TTCT - Nông dân Đức biểu tình gây hỗn loạn toàn quốc tuần vừa rồi là diễn biến mới nhất trong phong trào phản đối của nông dân toàn châu Âu. Nhiều người nói họ vào thế đường cùng với các quy định mới của Liên minh châu Âu (EU) giữa lúc chi phí đầu vào tăng cao. Máy cày chiếm đại lộ trước cổng chào Brandenburg nổi tiếng ở Berlin. Ảnh: Getty ImagesCuộc biểu tình một tuần kéo dài tới hôm 12-1 chống lại việc cắt trợ cấp với nông dân nhằm giảm thâm hụt ngân sách. Các đoàn xe gồm hàng nghìn máy kéo và xe tải gây hỗn loạn giao thông ở một loạt đường cao tốc và khiến nhiều thành phố tắc nghẽn. Sản xuất tại nhà máy của Hãng Volkswagen ở thành phố Emden thậm chí buộc phải dừng trong khi hàng trăm máy kéo chen kín ở cổng Brandenburg tại Berlin. Hôm 4-1, Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck bị đám đông biểu tình giận dữ ở bến phà chặn lại khi ông cùng gia đình đi du lịch về.Nguyên nhân trực tiếp của biểu tình là quyết định tháng trước của chính quyền bỏ miễn thuế xe với các phương tiện nông nghiệp và cắt trợ cấp với diesel trong làm nông. Sau áp lực dữ dội, chính quyền đã xuống thang, kéo dài thời gian áp thuế diesel lên ba năm, nhưng vẫn áp thuế ngay với xe nông nghiệp. Các nghiệp đoàn phản bác rằng nhượng bộ vậy chưa đủ.Phản đối dữ dộiFrank Schmidt, nông dân ở Prignitz, tây bắc Berlin, nói với Financial Times rằng việc bỏ trợ cấp là "cọng rơm gãy lưng con lạc đà" khi nông dân đã bị "đày ải" bởi các thủ tục hành chính cùng quy định khắt khe về môi trường và đảm bảo quyền với động vật. "Nghề này giờ không còn lại niềm vui gì nữa - ông nói - Chúng tôi cùng đường rồi". Các bộ trưởng cảnh báo các nhóm cực hữu muốn lật đổ chính quyền đang lợi dụng biểu tình của nông dân, điều sẽ tác động nghiêm trọng tới các thiết chế dân chủ Đức."Đã xuất hiện kêu gọi làm cách mạng - ông Habeck, phó thủ tướng kiêm bộ trưởng kinh tế, nói - Các nhóm cực đoan đang được thành lập, các biểu tượng sắc tộc dân tộc chủ nghĩa đang được trưng ra công khai". Ông Habeck là một nạn nhân trực tiếp. Hôm 4-1, người biểu tình cản trở không cho ông rời phà lúc gia đình ông trở về sau kỳ nghỉ ở đảo Hooge, biển Bắc. Một số người biểu tình định trèo lên phà nhưng bị cảnh sát xua đi bằng hơi cay. Sau sự cố đó, các nghiệp đoàn kêu gọi thành viên kiềm chế và tránh biểu tình bên ngoài nhà riêng hay kích động nhắm vào cá nhân. "Chúng ta là một tổ chức dân chủ và tuân thủ hiến pháp Đức", lãnh đạo nghiệp đoàn Joachim Rukwied nói.Ở châu Âu, một số cuộc biểu tình tương tự dẫn tới bạo lực và xâm phạm không gian riêng tư của các chính trị gia, thậm chí gây ra tình trạng "đóng cửa" diện rộng ở Hà Lan trong vài năm gần đây. Phong trào biểu tình đã dẫn tới việc thành lập đảng chính trị mới là BBB (phong trào nông dân) năm 2019. Ở Bỉ, Tây Ban Nha và Pháp, nông dân xuống đường phản đối các biện pháp liên quan tới thay đổi luật về môi trường và chi phí tăng cao. Ba Lan và các nước Đông Âu khác cũng chịu biến động tương tự, dù chủ yếu liên quan tới ngũ cốc giá rẻ nhập từ Ukraine vào EU.Jan Douwe van der Ploeg, nhà xã hội học về nông nghiệp và cựu giáo sư Đại học Wageningen ở Hà Lan, nói với Đài DW là điểm tương đồng của các cuộc biểu tình là bảo vệ các chương trình trợ cấp hiện tại. Các quan ngại chủ yếu "liên quan quyền tiếp tục được trợ cấp có trong lịch sử hay việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và thuốc trừ sâu". Ở mỗi nước, nguyên nhân trực tiếp của biểu tình khác nhau. Biểu tình ở Đức vì muốn giữ trợ cấp với diesel, ở Tây Ban Nha là chống các biện pháp tiết kiệm nước, người Pháp thì liên quan tới phí thủy lợi và nhiên liệu cùng các chính sách thương mại của EU.Nông dân nuôi bò biểu tình ở The Hague, Hà Lan, tháng 6-2023. Ảnh: AFP"Những kẻ đặc quyền tới lố bịch"Với Chính phủ Đức, có những lo ngại các cuộc biểu tình sẽ bị các nhóm cực hữu lợi dụng. Bộ trưởng Habeck cảnh báo "những mơ mộng đảo chính" đang lan truyền trên mạng gắn với các cuộc biểu tình. Hôm đầu tuần, nhiều máy kéo đã giăng biểu ngữ với logo của đảng cực hữu AfD, hiện đang đứng thứ 2 trong các thăm dò với 23% ủng hộ. Phản đối của nông dân khiến các quan chức EU ở Brussels lo lắng cho các mục tiêu tham vọng về môi trường đã được Ủy ban châu Âu thông qua. EU đặt mục tiêu đạt "net zero" về phát thải vào năm 2050. Với nông nghiệp, họ muốn giảm 50% thuốc trừ sâu vào năm 2030.Do bầu cử nghị viện EU sẽ diễn ra vào tháng 6, một số lo ngại các mục tiêu này có thể bị thay đổi nếu các đảng cánh hữu chiến thắng. Theo ông van der Ploeg, ngành nông nghiệp châu Âu vốn có truyền thống biểu tình, nhưng trong quá khứ, các cuộc biểu tình của nông dân chủ yếu là những cơ sở nhỏ, còn giờ thì các tập đoàn lớn đóng vai trò ngày càng quan trọng: "Đây là những chủ trang trại rất lớn, là những người định hình nghị trình". Theo The Economist, bạo động "có thể là tiếng nói của những người không được lắng nghe, hoặc là sự tức giận của những kẻ đặc quyền tới lố bịch". Theo tạp chí này, nông dân châu Âu có đặc quyền "cao như bầu trời" - điều được họ coi là nghiễm nhiên nên nhiều khi mọi người chẳng thèm nhắc tới.Điều này thể hiện rõ khi Nghị viện châu Âu đàm phán gói trợ cấp 270 tỉ euro (330 tỉ USD) cho nông dân cả khối giai đoạn 2023-2027 cách đây ba năm. Việc nông dân nhận những khoản trợ cấp khổng lồ như vậy được coi là đương nhiên, tranh cãi thường chỉ là liên quan đến các điều kiện cụ thể kèm theo.Ảnh: Fox BusinessPhân chia ngân sách như phong kiếnChính sách nông nghiệp chung (CAP) này bị coi như một khối u trong "cơ thể EU" khi luôn ngốn tới 1/3 ngân sách của khối, nhưng rất ít chính trị gia dám đụng tới. Việc phân bổ rất kỳ quặc khi khoảng 20% trang trại sẽ được tới 80% ngân sách. Các nhà quý tộc, đại gia nông nghiệp và nhà thờ Công giáo được phần nhiều. Ví dụ các công ty gắn với cựu thủ tướng Czech Andrej Babis nhận 34 triệu euro (42 triệu USD) mỗi năm. Tiền được chuyển từ người đóng thuế tới các chủ đất theo mô hình gần như phong kiến. Thông thường, các chính trị gia tỏ ra lạc quan là tình hình sẽ được cải thiện nhưng tới năm 2021 (lần gần nhất đàm phán gói tài trợ này), cao ủy phụ trách nông nghiệp thừa nhận "sẽ không có cuộc cách mạng nào".Đã có những ngành mất dần ảnh hưởng như những thợ mỏ ở Đức và Pháp sẽ vẫn nhận tiền khi nghề của họ dần bị xóa sổ để chuyển sang kinh tế xanh. Các khoản tiền này được The Economist mô tả là "giống như tiền đi bar miễn phí sau đám tang". Ngược lại, nông dân thì vẫn bị ảnh hưởng vô cùng - một phần vì vai trò an ninh của thực phẩm. Ngoài ra, với một châu lục không có tiếng nói chung, chuyện tự hãnh về nền nông nghiệp nội địa là thông điệp chung của các nước. Ý có thể chống cà chua từ Tây Ban Nha nhưng lại không quan tâm về cà chua Morocco hay cà chua biến đổi gene từ Mỹ.Cách EU làm luật liên quan tới nông nghiệp cũng giúp nông dân có ảnh hưởng rất lớn. Thông thường làm luật ở Brussels giống như đi chợ, mọi thứ đều được bán với giá phù hợp. Quan chức các nước mặc cả với nhau, nhượng bộ ở một khoản để thắng ở khoản khác. Nông nghiệp thì không phải chịu cảnh mặc cả như vậy mà được bàn thảo riêng trong một ủy ban đặc biệt. Kết quả là chính phủ các nước cố tranh giành càng nhiều tiền trợ cấp càng tốt thay vì bàn với nhau xem các khoản này có thật sự cần hay không.Kết quả là gần như không một chính trị gia EU nào dám động đến giới lợi ích nông nghiệp. Ở Pháp, mọi ứng viên tổng thống đều sẽ phải đi hàng chục hội chợ nông sản để ngửi phô mai. Dù nông nghiệp chỉ chiếm 1% GDP cả khối, nhưng ảnh hưởng của ngành này lại rất lớn tới cử tri. Thành ra ở EU, đây không phải là cuộc chiến giữa tả và hữu, mà là giữa nông thôn và thành thị. Với hầu hết các nước, việc cắt viện trợ nông nghiệp sẽ là tấn công vào thành trì quan trọng ở nông thôn và rất ít chính trị gia muốn chạm vào.Biểu tình ở Brussels, thủ đô EU, diễn ra như cơm bữa. Bằng dụng cụ chuyên dùng để ném bóng tennis, người biểu tình có thể ném trứng xa tới 60m. Tới quảng trường Leopold ở Brussels vào đúng ngày, bạn có thể thấy nông dân từ khắp châu Âu bắn đủ thứ nông sản vào cảnh sát, từ trứng, sữa, cà chua cho tới cỏ khô. Hãn hữu còn có khi máy cày tông xuyên qua hàng rào dây thép gai, còn cảnh sát bỏ chạy. Khi xe bọc thép của cảnh sát tới, nông dân sẽ cán luôn xe bọc thép. ■ Hiện tại chỉ có một số phong trào NGO thúc đẩy các vấn đề môi trường gây sức ép với EU đòi khối phải mạnh tay hơn để hạn chế ảnh hưởng của các hoạt động canh tác với môi trường. Greta Thunberg, nhà hoạt động môi trường nổi tiếng người Thụy Điển, là một trong những người lên án mạnh mẽ vấn đề này. Bất chấp EU có tham vọng thế nào về môi trường, thường các vấn đề đụng tới nông nghiệp thì các chính trị gia đều né, dù phát thải của ngành này không thua kém các ngành công nghiệp nặng. Tags: Liên minh châu ÂuThâm hụt ngân sáchĐứcEUTrợ cấp nông nghiệp
Các bên vào cuộc xem xét việc Đàm Vĩnh Hưng hát ở hải ngoại khi đang bị cấm diễn HOÀI PHƯƠNG 24/11/2024 Ông Tạ Quang Đông - thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - cho biết đang làm việc với các bên liên quan đến việc ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng bị cấm biểu diễn trong nước nhưng đi diễn ở nước ngoài.
Tiết lộ doanh thu khủng của 'đế chế chăn nuôi' C.P. Việt Nam BÌNH KHÁNH 24/11/2024 Báo cáo tài chính của Charoen Pokphand Foods, công ty mẹ của C.P. Việt Nam, cho biết doanh thu 9 tháng đầu năm nay ở Việt Nam đạt gần 68.000 tỉ đồng.
Đội tuyển Việt Nam bắt đầu lắp ghép bộ khung đá chính HOÀNG TÙNG 24/11/2024 Trong buổi tập chiến thuật mới nhất, HLV Kim Sang Sik bắt đầu lắp ghép các nhân sự cho bộ khung đội tuyển Việt Nam chuẩn bị ASEAN Cup 2024.
Nhật Bản và Mỹ lập kế hoạch phóng tên lửa phòng Đài Loan ‘có biến’ MINH KHÔI 24/11/2024 Nhật Bản và Mỹ đang hướng tới việc xây dựng một kế hoạch quân sự chung nhằm ứng phó với tình huống khẩn cấp tại Đài Loan, bao gồm việc phóng tên lửa.