Lực lượng an ninh Libya bắt những người nghi là di dân từ châu Phi đang tập kết tại một địa điểm ở Tripoli, trong cuộc bố ráp rạng sáng 18-5 Ảnh: Reuters |
Người phụ trách chính sách đối ngoại EU Federica Mogherini cho biết lực lượng hải quân tham gia chiến dịch mang tên EU Navfor Med sẽ bắt đầu hoạt động vào tháng sau với trụ sở đặt tại Ý và dưới sự chỉ huy của một đô đốc người Ý.
Như vậy các lãnh đạo châu Âu đã có ý định rõ ràng và cứng rắn hơn, chứ không phải chỉ hô hào suông như từng bị chỉ trích thời gian qua về các quyết định liên quan việc ngăn chặn dòng người nhập cư từ Địa Trung Hải tràn vào châu Âu qua ngả Ý.
Ngăn chặn cứng rắn
EU đang đấu tranh để đối phó với làn sóng di cư bất hợp pháp từ châu Phi và Trung Đông mạo hiểm vượt biển Địa Trung Hải để đến châu Âu mong tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn.
AFP cho biết kế hoạch được sự ủng hộ của các bộ trưởng quốc phòng và bộ trưởng ngoại giao EU trong cuộc hội đàm tại Brussels (Bỉ).
Sẽ có tàu chiến của EU và các máy bay giám sát tham gia chiến dịch. Theo đó, máy bay giám sát sẽ thu thập thông tin tình báo về hoạt động của bọn tội phạm buôn người trước khi tiến hành các cuộc bố ráp tàu để đàn áp thẳng tay bọn tội phạm này.
Tuy nhiên, EU vẫn đang chờ Liên Hiệp Quốc ban hành một nghị quyết cho phép EU phá hủy các con tàu thuộc về những kẻ buôn người trong vùng biển Libya.
Bất ổn chính trị tại Libya đã biến nơi này thành một hải cảng an toàn cho bọn buôn người.
“Đã quyết định tiến hành một chiến dịch hải quân EU để phá vỡ mô hình kinh doanh của mạng lưới bọn tội phạm buôn lậu và buôn người” - bà Mogherini thông tin trên Twitter sau khi nói chuyện cùng với bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao EU.
Bà Mogherini cho biết kế hoạch gồm ba giai đoạn đang bắt đầu bằng việc thu thập thông tin tình báo. Sau đó là giai đoạn tiếp cận các con tàu dùng buôn lậu người và cuối cùng phá hủy chúng. Bà Mogherini cho biết thêm lực lượng hải quân EU cho nhiệm vụ này sẽ chính thức ra mắt vào tháng 6 sau một hội nghị thượng đỉnh của các lãnh đạo EU.
Chiến dịch quân sự là một phần trong bản kế hoạch lớn hơn mà EU đưa ra sau khi Địa Trung Hải chứng kiến những vụ chìm tàu chết người hơn bao giờ hết hồi tháng 4, nâng tổng số người di cư thiệt mạng trong năm 2015 lên con số 1.800 người.
Hỗ trợ bằng tiền
Đồng thời, theo báo Independent, EU cũng đang đẩy mạnh hợp tác với các nước chủ nhà có liên quan và hỗ trợ tiền bạc cho các quốc gia châu Phi hợp tác trong việc ngăn chặn làn sóng người di cư trước khi họ vượt Địa Trung Hải.
EU cũng yêu cầu các quốc gia châu Phi nhận lại những công dân của nước mình đã di cư bất hợp pháp đến EU để đổi lấy tiền viện trợ.
Song song đó, EU lên kế hoạch mở các trung tâm di cư ở châu Phi, ban đầu sẽ là Niger, theo một chính sách nhằm giải quyết vấn đề “gần các quốc gia khởi điểm của nạn di cư bất hợp pháp” và “xây dựng năng lực tiếp nhận người di cư trở về”.
Quan chức EU cũng sẽ làm việc tại các trung tâm trên để làm rõ về những tuyên truyền sai trái và lừa đảo của những kẻ buôn lậu về việc đi tàu sang châu Âu rất ngắn và dễ dàng, trong khi thực tế có đến 1.800 người chết trong năm nay.
EU cũng bác bỏ báo cáo cho rằng các trung tâm di cư là “các trại tị nạn trá hình”, nhưng thừa nhận các trung tâm này sẽ nằm xa bờ biển Địa Trung Hải của Bắc Phi để có khả năng ngăn chặn từ sớm những chuyến đi nguy hiểm của người di cư.
Tuy nhiên, theo AFP, Chính phủ Libya đã phản đối kế hoạch hải quân của EU và cho rằng Brussels nên nói chuyện này với họ trước.
“Các biện pháp quân sự để giải quyết những con tàu bên trong vùng biển thuộc Libya hoặc bên ngoài không được xem là nhân đạo” - người phát ngôn Chính phủ Libya Hatem el-Ouraybi tuyên bố.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu cũng sẵn sàng hỗ trợ EU trong sứ mệnh này dù EU chưa lên tiếng nhờ trợ giúp.
Ông Stoltenberg nhấn mạnh nguy cơ “khủng bố” từ các nhóm cực đoan Hồi giáo cố tìm đường sang châu Âu bằng cách trà trộn vào dòng người di cư bất hợp pháp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận