15/07/2024 10:58 GMT+7

EuroCham: Thủ tục hành chính cản trở niềm tin kinh doanh tại Việt Nam

Chỉ số Niềm tin kinh doanh của doanh nghiệp châu Âu giảm nhẹ trong quý 2-2024. Tuy vậy, 70% doanh nghiệp bày tỏ lạc quan về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong 5 năm tới, phản ánh niềm tin vào tiềm năng của thị trường.

Các doanh nghiệp châu Âu tại sự kiện Diễn đàn Tòa nhà cao tầng tổ chức ở TP.HCM - Ảnh: EuroCham

Các doanh nghiệp châu Âu tại sự kiện Diễn đàn Tòa nhà cao tầng tổ chức ở TP.HCM - Ảnh: EuroCham

Ngày 15-7, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố báo cáo Chỉ số Niềm tin kinh doanh (BCI) quý 2-2024, cung cấp một bức tranh toàn cảnh về môi trường kinh doanh tại Việt Nam.

Mặc dù tăng trưởng GDP mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2024, BCI đã giảm nhẹ từ 528 điểm trong quý 1 xuống còn 513 điểm trong quý 2.

Kết quả khảo sát cho thấy một số ít công ty báo cáo tình hình kinh tế là "rất tệ" (giảm từ 8% xuống 6%), trong khi số công ty mô tả là "không tốt" tăng nhẹ (từ 24% lên 26%). Tuy vậy, 68% vẫn duy trì quan điểm trung lập đến tích cực về điều kiện kinh doanh của họ.

Trong triển vọng ngắn hạn, 45% các doanh nghiệp bày tỏ lạc quan thận trọng về kinh tế của Việt Nam trong quý 3-2024, 23% vẫn có sự lo ngại. 

Tuy vậy, xét về triển vọng dài hạn, có đến 70% doanh nghiệp bày tỏ sự lạc quan với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong 5 năm tới, và tỉ lệ này phản ánh niềm tin mạnh mẽ vào tiềm năng của thị trường.

Khảo sát nêu bật các thách thức pháp lý của môi trường kinh doanh ở Việt Nam. 

Theo đó, doanh nghiệp châu Âu phản ánh vẫn còn những quy định mơ hồ được giải thích khác nhau, thủ tục hành chính phức tạp. Khó khăn trong việc xin giấy phép và phê duyệt.

Các thách thức được nêu ở kỳ khảo sát trước như thị thực và giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài, sự không nhất quán giữa các cấp chính quyền... vẫn còn.

Do đó, cộng đồng doanh nghiệp châu Âu cho rằng để thu hút thêm FDI và kích thích tăng trưởng kinh tế, các quy trình hành chính và thủ tục cần được hợp lý hóa hơn, tăng cường sự rõ ràng trong pháp luật. Ngoài ra, Việt Nam cần phát triển cơ sở hạ tầng cốt lõi, đơn giản hóa thủ tục cấp thị thực và giấy phép lao động...

Ông Dominik Meichle, chủ tịch EuroCham Việt Nam, chia sẻ: "Tiềm năng kinh tế của Việt Nam là không thể phủ nhận, và cộng đồng doanh nghiệp châu Âu vẫn tin tưởng vào sự tăng trưởng dài hạn của Việt Nam. 

Mặc dù khảo sát của chúng tôi chỉ ra những lĩnh vực cần cải thiện, chúng tôi tin rằng bằng cách hợp tác để giải quyết các rào cản hành chính và quy định, chúng ta có thể tạo ra một môi trường kinh doanh hiệu quả và hấp dẫn hơn".

Khảo sát cũng cho thấy cam kết ngày càng tăng về tính bền vững, với 7% doanh nghiệp đã đạt được mức trung hòa carbon và 37% đặt mục tiêu hoàn thành vào hoặc trước năm 2050. Tuy nhiên, họ cũng chỉ ra các trở ngại như chi phí cao và thiếu khuyến khích từ chính phủ.

BCI, do Decision Lab thực hiện, khảo sát 1.400 thành viên của EuroCham, là một thước đo quan trọng về tâm lý của các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam.

Báo cáo này cung cấp những hiểu biết sâu sắc về môi trường kinh doanh năng động của một trong những thị trường hấp dẫn nhất Đông Nam Á.

Diễn đàn và triển lãm Kinh tế xanh GEFE 2024 sẽ diễn ra tại TP.HCMDiễn đàn và triển lãm Kinh tế xanh GEFE 2024 sẽ diễn ra tại TP.HCM

Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết TP.HCM không chỉ là nơi đăng cai sự kiện Diễn đàn và triển lãm Kinh tế xanh GEFE 2024, mà sẽ hưởng lợi từ các tri thức, thông tin mới về kinh tế xanh.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên