Ngoại trưởng Đức Heiko Maas - Ảnh: REUTERS
Hãng tin AFP dẫn lời các nhà ngoại giao ngày 28-7 tiết lộ Pháp và Đức đã đề xuất hạn chế xuất khẩu các sản phẩm công nghệ "hai công dụng" trong một cuộc gặp giữa các bộ trưởng ngoại giao. Đề xuất này dự kiến sẽ được ký chính thức ngày 28-7 giờ địa phương.
Cùng với việc hạn chế xuất khẩu, EU cũng dự kiến đưa ra các biện pháp hỗ trợ người dân Hong Kong như cho phép họ đến châu Âu dễ hơn thông qua các thị thực, học bổng và trao đổi học thuật.
Khi đề xuất kế hoạch, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đã nói rằng với Luật an ninh quốc gia mới, châu Âu cần đối xử với đặc khu này như với Trung Quốc, nhất là trong việc xuất khẩu các thiết bị có thể được dùng để trấn áp.
Trước đó, EU đã bày tỏ quan ngại với đạo luật an ninh quốc gia áp dụng tại Hong Kong. Tuy nhiên, khối này vẫn chưa đưa ra phản ứng chung do sự chia rẽ trong việc phản ứng với Trung Quốc, một đối tác thương mại vô cùng quan trọng.
Trước đó cùng ngày, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 28-7 tuyên bố chính quyền Hong Kong sẽ chấm dứt các thỏa thuận hỗ trợ về vấn đề tội phạm cùng Anh, Canada và Úc, bao gồm cả việc dẫn độ.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Uông Văn Bân, tuyên bố rằng việc 3 quốc gia trên đã đình chỉ thỏa thuận dẫn độ cùng Hong Kong vì Luật an ninh quốc gia là "can thiệp thô bạo vào vấn đề nội bộ của Trung Quốc". Cho nên Trung Quốc cũng chấm dứt các thỏa thuận dẫn độ lại với 3 nước trên.
Hong Kong được Anh trao trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997 dựa trên cơ sở duy trì quyền tự trị của thành phố này, thường được biết đến là nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ".
Nguyên tắc trên cũng là cơ sở giúp Hong Kong trở thành một trong những trung tâm tài chính hàng đầu thế giới.
Kể từ sau khi Bắc Kinh thông qua Luật an ninh quốc gia Hong Kong, nhiều quốc gia đã lên tiếng lo ngại rằng Trung Quốc đang vi phạm nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ", cũng như Tuyên bố chung Trung - Anh năm 1984.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận