể, giá than nhập tăng 2,32 lần so với năm 2021, tăng 5,30 lần so với năm 2020; giá dầu tăng 1,22 lần so với năm 2021, tăng 2,06 lần so với năm 2020; tỉ giá năm 2023 dự kiến cao hơn bình quân tỉ giá năm 2022.
Dẫn tới, năm 2023 với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành là 1.864 đồng/kWh - được giữ nguyên sau 4 năm - thì chỉ có nguồn thủy điện có giá thành điện thấp hơn giá bán lẻ điện bình quân, mang lại lợi nhuận cho EVN, song sản lượng lại chỉ chiếm tỉ trọng gần 33%.
Các nguồn điện còn lại gồm nhiệt điện than, tua bin khí, nhiệt điện dầu, năng lượng tái tạo, có giá thành cao hơn giá bán lẻ điện bình quân hiện hành và chiếm tỉ trọng gần 67% về sản lượng, điều này làm lỗ cho EVN.
Tại phiên họp của Ban chỉ đạo điều hành giá mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, trong thời gian tới, giá điện chắc chắn sẽ có sự điều chỉnh, do đó cần tính toán giá các mặt hàng khác để điều chỉnh với mức độ, thời điểm phù hợp.
Nếu tăng giá điện thêm 8%, CPI bình quân tăng 4,8%
Báo cáo của Bộ Tài chính tại phiên họp này cũng cho biết hiện Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hội Điện lực Việt Nam thành lập đoàn kiểm tra chi phí, giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022 của EVN.
Theo đó, Bộ Tài chính dự báo giá bán lẻ điện bình quân năm 2023 có thể được xem xét điều chỉnh căn cứ theo cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Vì vậy trong xây dựng các kịch bản lạm phát quý 2-2023 và các tháng còn lại của năm, cũng tính toán các mức tăng giá điện tác động lên chỉ số giá tiêu dùng.
Cụ thể, trong trường hợp giá điện sinh hoạt tăng 5% thì dự báo CPI bình quân năm 2023 tăng 3,9%; giá điện sinh hoạt tăng 7% thì CPI bình quân dự báo tăng 4,4% và nếu giá điện sinh hoạt tăng 8% thì CPI bình quân tăng khoảng 4,8%.
Với những mặt hàng do Nhà nước quản lý giá, Bộ Tài chính khuyến nghị cần chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, đánh giá kỹ tác động kinh tế - xã hội, mặt bằng giá, chủ động phương án điều chỉnh, hoặc trình các cấp thẩm quyền xem xét cho phù hợp với diễn biến thị trường, với mức độ và thời điểm phù hợp, tránh ảnh hưởng lạm phát do chi phí đẩy, tạo ra lạm phát kỳ vọng cho nền kinh tế. Đồng thời có phương án giảm thiểu tác động tiêu cực với người nghèo, nhóm dễ bị tổn thương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận