Euro 2016: Bóng lăn là có tiền

NGUYỄN HƯNG - HẢI MINH 15/07/2016 21:07 GMT+7

TTCT - Euro 2016 là giải đấu có quy mô lớn nhất lịch sử các kỳ Euro cả về số đội tham dự, số trận đấu, các thành phố tổ chức, lượng khán giả truyền hình, và quan trọng nhất, những lợi ích kinh tế đi kèm.

Cuộc chiến giữa Ronaldo và Bale ở bán kết Euro 2016 cũng sẽ là cuộc chiến giữa Nike và Adidas -lttsport.com, spoteo.de
Cuộc chiến giữa Ronaldo và Bale ở bán kết Euro 2016 cũng sẽ là cuộc chiến giữa Nike và Adidas -lttsport.com, spoteo.de

Nhà tài trợ vớ bẫm

Với các đại gia đồ dùng thể thao như Adidas, Nike và Puma, những giải đấu như Euro là cơ hội vô giá để quảng bá thương hiệu, và họ đã chèn ép thẳng tay các đối thủ khác trong ngành ở giải đấu lần này tại Pháp. “Các thương hiệu lớn đang ngày càng bành trướng” - hãng tiếp thị thể thao Repucom nhận xét.

Tại Euro 1996 ở Anh, 50% trong số 16 đội tham dự sử dụng sản phẩm của các thương hiệu ngoài bộ ba Nike, Adidas và Puma. Nhưng đến giải năm nay, con số đó chỉ là 4/24 đội (17%).

Thị phần của Adidas trong miếng bánh lợi nhuận bóng đá đang giảm vài thập kỷ gần đây, khi Nike tăng trưởng mạnh hơn. Nhưng họ vẫn là công ty tài trợ trang phục cho 5 đội vô địch Euro gần đây nhất. Và năm nay họ cung cấp sản phẩm cho 9 đội bóng, tăng so với 5 đội năm 1996.

Trong khi đó, Nike chỉ tài trợ 1 đội năm 1996 thì nay đã lên 6 đội. Puma cũng đẩy mạnh đầu tư cho bóng đá để bắt kịp hai đối thủ xếp trên khi tài trợ cho 5 đội. Những đội còn lại được những công ty nhỏ hơn như Umbro, Macron hay Juma tài trợ.

Ngoài những trận cầu tưng bừng trên sân, Repucom cho biết Adidas và Nike cũng đang ở trong “cuộc chiến thương mại khốc liệt” tại Euro 2016. Jon Stainer, giám đốc Repucom Anh, nhận xét: “Trong bóng đá, ở quy mô này, chỉ có hai sự kiện giúp chúng ta có thể thật sự thấy cuộc chiến giữa Nike và Adidas. Đó là World Cup và Euro”.

Tài trợ cho các đội bóng giúp những đại gia thể thao “có cơ hội tăng sự hiện diện và có thêm người hâm mộ. Nếu muốn thu hút sự chú ý của khách hàng tiềm năng và tăng doanh thu, Euro sẽ là thời điểm quan trọng với các thương hiệu. Khi ấy, các chiến dịch truyền thông xã hội và nội dung video sẽ tràn lan” - ông Stainer phân tích.

Ông nhận xét hai đại gia này đang thống trị trong mảng bóng đá, khi các đối thủ của họ cứ rơi rụng dần. Và mỗi kỳ Euro thế này lại là dịp để Adidas và Nike phô diễn sức mạnh của họ, để rồi được biết tới nhiều hơn và móc túi khách hàng khéo léo hơn.

Còn quan trọng hơn đội bóng, các siêu sao bóng đá cũng đang dần trở thành “tài sản” của những tập đoàn lớn. Nike chẳng hạn, có hợp đồng riêng với Cristiano Ronaldo (Bồ Đào Nha) trị giá lên đến 19 triệu euro mỗi năm.

Ngôi sao của Adidas là Gareth Bale (Xứ Wales) khiêm tốn hơn với 4 triệu euro/năm. Cũng chính vì thế mà đã xuất hiện “thuyết âm mưu” về việc phân nhánh vòng loại trực tiếp, khi Xứ Wales và Bồ Đào Nha đều được phân vào nhánh dễ thở hơn và góp mặt ở bán kết.

Một trong hai đội này sẽ vào chung kết, khiến cho ngoài cuộc chiến trên sân, đây sẽ còn là trận đấu Bale - Ronaldo và Adidas - Nike. Hiệu quả về doanh số thậm chí diễn ra ngay trong kỳ giải. Euro 2012 chẳng hạn, Adidas bán được hơn 1 triệu áo đội tuyển Đức và hơn 7 triệu quả bóng có logo giải đấu.

Ở World Cup 2014, giải mà Đức vô địch, con số đó là 3 triệu áo đấu. Trang chuyên về kinh doanh thể thao IPSO ước tính với việc Đức đã vào bán kết Euro 2016, riêng tiền lãi từ bán áo đấu, vào khoảng 20% giá mỗi chiếc bình thường là 85 euro, cũng đã đủ để Adidas trang trải toàn bộ khoản tài trợ của họ cho Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA), đồng nghĩa với việc họ được quảng bá không mất tiền!

Cuộc chiến giữa Ronaldo và Bale ở bán kết Euro 2016 cũng sẽ là cuộc chiến giữa Nike và Adidas - Ảnh: lttsport.com, spoteo.de
Cuộc chiến giữa Ronaldo và Bale ở bán kết Euro 2016 cũng sẽ là cuộc chiến giữa Nike và Adidas - Ảnh: lttsport.com, spoteo.de

 

2 tỉ euro cho UEFA

Cựu chủ tịch UEFA Michel Platini là người nêu ra ý tưởng mở rộng Euro lên thành 24 đội tham dự. Ông đã bị phản đối kịch liệt vào lúc đầu, nhưng rồi mọi chuyện vẫn diễn ra như dự kiến.

Đúng là rốt cuộc giải đấu đã có quá nhiều trận cầu tẻ nhạt và người xem cũng có phần mệt mỏi với lịch trình quá dài, nhưng UEFA đã đảm bảo được điều quan trọng nhất: càng nhiều trận đấu thì họ lại càng kiếm được nhiều tiền (chỉ tiếc là Platini giờ không còn tại vị để tận hưởng thành quả).

Trước giải, UEFA nói họ dự kiến thu về 2 tỉ euro từ giải đấu tại Pháp, tăng mạnh so với mức 1,4 tỉ euro của bốn năm trước khi chỉ 16 đội tham gia ở Ukraine và Ba Lan. Sự bành trướng về tiền bạc này dự kiến sẽ còn lớn hơn nữa bốn năm sau, khi giải đấu được tổ chức ở 13 quốc gia khác nhau! Riêng năm nay, tiền bản quyền phát sóng Euro 2016 đã vượt mốc 1 tỉ euro (1,05 tỉ), cao hơn 25% so với năm 2012.

Tiền tài trợ cũng tăng 40%, lên 450 triệu euro, theo lời ông Guy-Laurent Epstein, giám đốc tiếp thị UEFA, cho biết. Số còn lại đến từ tiền bán vé. Năm nay, UEFA bán ra 2,5 triệu vé, hơn hẳn 1 triệu so với năm 2012.

So với nhiều giải đấu của các châu lục khác, Euro áp đảo tuyệt đối xét theo góc độ kinh tế. Bản quyền truyền hình của Copa America năm nay, dù là giải hoành tráng nhất từ trước tới giờ, kỷ niệm 100 năm ra đời và được tổ chức ở thị trường lớn nhất châu lục là Mỹ, cũng chỉ có giá 112,5 triệu USD (khoảng 101 triệu euro).

Tương tự, bản quyền truyền hình cho các giải vô địch châu Á, được bán theo gói 10 năm, cũng chỉ giá trị tổng cộng 1 tỉ USD (khoảng 900 triệu euro). Năm nay, khoảng 3/4 doanh thu bản quyền truyền hình Euro đến từ các nước trong khối sử dụng đồng tiền chung euro. Nhưng sức mua từ Mỹ, Brazil và Trung Đông cũng đã tăng mạnh. Các nhà tài trợ, tất nhiên, cũng đóng góp không nhỏ cho túi tiền căng phình của UEFA.

Còn với nước chủ nhà Pháp, Trung tâm nghiên cứu luật pháp và kinh tế thể thao ở Limoges ước tính giải đấu sẽ đóng góp 1,3 tỉ euro cho GDP nước này, chủ yếu từ chi tiêu của người hâm mộ. Tuy nhiên, tính ra thì người dân đóng thuế Pháp vẫn “lỗ”: đất nước hình lục lăng đã chi khoảng 1,7 tỉ euro cho các sân vận động tổ chức giải. Xem ra người ta kiếm được rất nhiều tiền từ Euro thật, nhưng tiền đó vào túi những ai thì lại là câu chuyện hoàn toàn khác.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận