EURO 2020: Giá trị của bóng đá

VŨ CÔNG LẬP 18/07/2021 17:00 GMT+7

TTCT - Euro 2020 đã kết thúc với đánh giá chung là thành công rực rỡ, có thể nói là trên cả mong đợi.

Chúng ta nhớ những trận đấu hấp dẫn, những số liệu thống kê thuyết phục, những gương mặt rạng rỡ và bầu không khí nhộn nhịp của các khán đài. 

Sau những ngày chống dịch gian nan, sau phong tỏa và hạn chế, với Euro 2020, châu Âu bước những bước đầu tiên trở lại trạng thái bình thường khi miễn dịch cộng đồng đã xuất hiện, nhiều người dân đã được tiêm phòng. 

Đội tuyển Ý đã mang lại bầu không khí lễ hội cho Rome sau nhiều ngày tang tóc vì dịch bệnh. Ảnh: AP

 

Bóng đá như một thử nghiệm tiên phong, và thành công của nó như một sự cổ vũ. Lẽ đương nhiên vẫn có những sự quá đà khi không phải mọi nơi quy tắc chống dịch đều được tôn trọng ở mức cần thiết, nhiều chính khách đã tỏ ra lo ngại hay phê phán. 

Nhưng không khí chung là lạc quan, về bóng đá và cho cả xã hội. So với giải bóng đá Nam Mỹ tiến hành và kết thúc gần như đồng thời, ta thấy rõ bóng đá châu Âu đã có những bước tiến trước khá xa. Đấy là sự tiến bộ không chỉ của bóng đá mà của cả công tác tổ chức, điều hành và truyền thông.

Trong bầu không khí đó, sự lên ngôi của đội tuyển Ý được chào mừng và tán thưởng với sự nhất trí cao. Chính trong hình ảnh thành công của bóng đá Ý, chúng ta nhận thấy sự hòa đồng của bóng đá và xã hội. 

Một nền bóng đá đã thực hiện cải cách kiên trì suốt 3 năm, tạo ra một gương mặt mới, đầy tinh thần chiến đấu và biết cách chiến đấu, đem lại niềm vui cho khán giả và được khán giả yêu mến.

Đội tuyển Ý là tấm gương vì họ biết cách biến sức mạnh tinh thần của ước mơ, khát vọng, quyết tâm thành sức mạnh vật chất thể hiện qua mỗi trận đấu và bằng lối chơi, sự gắn bó và kết quả. Đấy chính là sự thống nhất giữa nói và làm, để hoàn thành sứ mạng trước xã hội.

Cái cảnh cả nước Ý đón chào những người con bóng đá trở về, như chúng ta từng thấy ở nhiều nơi, bao gồm chính ở Việt Nam, thật xúc động. Nhưng cuộc đón tiếp này còn đặc biệt vì nó diễn ra ở Ý - đất nước châu Âu chịu tàn phá đặc biệt nghiêm trọng do thảm họa COVID-19.

Vinh quang bóng đá trở thành điều đặc biệt kết nối và cổ vũ dân tộc, như tờ Corrierere della Sera tự hào tuyên bố: “Một tháng vừa qua, đội bóng của [HLV Roberto] Mancini đã nhắc chúng ta rằng, chẳng có gì tồi tệ khi là một người Ý”. Một câu khiêm tốn nhưng đầy kiêu hãnh.

Ý thực sự đã thể hiện được tính cộng đồng và tinh thần tập thể suốt giải đấu. Họ chiến thắng mà không cần một ngôi sao nổi bật nào. 

Đội hình của họ là những người cần mẫn và chuyên nghiệp như Marco Veratti và Jorginho, những lão tướng đã bao năm gắn bó như Leonardo Bonucci và Giorgio Chiellini, cộng thêm những cầu thủ mới ngoài 20 như Federico Chiessa và Leonardo Spinazzola. Không có ai thuộc loại siêu sao lúc nào cũng đầy trên mặt báo cả.

Đã có trận Chiellini chấn thương ngồi ngoài, hôm chung kết Spinazzola chống nạng vào sân. Cũng chẳng sao, vẫn là đội Ý ấy, vẫn sức mạnh ấy, thắng lợi ấy. 

Đội bóng này có 26 người đăng ký thì HLV Mancini nói cả 26 đều là cầu thủ chính thức. Họ không giống vài đội bóng khác, như Bồ Đào Nha chẳng hạn - một đội có rất nhiều ngôi sao nhưng chơi rời rạc và ngôi sao lớn nhất, Cristiano Ronaldo, thì gây thất vọng nhiều hơn là mang lại hy vọng. 

Hay như Pháp, nơi mà sự khoa trương và đố kỵ đã làm tan tác cả một dàn sao rực rỡ.

Để một tập thể có sức mạnh hơn hẳn tổng cơ học của các cá thể, phải có bản lĩnh và nghệ thuật của người lãnh đạo. HLV Mancini là một nhà quản trị như vậy. 

Trên Wikipedia, người ta vẫn giới thiệu Mancini là HLV có thiên hướng phòng ngự và thành công nhờ thiên hướng đó. 

Những người làm từ điển mở đã không kịp bổ sung rằng, khi được giao đội tuyển Ý sau thảm họa không giành được vé dự World Cup 2018 tại Nga, Mancini đã bắt đầu cuộc cải tổ từ sự thay đổi với chính bản thân ông.

Ông muốn cầu thủ đá bóng với niềm vui và đặt mục tiêu truyền được cho khán giả niềm vui ấy. Ông yêu cầu bóng đá phải giúp được phần nào cho người dân Ý để họ vượt qua những khó khăn nhọc nhằn về kinh tế và xã hội. 

Các cầu thủ Ý tin vào điều đấy và lòng tin đã giúp họ đăng quang xứng đáng, nhất là khi đứng trước những thử thách ngặt nghèo như ở trận bán kết và chung kết.

Nước Ý vốn nổi tiếng với những võ sĩ giác đấu. Nước Ý cũng nổi tiếng với những mối tình như Romeo và Juliet. Nước Ý có những nhà tạo mốt ở Milan, có thời Phục hưng, có những giọng ca và những tay đàn bất tử..., nhưng ít khi, hay hầu như chẳng bao giờ nghe nói, về tính cẩn thận của người Ý.

Vậy mà Euro năm nay, Ý gần như là nơi duy nhất nhắc nhở người dân về kỷ luật chống dịch khi xem bóng đá. 

Để cổ vũ cho đội nhà trong trận chung kết trên “sân khách” Wembley, chính quyền cho phép tổ chức xem bóng đá đông người ở thủ đô Roma, nhưng với quy định chặt chẽ và dứt khoát: ai muốn tham dự phải đăng ký trước, phải mang theo kết quả xét nghiệm âm tính đang còn giá trị và chứng chỉ đã tiêm vắc xin.

Họ biết rằng nếu không cẩn thận như vậy thì mọi kết quả hôm nay lại có thể ra sông ra biển. Mà người Ý bây giờ cũng không chỉ biết lãng mạn và tài tử nữa, họ đã biết mình cần những giá trị bền vững như những giá trị giúp đội tuyển của họ đá một mạch 34 trận không thua suốt 3 năm qua. ■

Euro 2020 là một giải đấu đầy cảm hứng. Cảm hứng Đan Mạch với Christian Eriksen, cảm hứng Tây Ban Nha với lối đá kiểm soát bóng thuần thục, cảm hứng Thụy Sĩ loại Pháp và đe dọa Tây Ban Nha, cảm hứng Hungary làm Pháp và Đức điên đảo, cảm hứng Áo khi “thách đấu” Ý, cảm hứng Czech và Patrik Schick... Danh sách còn có thể kéo thêm rất dài.

Nhưng điều đặc biệt nhất, như một chuyên gia chiến thuật đã nhận xét, là “chẳng phải chứng kiến những thắng lợi không mong muốn”. 

Đây thực sự là một giải đấu tôn vinh lối đá tấn công, quyết liệt nhưng không ác ý. Thật thích thú khi chứng kiến cảnh Toni Kroos đứng nói chuyện với Ronaldo hay Romelu Lukaku vừa ôm vai vừa dẫn Ronaldo đi dạo sau trận đấu. 

Chẳng biết họ nói gì, nhưng có thể tin rằng, đấy đều là những điều tốt đẹp, và ý nghĩ ấy thôi cũng đủ tạo cho người xem cảm hứng.

Khi tinh thần và cảm hứng lên cao thì bóng đá trở nên khó dự báo. Khi ấy, những đội cỡ 5 - 6 điểm có thể thắng đội 9 - 10 điểm một cách hào hứng và thuyết phục như khi Thụy Sĩ loại Pháp. 

Truyền hình đã giới thiệu cả người máy và trí tuệ nhân tạo dự đoán rằng Pháp vô địch, nhưng cái trí tuệ vô cùng thông minh tưởng như toàn năng đấy làm sao đoán ra được Paul Pogba tự nhiên nổi hứng nhảy nhót hát ca, chọc giận Thụy Sĩ nổi máu tự ái mà tạo ra màn lội ngược dòng ngoạn mục? 

Cho nên không nên chê trách những dự báo sai, mà nên hiểu rằng càng dự báo sai thì xem bóng đá càng sướng, miễn là không dại nộp tiền vào chỗ hư không.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận