Năm 1974, ban nhạc Thụy Điển ABBA đã trở thành một ngoại lệ khi giành chiến thắng Eurovision - cuộc thi âm nhạc toàn cõi châu Âu vốn quy định mỗi quốc gia phải tham gia với sáng tác viết bằng ngôn ngữ mẹ đẻ - với bài Waterloo hát bằng tiếng Anh. Và sau nhiều thập niên, Eurovision, giữa sóng nhồi của những cuộc chia ly trong nội khối mà Brexit chỉ là một ví dụ, vẫn đang là nơi cho thấy sự vật lộn đi tìm bản dạng của người châu Âu và những mắc mứu chính trị vô tận... ABBA trên sân khấu Eurovision năm 1974 với chiến thắng đình đám cho bài Waterloo. Trong quyển A History of Modern Europe Through the World’s Greatest Song Contest (tạm dịch: Lịch sử châu Âu hiện đại qua góc nhìn cuộc tranh tài ca hát lớn nhất thế giới, phát hành 2017), tác giả Chris West đã tìm cách khắc họa một tấm gương phản ánh những diễn tiến văn hóa, xã hội và chính trị của châu Âu thông qua hành trình âm nhạc, kể từ khi liên hoan âm nhạc này ra đời cho đến nay, xuyên qua 6 thập kỷ. Vào năm 1956, thống nhất châu Âu hãy còn là một giấc mộng xa vời, truyền hình chỉ vừa chớm rộ. Ngay từ những ngày đầu đến nay, câu hỏi cốt yếu của cuộc thi Eurovision vẫn là làm thế nào để viết một bài hát mà ai ai cũng yêu thích, và liệu có tồn tại một đồng thuận khắp lục địa về các vấn đề liên quan tới âm nhạc? Câu hỏi lớn hơn, thế nào là bản dạng của một người châu Âu lục địa? PHONG VŨ BIỂU CỦA BIẾN ĐỘNG XÃ HỘI Eurovision là một cuộc tranh tài của những nhà sáng tác âm nhạc, tự đặt ra những thẩm mỹ nhạc pop của riêng nó, bất luận những khuynh hướng âm nhạc đại chúng đang xảy ra xung quanh. Vì thế, ngay giữa lòng một châu Âu sôi sục và sôi động về âm nhạc, rất ít các sáng tác punk, rock, rap, thay vào đó là những bản ballad mượt mà giàu giai điệu ngợi ca tình yêu, hòa bình và đoàn kết. Trong thập niên 1980 và 1990, Eurovision còn chối phăng những electronica và pop dùng guitar chủ đạo thịnh hành thời bấy giờ. Nhưng không phải chỉ thế. Châu Âu suốt hơn 6 thập kỷ đã trải qua những chế độ chuyên chính độc tài (và sự kết thúc), chiến tranh lạnh, đại dịch AIDS, sự sụp đổ của liên bang Xô viết, chiến tranh Nam Tư, thành lập Liên minh châu Âu, cuộc cách mạng giải phóng tình dục... Eurovision từng là tiếng nói phản đối bức màn sắt phân lập Tây và Đông Âu, từng là nguồn cảm hứng cho những quốc gia châu Âu mới thành lập, từng là lời kêu gọi giải phóng dành cho những nhóm thiểu số về giới tính lẫn khu vực, thậm chí từng khơi mào cả một cuộc cách mạng cấp quốc gia. Bản E Depois de Adeus do Paulo de Carvalho trình bày, đại diện Bồ Đào Nha năm 1974, được cho là một trong những bản nhạc nền thôi thúc tạo nên thành công của Cách mạng Hoa cẩm chướng, lật đổ độc tài Estado Novo. Bức tường Berlin sụp đổ chỉ 6 tháng sau chiến thắng của Riva với ca khúc Rock Me, đại diện Nam Tư năm 1989. Nói cách khác, cuộc thi là phong vũ biểu của biến động xã hội châu Âu: từ năm 1961, ca khúc Chiến thắng đã có ẩn ý về đồng tính. Năm 1964, Hà Lan chọn một nghệ sĩ da màu biểu diễn để biểu dương sự đa dạng xã hội của quốc gia cởi mở này. Chiến thắng năm 1998 của Dana International (nghệ danh của nữ ca sĩ Israel Sharon Cohen) với bài Diva là cột mốc quan trọng cho hai thập kỷ âm nhạc luôn xuất hiện sự đa dạng giới tính, và những giọng baritone hát trên dàn nhạc của những ngày đầu của Eurovision đã nhanh chóng bị thay thế bởi những nhóm nhạc pop phô trương lòe loẹt, mang theo đủ mọi thông điệp đang xảy ra ở xã hội châu Âu. Nhưng Eurovision cũng không thể quán xuyến tất cả. Năm 1968, năm của Hey Jude (Beatles) và Sympathy for the Devil (Rolling Stones) - và ở Việt Nam, cuộc tấn công Tết Mậu Thân đánh dấu giai đoạn chính thức thoái lui của Mỹ - lại được xem là chứng thực cho nhận định, cuộc thi Eurovision đang sống trong mộng tưởng, khi chẳng thể đại diện được những biến động chính trị to tát, những cuộc biểu tình rộng khắp, đang quét qua châu Âu và Mỹ, và thế giới nhạc pop cực kỳ sinh động đang diễn ra khắp nơi. Năm 1968, bài La La La mang lại chiến thắng lần đầu tiên của Tây Ban Nha tại Eurovision có một số phận gập ghềnh: Joan Manuel Serrat, nghệ sĩ ban đầu được chọn để hát bài hát dự thi này của Tây Ban Nha, muốn hát bằng tiếng Catalan bởi anh muốn đưa ra yêu sách cho các ngôn ngữ khu vực khác của đất nước Tây Ban Nha. Chế độ độc tài của Franco đã không cho phép điều đó, khiến cuối cùng nữ ca sĩ Massiel được chọn và phải hát bằng ngôn ngữ Castilian Spanish chính thức cho tất cả các vùng lãnh thổ của Tây Ban Nha. Mãi đến năm 2004, khi Công quốc Andorra tham gia lần đầu tiên, tiếng Catalan mới được nghe trên sân khấu Eurovision. Nước Áo tẩy chay không tham gia Eurovision năm 1969 tổ chức tại Madrid vì Tây Ban Nha vẫn còn dưới quyền cai trị của độc tài Francisco Franco, sau chiến thắng năm trước của La La La. Năm 1979, ban nhạc pop Dschinghis Khan đại diện cho nước Đức - quốc gia hãy còn toàn vẹn trước cuộc xâm lăng từ Đông sang Tây của Thành Cát Tư Hãn (Genghis Khan), với bài hát cùng tên, lại là tiếng nói ngợi ca chủ nghĩa anh hùng trong những bộ phục trang lịch sử trật chìa, từ nội dung tới hình thức chẳng có chút liên quan gì tới bối cảnh chính trị rối ren lúc bấy giờ, một cuộc thoát ly thông qua âm nhạc trước thời cuộc. Nhắc tới Eurovision, ta không thể bỏ qua khía cạnh “lạm dụng” Eurovision như một sân khấu chính trị, trong trường hợp của Ukraine. Rất nhiều ý kiến cho rằng người Ukraine xem cuộc thi như một phần mở rộng của chính sách ngoại giao, kèm theo những tranh luận ồn ào khắp đất nước và những can thiệp mạnh tay từ phía chính quyền. Năm 2004, sau 10 năm giành độc lập khỏi liên bang Nga và vắng bóng ở đấu trường Eurovision, Ukraine giành chiến thằng bằng Wild Dances của Ruslana, ở lần thứ hai tham dự. Khỏi phải nói, sức ảnh hưởng của chiến thắng này đối với đất nước Ukraine non trẻ là cực kỳ to lớn, như thức tỉnh cả quốc gia ít tháng sau đó bằng Cách mạng Cam, phản ánh trong ca khúc folk đậm bản sắc dân tộc như nói thay cho thế hệ đang đau đáu tìm ra lý lẽ để yêu nước. Ruslana được trao một ghế trong Nghị viện Ukraine sau chiến thắng 2004. Năm 2014, “Khi cả một quốc gia (Nga) phát sợ trước một chàng trai trẻ đồng tính có râu ưa ăn vận quần áo phụ nữ có khả năng xoay chuyển dư luận để làm lụn bại xã hội ấy, tôi chỉ có thể xem đó là một lời khen!” - Conchita Wurst, mang lại chiến thắng 2014 cho Áo với bản Rise Like a Phoenix, đã trả lời một chính trị gia Nga về sự hòa hợp ở tương lai châu Âu, thể hiện qua hình ảnh của chính anh tại cuộc thi: một cô gái có râu (Neuwirth, tên thật của Conchita Wurst, nhận mình là đồng tính nam và sử dụng đại từ nhân xưng của phái nữ để mô tả về một nhân cách khác của mình). Năm 2016, Romania bị loại khỏi Eurovision vì nợ EU chưa trả, trong khi bộ 5 Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Ý đều nghiễm nhiên vào thẳng vòng chung kết vì 5 quốc gia này chi mạnh tay nhất cho EBU - Liên hiệp phát sóng châu Âu kiêm chủ quản Eurovision. Năm 2017, Nga rút khỏi Eurovision diễn ra tại Kyiv (Ukraine), vì nghệ sĩ Yulia Samoylova bị Ukraine cấm nhập cảnh, do căng thẳng chính trị lúc bấy giờ giữa hai quốc gia. Mới nhất, Eurovision tổ chức tại Tel Aviv theo đúng luật chơi, bởi Israel giành chiến thắng năm 2018 (với bài hát Toy của Netta). Nhưng nhìn lại lịch sử, từ những nghệ sĩ nổi tiếng nhất như Queen đến những nghệ sĩ kém tên tuổi hơn, mỗi khi trình diễn tại Israel, đều vấp phải những mức độ chỉ trích khác nhau. Năm 2005, Lebanon rút nữ nghệ sĩ Aline Lahoud khỏi cuộc thi vì không đồng ý phát sóng phần trình diễn của Israel trên sóng kênh Tele-liban, vi phạm điều luật của Eurovision. Johnny Logan giành chiến thắng cho Ireland năm 1987 bằng bản ballad quen thuộc với khán giả nghe radio Việt, Hold me now, với ca từ bi lụy MỘT CHÂU ÂU “TẮC KÈ HOA” Quy định mỗi quốc gia phải tham gia bằng sáng tác viết bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của Eurovision đã vấp phải ngoại lệ tuyệt đối năm 1974, với bài Waterloo của ABBA. Ngoại lệ ấy trở thành bệ phóng cho một trong những nhóm nhạc pop thành công nhất mọi thời đại. Thành công của ABBA ngay trên đất Anh tạo đà cho nhiều nhóm nhạc đến từ những quốc gia châu Âu không sử dụng tiếng Anh, nhưng cũng nhấn mạnh sự đồng nhất của cả châu Âu dành cho những bản ballad mùi mẫn, dễ hát chóng quên. Celine Dion cũng thế, cô giành chiến thắng cho Thụy Sĩ năm 1988 bằng ca khúc Ne partez pas sans moi, sau đó trở thành một diva quốc tế. Thời gian đầu, Eurovision là một cuộc thi rất đỗi francophone, với những bản ballad về tình yêu và bức bối hiện sinh. Ca khúc Volare (Domenico Mudugno sáng tác và trình diễn), được nhiều người cho là bản nhạc hay nhất từng tham gia cuộc thi, phải lùi về vị trí thứ ba năm 1958, thất bại trước Dors, Mon Amour sến súa của André Claveau. Nhưng về sau Volare được rất nhiều nghệ sĩ trình bày lại, trong đó có những tên tuổi lừng danh như Dean Martin, Cliff Richard và David Bowie. Sự sụp đổ của Khối hiệp ước Warsaw và tan rã của Nam Tư khiến các quốc gia Tây Âu vốn từng là đa số đã trở thành thiểu số, trước sự gia nhập của khối quốc gia Đông Âu và vùng Balkan, mang theo những âm hưởng dân tộc đậm đặc và những trình diễn sân khấu lộng lẫy. Hơn thế, cách thức tặng điểm của các quốc gia Đông Âu cho nhau càng khiến Tây Âu khó giành chiến thắng hơn. Hội đồng chuyên gia ra đời, quyết định 50% số điểm trao cho mỗi nghệ sĩ tham gia. Theo đó, đảo Cyprus và Hi Lạp bầu cho nhau; Belarus ủng hộ Nga, các quốc gia Bắc Âu và Balkan bầu chọn cùng nhau, cho nhau. Nước Anh càng ngày càng lạc loài khỏi cuộc chơi - kể cả trước Brexit - khi không một quốc gia nào bầu chọn cho họ. Giám đốc truyền thông tại nhiệm của EBU Jean Philip De Tender từng chia sẻ tại Tel Aviv: “Eurovision biểu trưng giá trị của chúng tôi: hướng tới tất cả và không loại trừ một ai. Eurovision là sự đa dạng - tôn trọng tất cả mọi khía cạnh của cuộc sống”. Thưởng thức Eurovison, ta có cảm giác mình lao đầu vào một cơn hoang tưởng chóng vánh dài hơn 3 giờ đồng hồ, với sức hút mãnh liệt đến từ sự quái gở dị kỳ hơn ai hết. Đăng cai Eurovision là một cơ hội không thể tốt hơn cho bất kỳ quốc gia nào để phô trương những kỳ quan tuyệt vời nhất nằm bên trong lãnh thổ quốc gia, từ những kẻ mộ điệu sành sỏi tới những du khách “mackeno” hằng năm đổ về tham dự, và 200 triệu người ngồi trước màn hình theo dõi cuộc thi trên khắp thế giới. Nhưng thứ âm nhạc tinh tuyền, tươi mới và truyền cảm hứng, than ôi, chắc vẫn chật vật vọng lại xa xôi đâu đó từ sau bức màn chính trị. ■ Chàng trai song tính Duncan Laurence đã mang quyền đăng cai Eurovision 2020 về cho Hà Lan, sau khi giành chiến thắng tại Tel Aviv (Israel) 2019 bằng ca khúc Arcade. Nghệ sĩ từ đất nước cối xay gió đã mang về giải thưởng thứ 5, nhưng lần chiến thắng gần nhất của Hà Lan là từ... 44 năm trước, 1975. Arcade, kể về nỗi mất mát và khắc khoải cá nhân, đã trở thành ca khúc chiến thắng Eurovision được stream nhiều nhất từ trước đến nay, đạt 2,83 triệu lượt. Nghệ sĩ sinh năm 1994 này nằm trong hàng ngũ những nghệ sĩ “sáng tác thuê” chuyên nghiệp, trong đó có cả đơn đặt hàng Closer cho album New Chapter #1: The Chance of Love của bộ đôi TVXQ, nhóm nhạc idol Hàn Quốc từng cực kỳ được ưa chuộng. Duncan Laurence giành chiến thắng tại Eurovision 2019 bằng ca khúc Arcade Năm 1995, Na Uy giành chiến thắng bằng ca khúc Nocturne chỉ vẻn vẹn 24 từ của bộ đôi Secret Garden, theo sau là những đoạn giang tấu violin cho tới hết bài. Ca khúc thời lượng ngắn nhất các kỳ Eurovision là Aina Mun Pitää năm 2015 của Phần Lan, dài 1 phút 27 giây. Đình đám nhất chắc chắn là bản Hardrock Hallelujah của nhóm Lordi (Phần Lan): 80.000 người đã ùa ra Helsinki để cùng hát vang ca khúc này, nhận kỷ lục Guiness về karaoke tập thể đông nhất. Phần Lan là một trong những quốc gia sản sinh nhiều nghệ sĩ, ban nhạc heavy metal nhất thế giới, bất kể thứ hạng không phải lúc nào cũng khả quan của họ tại Eurovision: minh chứng cho sự tiệm nhưng không cận của cuộc thi trước thời cuộc âm nhạc. Và phải kể đến sự bền bỉ của “Ngài Eurovision” - nhà soạn nhạc Đức Ralph Siegel - người đã sáng tác 19 ca khúc tranh giải trong vòng 35 năm, từ 1974 tới tận 2009 (trung bình 2 bản một năm), trong đó có Ein bisschen Frieden chiến thắng năm 1982 do Nicole, khi đó mới 17 tuổi, hát. Tags: Âm nhạcChính trịEurovision
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Truyện ngắn: Trích đoạn Chiến tranh (J. M. G. Le Clézio) J. M. G. Le Clézio (trích) 15/11/2024 2561 từ
Tại G20, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh 'đoàn kết là sức mạnh vô địch' DUY LINH 19/11/2024 Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh các bài học kinh nghiệm của Việt Nam trong chống đói nghèo, đồng thời đề xuất ba bảo đảm chiến lược cho công cuộc này trên toàn cầu.
Ông Trump chọn người dẫn chương trình Fox News làm bộ trưởng Giao thông THANH BÌNH 19/11/2024 Ngày 18-11, Tổng thống đắc cử Donald Trump thông báo sẽ chọn ông Sean Duffy, cựu dân biểu đến từ Wisconsin và hiện là người dẫn chương trình của Fox News, làm bộ trưởng Giao thông.
Hàng ngoại nhập giá rẻ 'bức tử' hàng Việt NGUYỄN TRÍ 19/11/2024 Hàng ngoại, nhất là hàng Trung Quốc giá rẻ ngày càng tràn ngập thị trường Việt Nam, áp đảo hàng Việt do giá "rẻ như cho", mẫu mã đa dạng, giao hàng nhanh... Số tiểu thương chọn bán hàng Trung Quốc cũng tăng mạnh.
Metro số 1, TP.HCM sắp chạy: 1.001 câu hỏi khi đi metro THU DUNG 19/11/2024 Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) sẽ vận hành thương mại trong tháng 12-2024. Từ số báo này, Tuổi Trẻ sẽ thông tin, giải đáp đến bạn đọc những điều liên quan việc đi lại trên tuyến tàu điện đầu tiên của TP.HCM.