30/06/2019 14:09 GMT+7

EVFTA và bài toán nguồn gốc xuất xứ

NGUYÊN HẠNH - NHẬT ĐĂNG
NGUYÊN HẠNH - NHẬT ĐĂNG

TTO - Hôm nay 30-6 tại Hà Nội, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) dự kiến ký kết hai thỏa thuận gồm Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA).

EVFTA và bài toán nguồn gốc xuất xứ - Ảnh 1.

Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu sang thị trường EU tại Công ty cổ phần SXTM May Sài Gòn - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Sau khi ký, EVFTA sẽ chờ Nghị viện châu Âu (EP) phê chuẩn và sẽ có hiệu lực ngay lập tức từ năm 2020, đồng nghĩa Việt Nam sẽ tiếp cận thị trường lớn EU. Đây cũng là lúc thách thức về sự cạnh tranh và tiêu chuẩn hàng hóa, sản xuất cũng như chính sách nâng cao.

Tiếp cận bất đối xứng

Thỏa thuận trong EVFTA được kỳ vọng sẽ xóa hơn 99% thuế nhập khẩu cho hàng hóa giao dịch, trong khi phần nhỏ còn lại sẽ nhận ưu đãi thuế quan theo hạn ngạch.

Theo thỏa thuận, Việt Nam sẽ giảm 65% thuế nhập khẩu đối với hàng EU ngay khi EVFTA có hiệu lực, và phần còn lại sẽ được xóa trong giai đoạn 10 năm. Ngược lại, hàng Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ được giảm hơn 70% thuế quan, với thời gian để xóa thuế nhập khẩu còn lại là 7 năm.

Có thể thấy về lý thuyết, hàng Việt Nam vào EU bước đầu sẽ được cam kết tháo gỡ thuế quan nhiều hơn, trong khi thời gian để xóa thêm loại thuế này cũng ngắn hơn so với hàng EU vào Việt Nam. Phía EU nhận định rằng đây là cách tiếp cận bất đối xứng, thể hiện sự hỗ trợ đối với một thị trường đang phát triển như Việt Nam.

Tuy nhiên, thời cơ luôn đi kèm thách thức, mà cụ thể là việc đáp ứng các tiêu chuẩn để hưởng mức miễn giảm thuế quan như câu chuyện nguồn gốc xuất xứ, bên cạnh việc đáp ứng tiêu chí chất lượng của thị trường vào dạng khắt khe như EU.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Đức Khương - phó giám đốc phụ trách nghiên cứu và trưởng khoa tài chính tại Học viện Hành chính và quản trị kinh doanh (Pháp) - nhận định doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp không ít khó khăn để đáp ứng được các yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ được đưa ra.

"Doanh nghiệp Việt Nam đa số là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thông thường là nhỏ chứ chưa đến vừa, nên năng lực nghiên cứu và phát triển có giới hạn, nguồn lực hạn chế, năng lực sản xuất cũng hạn chế, chưa kể các mối quan hệ làm ăn quốc tế cũng chưa được nhiều" - ông Khương cho biết.

Đây có thể sẽ là trở ngại lớn cho doanh nghiệp Việt nếu không thể tự tạo ra cho mình những chuỗi cung ứng phù hợp để tận dụng ưu đãi thuế quan từ các thỏa thuận thương mại tự do (FTA).

EVFTA và bài toán nguồn gốc xuất xứ - Ảnh 2.

Tận dụng ra sao?

Tại Việt Nam, Phong Phú là một trong những công ty dự kiến sẽ tận dụng được EVFTA cũng như các FTA khác nhờ quy trình sản xuất khép kín. Trả lời Tuổi Trẻ, đại diện Phong Phú cho rằng trước đây, để tận dụng FTA giữa Việt Nam và Hàn Quốc, Phong Phú đã xuất khẩu vải vào thị trường khó tính này, đến nay sản lượng không ngừng tăng lên qua từng năm. 

Đây là một trong những kinh nghiệm trong việc tận dụng các FTA để mở rộng thị trường. Dù vậy, sức ép cạnh tranh cũng như nhu cầu hàng hóa dự kiến tăng nhờ giảm thuế cũng sẽ khiến các doanh nghiệp như Phong Phú phải tính toán kế hoạch "đón sóng". Trong ASEAN, Việt Nam cùng Singapore là hai nền kinh tế năng nổ nhất về hội nhập, thể hiện qua số lượng FTA.

Lợi ích từ việc ký kết các hiệp định FTA là việc tham gia các chuỗi cung ứng khu vực. Tuy kết quả trước mắt chưa cụ thể, cam kết cắt giảm thuế quan hoàn toàn từ các thị trường, cùng với việc hài hòa quy tắc nguồn gốc xuất xứ cũng như giảm thiểu các hàng rào phi thuế quan... đã giúp thúc đẩy doanh nghiệp hội nhập vào các chuỗi cung ứng trong khu vực. Nhưng hiện nay các doanh nghiệp đa số vừa và nhỏ của Việt Nam chưa thể tham gia sâu.

"Chủ yếu là các doanh nghiệp FDI, vì đã nằm sẵn trong các chuỗi nên họ tiếp cận rất dễ các chính sách và nắm vững rất tốt. Vấn đề của doanh nghiệp Việt là khả năng tiếp cận thông tin, cạnh tranh và chất lượng sản phẩm. Thách thức này chúng ta bắt buộc phải trải qua. Không còn cách nào khác" - bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga - phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên Bộ Công thương - nói tại một cuộc họp báo đầu tháng 6.

Với riêng EVFTA, quy tắc xuất xứ cộng gộp toàn phần có thể mang lại hi vọng cho doanh nghiệp Việt, vốn dĩ còn gặp khó khăn về năng lực sản xuất và nghiên cứu như đã nêu. Quy tắc xuất xứ cộng gộp này cho phép các mặt hàng Việt Nam được sản xuất từ nhiều khâu có thể tận dụng nguồn nguyên liệu từ các nước khác mà vẫn đảm bảo hàm lượng "nội khối". Cụ thể đối với ngành may mặc, nguyên liệu sản xuất có thể được nhập từ các nước cùng ký FTA với EU và Việt Nam, đơn cử là Hàn Quốc.

"Cưỡi sóng" hay bị nhấn chìm, chính nội lực của doanh nghiệp và chính phủ từng nước sẽ quyết định cách họ đối đầu với thử thách này.

ROO bảo vệ thương mại nội khối ASEAN?

Giữa bối cảnh thương mại quốc tế chịu ảnh hưởng từ căng thẳng Mỹ - Trung, đã xuất hiện ý kiến cho rằng ASEAN có thể cung cấp lời giải. Theo Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad, ASEAN cần tăng cường thương mại nội khối để tận dụng sức mạnh, xây dựng nội lực.

Tính tới nay ASEAN đã đàm phán, ký kết và thực thi các FTA cùng nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo Hiệp định khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), quy tắc xuất xứ (ROO) của ASEAN có cấu trúc tương đối đơn giản và minh bạch, chủ yếu quy định 40% hàm lượng giá trị khu vực hoặc cách tiếp cận thay đổi thuế quan. Hầu hết các quy tắc xuất xứ trong các FTA của ASEAN đều xét đến ba điểm cơ bản là chuyển đổi dòng thuế, hàm lượng giá trị nội địa và mức tối thiểu của hàm lượng nội dung ngoài FTA.

Nếu như quy tắc cộng gộp được xem là công cụ để thúc đẩy sự hình thành của nhiều chuỗi giá trị khác nhau, quy tắc xuất xứ của ASEAN cho đến nay vẫn tỏ ra kém hiệu quả khi không thể nâng cao hợp tác thương mại giữa các nước thành viên.

Niên giám thống kê ASEAN 2018, được thực hiện bởi phòng số liệu, Ban thư ký ASEAN, chỉ ra rằng thương mại hàng hóa nội khối chỉ đạt 22,9% tổng giá trị hoạt động thương mại của ASEAN trong năm 2017. Thương mại dịch vụ nội khối cũng chỉ đạt 16,5% trong cùng năm.

Tiến tới thành lập Hội đồng doanh nghiệp EU - Việt Nam

Ông Nicolas Audier, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), cho biết sau khi EVFTA chính thức ký kết, EuroCham sẽ cùng Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tiến hành thành lập Hội đồng doanh nghiệp EU - Việt Nam, cũng như đề xuất chương trình hợp tác cụ thể nhằm thúc đẩy quan hệ giao thương giữa Việt Nam - EU, tiến đến thực thi EVFTA trong thời gian tới.

Đồng thời, trong khuôn khổ hoạt động của hội đồng, VCCI và EuroCham cũng thống nhất tổ chức hằng năm "Hội nghị thượng đỉnh kinh tế Việt Nam - EU" nhằm xúc tiến quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai bên trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề.

Theo đánh giá của EuroCham, hiệp định sẽ thúc đẩy thương mại và đầu tư, loại bỏ thuế quan và mở ra nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp và người tiêu dùng cả hai phía. "EVFTA sẽ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp trong tất cả ngành nghề và ở tất cả quy mô. Riêng lĩnh vực dệt may, giày dép, nội thất, đồ da và nông sản sẽ được lợi ích trước vượt trội từ việc loại bỏ thuế quan và mở rộng thị trường" - ông Nicolas Audier nhấn mạnh.

Cũng theo chủ tịch EuroCham, EVFTA không chỉ nâng cao các tiêu chuẩn quốc tế về bảo vệ quyền lợi người lao động và bảo vệ môi trường, mà còn cho thấy một Việt Nam đang ngày càng nâng cao vị thế của mình không chỉ trong khu vực mà còn trên toàn thế giới.

TRẦN VŨ NGHI

Cơ hội hút vốn chất lượng cao từ châu Âu với Hiệp định EVFTA

TTO - Sau khi Hiệp định thương mại tự do EU - VN (EVFTA) được ký kết, dòng vốn FDI vào VN - không chỉ từ các nước EU - được dự báo tăng mạnh nhờ sự dịch chuyển sang VN để hưởng lợi chính sách ưu đãi thuế.

NGUYÊN HẠNH - NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên