28/09/2021 14:00 GMT+7

EU sắp vắng bóng 'nữ hoàng'

TÔ HOÀNG
TÔ HOÀNG

TTO - Trong năm nay, Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu tiến hành một cuộc thăm dò ý kiến tại 12 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) về việc Thủ tướng Đức Merkel hay Tổng thống Pháp Macron nên được bầu vào vị trí giả định "tổng thống của EU".

EU sắp vắng bóng nữ hoàng - Ảnh 1.

Công nhân dọn một bảng quảng cáo với hình ảnh bà Merkel cùng dòng chữ "Mother of the Nation - Thanks for 16 years of hard work" (Mẹ của đất nước - cảm ơn 16 năm làm việc chăm chỉ) trước bầu cử ở Hamburg (Đức) vào hôm 24-9 - Ảnh: Reuters

Kết quả là đại đa số các ý kiến đều nghiêng về bà Merkel, với tỉ lệ 41% so với 14% của ông Macron. Trong giới lãnh đạo chính trị và truyền thông của EU, bà Merkel thường được nhắc đến với nhiều cái tên, từ "người đàn bà quyền lực nhất EU" cho đến "nữ hoàng châu Âu".

Các dấu ấn

Trong suốt nhiều thập niên từ khi thành lập đến nay, Pháp và Đức vẫn luôn là trụ cột xuyên suốt trong các chính sách của EU.

Trong khi những biến động chính trị nội bộ, đặc biệt là sự thay đổi thường xuyên lãnh đạo chính trị, đã hạn chế đi vai trò của Pháp, thì một nước Đức ổn định dưới sự lãnh đạo của bà Merkel đã nổi lên đóng vai trò nòng cốt trong các quyết sách của tổ chức này.

Cùng chung tầm nhìn với người đã dẫn dắt và bảo trợ cho bà trong sự nghiệp chính trị của mình là cựu thủ tướng Đức Helmut Kohl, bà Merkel tin rằng một EU gắn kết về lâu dài là có lợi cho an ninh và phát triển của nước Đức nói riêng cũng như châu Âu nói chung.

Không khó để nhận ra những dấu ấn về chính sách đối với EU của bà Merkel, người còn có biệt danh là "Krisenmanagerin" ("Người xử lý khủng hoảng", theo tiếng Đức).

Trong 15 năm qua, EU đã trải qua không ít sóng gió đe dọa không chỉ kinh tế, chính trị mà thậm chí cả sự tồn tại của khối như cuộc khủng hoảng đồng euro, khủng hoảng di cư, khủng hoảng Brexit, và gần đây nhất là cuộc khủng hoảng COVID-19.

Khi cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp và các nước Nam Âu nổ ra, đe dọa đến sự tồn tại của khu vực đồng euro, bà Merkel với sự ủng hộ của các nước Bắc Âu đã can thiệp, chấp nhận cho các nước Nam Âu đang bên bờ vực vỡ nợ được tiếp tục ở lại trong khu vực đồng euro.

Hay trong cuộc khủng hoảng di cư, khi các nước rìa phía nam EU phải chịu gánh nặng của làn sóng di cư của hàng triệu người từ Trung Đông và mâu thuẫn giữa các nước thành viên về việc xử lý vấn đề này ngày càng căng thẳng, bà Merkel đã dũng cảm mở cửa nước Đức cho hơn 1 triệu người tị nạn.

Quyết định này gây nhiều tranh cãi trong nội bộ nước Đức với hệ quả là việc lần đầu tiên Đảng cực hữu AfD được bầu vào Quốc hội Đức kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ 2.

Gần đây nhất là cuộc khủng hoảng COVID-19 bùng phát từ đầu năm 2020. Trước khả năng đổ vỡ của khu vực thị trường chung khi kinh tế ở các nước thành viên nghèo hơn ở Nam và Đông Âu bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, cùng với Pháp và các nước thành viên giàu có hơn ở khu vực Bắc Âu, nước Đức của bà Merkel đã chấp nhận chia sẻ gánh nặng, cung cấp ngân sách 750 tỉ euro cho quỹ phục hồi của EU để giúp các nước thành viên nghèo hơn khắc phục hậu quả của cuộc khủng hoảng này.

Những ý kiến trái chiều

Có không ít những ý kiến trái chiều về di sản của bà Merkel. Những người mong muốn một EU vững mạnh hơn thì cho rằng bà Merkel thiếu một tầm nhìn về tương lai của EU và không có sự quyết đoán cần thiết để thúc đẩy EU về phía trước.

Những quyết sách của bà được cho là chỉ được đưa ra khi bị dồn đến chân tường và không còn sự lựa chọn nào khác khi sự tồn tại của EU và lợi ích của nước Đức bị ảnh hưởng.

Bên cạnh đó là không ít bất bình, đặc biệt từ những nước chịu nhiều ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng đồng euro và cuộc khủng hoảng COVID-19 ở khu vực Nam và Đông Âu.

Họ cho rằng bà Merkel đặt lợi ích của nước Đức lên trên hết và áp đặt những biện pháp thắt lưng buộc bụng lên các nước này để phục vụ cho lợi ích của ngành công nghiệp xuất khẩu hùng mạnh của nước Đức, thậm chí theo đuổi học thuyết "nước Đức trên hết".

Đồng thời cũng có nhiều ý kiến về việc bà Merkel đã đặt những lợi ích kinh tế của nước Đức lên trên và bỏ qua những "giá trị" chung của EU về luật pháp và quyền con người trong cách ứng xử không chỉ đối với các nước bên ngoài EU như Nga, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ mà còn đối với các thành viên như Hungary hoặc Ba Lan.

Tóm lại, thật khó có thể đánh giá đầy đủ về di sản của bà Merkel khi phải dung hòa giữa cương vị là thủ tướng nước Đức và vị trí nhà lãnh đạo mặc nhiên của EU.

Dù vậy, vai trò nhà lãnh đạo mặc nhiên của bà Merkel trong EU trong những năm đầu của thế kỷ 21 là điều không thể phủ nhận. Có lẽ sẽ còn rất lâu EU mới có thể có lại một nhà lãnh đạo có vai trò như vậy, một vị trí đòi hỏi có tầm ảnh hưởng đủ lớn cũng như thời gian lãnh đạo đủ lâu để có thể để lại những dấu ấn của riêng mình.

Bầu cử Đức: Đảng bà Merkel thua sít sao nhưng vẫn còn cơ hội nắm quyền Bầu cử Đức: Đảng bà Merkel thua sít sao nhưng vẫn còn cơ hội nắm quyền

TTO - Đảng Dân chủ xã hội Đức (SPD) đã giành thắng lợi với cách biệt hẹp chỉ 1,6 điểm phần trăm so với Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ Đốc giáo (CDU/CSU). Dù vậy, chính phủ mới sẽ do đảng nào dẫn dắt vẫn đang là câu hỏi lớn.

TÔ HOÀNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên