Ảnh chụp ngày 22-10 tại dự án "Thành phố du lịch văn hóa Thái Thương" của Evergrande tại Tô Châu thuộc tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) - Ảnh: REUTERS
Trong thông báo trên tài khoản WeChat ngày 24-10, Evergrande cho biết 10 dự án trên thuộc 6 thành phố của Trung Quốc, trong đó có Thâm Quyến. Một số dự án đang vào giai đoạn hoàn thiện nội thất trong khi số còn lại vừa hoàn thành xây thô.
Evergrande cam kết sẽ đảm bảo tiến độ xây dựng tại các dự án, từng bước củng cố niềm tin của thị trường và nhà đầu tư. Tập đoàn này còn cung cấp thêm một số bức ảnh công nhân đang làm việc, với ngày và giờ chụp được hiển thị rõ ràng.
"Kể từ đầu năm, các quy định nghiêm ngặt của thị trường bất động sản đã đẩy Evergrande vào vòng xoáy khủng hoảng", tập đoàn của tỉ phú Hứa Gia Ấn giãi bày ngày 24-10.
Cổ phiếu của tập đoàn đã tăng hơn 4% vào đầu phiên giao dịch ngày 25-10, theo Hãng thông tấn AFP.
Evergrande là nhà phát triển bất động sản hàng đầu Trung Quốc nhưng đang gặp rắc rối và tai tiếng vì khoản nợ khổng lồ hơn 300 tỉ USD. Tính đến cuối tháng 6 vừa qua, tập đoàn này có 778 dự án trải khắp 233 thành phố ở Trung Quốc.
Tuy nhiên công việc tại một số dự án đã bị tạm dừng trong những tháng gần đây trong bối cảnh các nhà cung cấp vật liệu xây dựng và nhà thầu tố cáo Evergrande không trả tiền cho họ. Lo ngại về việc tập đoàn này sắp vỡ nợ tăng lên khi họ không trả lãi trái phiếu doanh nghiệp đúng hẹn.
Báo South China Morning Post của Hong Kong bình luận việc Evergrande nối lại các dự án là một cách để "mua thêm thời gian" và trấn an các nhà đầu tư của tỉ phú Hứa Gia Ấn - Ảnh: AFP
Báo Trung Quốc trấn an
Ngày 25-10, một ngày sau thông báo của Evergrande, Tân Hoa xã khẳng định rủi ro từ nợ bất động sản ở Trung Quốc là "có thể kiểm soát được".
Nhận định này được đưa vào một bài viết hỏi - đáp về nền kinh tế Trung Quốc mà Tân Hoa xã cho biết đã hỏi những người liên quan và cơ quan có thẩm quyền, theo Hãng tin Reuters.
Trong bài viết, hãng thông tấn thuộc nhà nước Trung Quốc cho rằng các công ty bất động sản đang phải đối mặt với các vấn đề vỡ nợ do "quản lý kém và không thể điều chỉnh thích ứng với những thay đổi của thị trường".
Dù không nêu tên cụ thể song người đọc đều hiểu đây là sự ám chỉ đến Evergrande. Theo Tân Hoa xã, luôn có những dấu hiệu cho thấy một công ty bất động sản sắp vỡ nợ nên chính quyền sẽ dự đoán và kiểm soát được rủi ro với ngành tài chính.
Các ngân hàng Trung Quốc là một trong những chủ nợ lớn nhất của các nhà phát triển bất động sản nước này.
Trước thực trạng trên, vào tháng 8 năm ngoái, Chính phủ Trung Quốc đã đặt ra các giới hạn cho vay đối với ngành bất động sản, từ chối hoặc hạn chế những doanh nghiệp vay nợ quá nhiều.
Chính sách này được cho là nguyên nhân lớn đẩy Evergrande đến bờ vực vỡ nợ, theo một số chuyên gia quốc tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận