Euro mệt mỏi vì truyền thông

HUY ĐĂNG 06/07/2024 07:45 GMT+7

TTCT - Sau cơn cuồng nhiệt ở vòng đấu đầu tiên, Euro 2024 nhanh chóng rơi vào trạng thái tẻ nhạt khi hầu hết các đại gia đều thể hiện nhạt nhòa.

Đến sau giai đoạn vòng 16 đội, tỉ lệ bàn thắng trung bình của Euro 2024 là 2,27 bàn/trận, kém xa so với kỳ Euro 2020 (2,78 bàn/trận), và trở thành một trong những kỳ giải ít bàn thắng nhất.

Nặng nề các đại gia

Đó là cú "quay xe" khiến người hâm mộ ngỡ ngàng. Bởi sau lượt trận đầu tiên của giai đoạn vòng bảng, số bàn thắng ghi được là 34 bàn, tức trung bình gần 3 bàn/trận. Số bàn thắng giảm hẳn từ lượt đấu thứ hai, đặc biệt là sau những màn trình diễn nhạt nhẽo của các ứng viên vô địch hàng đầu như Anh, Pháp, Bỉ…

Cú sút tuyệt đẹp của Bellingham cứu tuyển Anh! Ảnh: REUTERS

Cú sút tuyệt đẹp của Bellingham cứu tuyển Anh! Ảnh: REUTERS

Cho đến tận khi kết thúc vòng 16 đội, một thống kê của tuyển Pháp làm ngỡ ngàng nhiều người hâm mộ bóng đá. Họ vào đến tứ kết sau 4 trận, nhưng chỉ ghi được vỏn vẹn 3 bàn, và không có bất cứ bàn thắng nào trong đó là bóng sống. 

Cụ thể, Pháp có 2 bàn đến từ những pha phản lưới nhà, và 1 bàn nữa từ chấm phạt đền do công Kylian Mbappe. Ứng cử viên hàng đầu giải như vậy không ghi nổi bàn thắng thực thụ nào sau 4 trận, và càng kỳ lạ hơn là họ đã vào đến tứ kết.

Tuyển Anh cũng không khác là bao. Tính đến phút 90 trận gặp Slovakia ở vòng 16 đội, "Tam sư" chỉ ghi được vỏn vẹn 2 bàn thắng, và đối mặt nguy cơ về nước với hành trang vô cùng nghèo nàn. 

Nhưng rồi cú ngả người móc bóng tuyệt đẹp của Jude Bellingham đã làm thay đổi mọi thứ. Chung cuộc Anh đi tiếp. Họ có màn ngược dòng ngoạn mục, có siêu phẩm, có khoảnh khắc siêu sao… 

Nhưng rồi thầy trò HLV Gareth Southgate vẫn hứng chịu chỉ trích dữ dội của dư luận. Thứ mà tuyển Anh không tạo ra được, đó là niềm vui thưởng thức bóng đá.

Tuyển Anh làm nản lòng người hâm mộ bởi lối chơi nhạt nhẽo xuyên suốt 4 trận đấu. Họ ghi bàn thắng sớm trong trận gặp Serbia ở lượt mở màn, rồi chơi phòng ngự cả trận sau đó. Gặp Đan Mạch, Anh lép vế toàn diện. 

Trận đá với Slovenia, Anh vẫn giữ tâm thế chơi phòng ngự cầu hòa. Họ chỉ giành ngôi đầu bảng nhờ may mắn, khi Đan Mạch không thể thắng Serbia ở trận đấu cùng giờ.

Nhiều người đặt giả thuyết tuyển Anh "giấu bài". Nhưng giả thuyết này nhanh chóng bị dẹp bỏ với diễn biến ở vòng 16 đội. Anh chơi bế tắc và chỉ cách việc bị loại đúng vài giây đồng hồ. Bản thân bàn thắng của Bellingham dù đẹp, nhưng mang quá nhiều yếu tố may mắn.

Tương tự Anh, Bồ Đào Nha cũng đã gần chạm đến ngưỡng cửa về nước ở trận gặp Slovenia, với khoảnh khắc Benjamin Sesko đối mặt thủ thành Diogo Costa ở phút 115 của trận đấu. 

Trước đó vài phút, Cristiano Ronaldo sút hỏng phạt đền và bật khóc ngay trên sân, trong một ngày Bồ Đào Nha chơi bế tắc toàn diện. Cuối cùng họ chỉ giành vé đi tiếp nhờ màn tỏa sáng của thủ thành Diogo Costa.

Cũng như Anh và Pháp, cho đến tận cùng giờ khắc sinh tử, cả Anh, Pháp và Bồ Đào Nha vẫn không thể hiện chút bài bản tấn công nào. Cùng với họ là Bỉ và Ý - những đại gia sớm xách va li về nước.

Sự nhàm chán của Euro 2024 một phần đến vì tâm thế của các đội bóng đại gia. Đức, Tây Ban Nha và Hà Lan là 3 đội lớn hiếm hoi thể hiện quyết tâm chơi tấn công xuyên suốt giải đấu. Các đội còn lại lựa chọn lối chơi an toàn, và đi kèm với đó là những đôi chân nặng nề.

Cristiano Ronaldo đá hỏng phạt đền. Ảnh: NYT

Cristiano Ronaldo đá hỏng phạt đền. Ảnh: NYT

Đá dở vì sức ép?

Vì sao các đội bóng lớn và các ngôi sao hàng đầu chơi tệ tại Euro 2024? Có rất nhiều đáp án. Lịch thi đấu dày đặc xuyên suốt mùa giải CLB khiến nhiều ngôi sao kiệt quệ khi ra sân cho tuyển quốc gia vào mùa hè từ lâu đã được coi là lý do chính. 

Kế đó là sự lên ngôi của bóng đá phòng ngự, khi mọi đội bóng ngày nay đều nghiên cứu đối thủ rất kỹ. Những cầu thủ càng nổi bật lại càng đặc biệt bị "chăm sóc" kỹ lưỡng.

Nhưng ở Euro 2024, một lý do khác cần được nêu lên, đó là sức ép khủng khiếp từ truyền thông. Ngay sau trận thua trước Pháp, đội trưởng Kevin De Bruyne của Bỉ tỏ thái độ cộc cằn với phóng viên khi nhận một câu hỏi đơn giản, anh thậm chí mắng đối phương là "ngu ngốc".

Trước đó nữa, toàn bộ tuyển Anh sa vào cuộc tranh cãi dữ dội với truyền thông. Declan Rice lên tiếng chỉ trích người hâm mộ vì chĩa mũi dùi vào đồng đội anh Trent Alexander-Arnold. 

Harry Kane đáp trả lời chê bai của các cựu danh thủ người Anh đại ý: "Các ông cũng có giành được danh hiệu nào đâu mà chỉ trích chúng tôi". 

HLV Southgate thì liên tục than vãn và đổ lỗi. Và ngay sau khi lập công giúp đội nhà thắng Slovakia, Bellingham lớn tiếng chỉ trích những ai chê bai đội nhà là "rác rưởi".

Nhiều năm qua, tuyển Anh đã khôi phục được tính gắn kết trong đội bóng. Họ dẹp bớt những ồn ào hậu trường, kín tiếng hơn trước truyền thông, không còn bị soi mói về những câu chuyện đời tư. 

Nhưng đến Euro 2024, sức ép dữ dội của cơn khát danh hiệu dường như khiến thầy trò ông Southgate đánh mất bình tĩnh. Họ sa vào cuộc tranh cãi vô bổ với cánh báo chí, các cựu danh thủ và cả người hâm mộ.

"Những ồn ào này tương tự như Brexit, đều không đáng có và làm mọi thứ tệ đi", nhà báo Jacob Steinberg của The Guardian bình luận.

Hơn ai hết, bóng đá Anh thấm thía những bài học về cuộc chiến với truyền thông. Gần 2 thập niên trước, HLV Sven-Goran Eriksson bị tờ báo lá cải News of the World gài bẫy gây sốc. 

Lúc đó đang là HLV trưởng tuyển Anh, ông được một tỉ phú Ả Rập tiếp cận, rồi chấp nhận ký hợp đồng dẫn dắt CLB do tỉ phú này đầu tư ngay sau World Cup 2006. 

Nhưng vị tỉ phú hóa ra là giả mạo, được News of the World thuê để gài bẫy Eriksson. Kết cục, tuyển Anh sụp đổ ngay trước khi World Cup 2006 diễn ra.

Đó là một trong những ví dụ kinh điển cho thấy sự độc hại mà truyền thông có thể gây ra cho các đội bóng. Bủa vây họ luôn là chỉ trích, soi mói, so sánh, thậm chí cả gài bẫy. 

Ronaldo, cầu thủ bản lãnh bậc nhất thế giới, đã bật khóc nức nở chỉ vì sút hỏng một quả phạt đền. Đó rõ ràng là dấu hiệu bất thường trên sân chơi bóng đá đẳng cấp thế giới.

Còn những Romelu Lukaku, Mbappe hay Kane là ví dụ cho thấy các tiền đạo ngày nay ngày càng cùn mòn dưới sức ép nặng nề.

Các đại gia sợ hãi thất bại, các siêu sao liên tục bỏ lỡ cơ hội, và tất cả đều chờ chực bùng nổ… nhưng là trong phòng họp báo, trước ống kính truyền hình, thay vì trên sân cỏ.■

Hà Lan gặp may

Tuy xếp hạng ba bảng đấu nhưng Hà Lan đã may mắn rơi vào nhánh đấu khá nhẹ - gặp Romania ở vòng 16 đội, rồi đội thắng trong cặp Áo - Thổ Nhĩ Kỳ ở tứ kết. Kết quả là họ thắng dễ Romania 3-0 để giành vé vào tứ kết gặp Thổ Nhĩ Kỳ.

Kết quả này giúp Hà Lan được các nhà cái đánh giá cao hơn, đưa họ lên ngang hàng với Đức và Pháp về cơ hội vô địch. Trong khi đó, tuyển Anh dù chơi kém nhưng vẫn giữ vị trí ứng viên số 1 - khi chỉ phải gặp Thụy Sĩ ở vòng tứ kết.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận