Tổng thư ký NATO nói chuyện với các binh sĩ trong chuyến thăm đến một căn cứ quân sự ở Bardufoss (Na Uy) vào ngày 25-3 - Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, niềm tin này đã lung lay phần nào khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014 và những biện pháp cấm vận mà Liên minh châu Âu (EU) áp dụng không đem lại kết quả như mong đợi. Nay thì cuộc chiến Nga - Ukraine như giọt nước tràn ly, khiến họ nhận ra một thực tế là khối EU vẫn phải lo tự bảo vệ.
Chúng tôi không chiến đấu chỉ vì người dân Ukraine, mà vì an ninh của châu Âu, và chúng tôi đã chứng tỏ rằng chúng tôi xứng đáng là một thành viên chính thức của EU.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói trong bài phát biểu qua video trước Quốc hội Thụy Điển vào hôm 24-3
Lập lực lượng ứng phó khẩn cấp
Vào ngày 21-3, bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao các nước EU đã thông qua chiến lược quốc phòng toàn diện mới "Strategic Compass" (tạm dịch: La bàn chiến lược), được phát triển từ chiến lược 2016.
Cách đây 6 năm, các nước EU đã thông qua một chiến lược quốc phòng, trong đó có một số sáng kiến cụ thể nhằm thúc đẩy hợp tác và tăng cường khả năng tự vệ trước các mối đe dọa với châu lục và bảo vệ các biên giới ngoại vi của EU.
Trong khi đó, chiến lược quốc phòng mới "Strategic Compass" đề cập đến việc thành lập một lực lượng ứng phó khẩn cấp chung với 5.000 thành viên.
Tuy sẽ không thay thế cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong vai trò bảo đảm cho an ninh châu Âu, nhưng với lực lượng này, EU có thể gửi quân đến các khu vực lân cận như bán đảo Balkan hoặc Bắc Phi trong những tình huống không có sự hiện diện của phái bộ NATO hoặc Liên Hiệp Quốc.
Tuy nhiên, do hoạt động hợp tác quốc phòng của EU mang tính chất liên chính phủ nên mọi hoạt động phải trên cơ sở tự nguyện đối với các nước, kể cả việc họ có muốn tham gia các nhiệm vụ của lực lượng khẩn cấp hay không và đóng góp thế nào.
Theo Nghị viện châu Âu, khối EU có mức chi tiêu quốc phòng lớn thứ hai thế giới sau Mỹ, nhưng ước tính có khoảng 26,4 tỉ euro bị lãng phí hằng năm do sử dụng không hiệu quả.
Do đó, Nghị viện châu Âu đã kêu gọi các nước EU nghiêm túc thực hiện chỉ tiêu đầu tư cho an ninh quốc phòng và hợp tác chặt chẽ hơn nữa.
Các nước Baltic lo lắng
Trong số 30 thành viên NATO thì có 22 nước thuộc khối EU. Hiện EU hợp tác với NATO trong 74 lĩnh vực, bao gồm an ninh mạng, các cuộc tập trận chung và cuộc chiến chống khủng bố.
Sau khi nổ ra cuộc chiến Nga - Ukraine, vai trò lá chắn của NATO lại trở nên quan trọng hơn bao giờ hết vì khu vực biển Baltic có thể trở thành trung tâm xung đột kế tiếp do đóng vai trò quan trọng trong lợi ích của Nga.
Ba nước vùng Baltic là Estonia, Latvia, Lithuana đều đã gia nhập NATO từ 2004, nay Thụy Điển và Phần Lan cũng đang cân nhắc khả năng tham gia khối liên minh quân sự này.
Theo khảo sát thực hiện ngày 15-3 vừa qua của YLe Måling (Phần Lan), 62% người Phần Lan, quốc gia có 1.340km biên giới chung với Nga, tán thành việc tham gia NATO, so với 50% vào cuối tháng 2. Khảo sát thực hiện 5 năm trước đây cho thấy chỉ có 19% người dân đồng ý.
Hôm 6-3, Chính phủ Đan Mạch công bố "Thỏa hiệp quốc gia về chính sách an ninh" nhằm tăng cường khả năng phòng thủ. Theo đó, Đan Mạch sẽ tiến tới độc lập về khí đốt của Nga và tăng ngân sách quốc phòng để đạt chỉ tiêu 2% GDP vào năm 2033.
Đan Mạch lo lắng là vì đảo Bornholm của nước này giữ một vị trí chiến lược quan trọng trên biển Baltic do nằm gần Thụy Điển, Đức, Ba Lan và ở vị trí sát hai đường ống dẫn khí đốt của Nga vào châu Âu - Nord Stream 1 và Nord Stream 2.
Có một vấn đề được nêu ra từ nhiều năm qua là ngân sách quốc phòng của các nước thành viên NATO. Tại Hội nghị thượng đỉnh NATO 2014, các nước thành viên đã cam kết tuân thủ chỉ tiêu là ngân sách quốc phòng mỗi nước chiếm ít nhất 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và cam kết này phải đạt được muộn nhất vào năm 2024.
Tuy nhiên, tới 2021 chỉ có 10/30 thành viên cũ và mới đáp ứng chỉ tiêu này là Mỹ, Anh, Hy Lạp, Croatia, Estonia, Latvia, Ba lan, Lithuania, Romania và Pháp. Hy Lạp là nước chi nhiều nhất với 3,8% GDP, Đức là 1,5%, Đan Mạch 1,4%.
Chi cho quốc phòng thấp nhất là Luxembourg, chỉ có 0,5% GDP. Đây là các nước EU đã điều chỉnh tăng ngân sách quốc phòng từ sau năm 2018, dưới sự thúc ép của Đức và áp lực mạnh mẽ của tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Donald Trump.
Phương Tây tăng sức ép lên Nga
Chuyến công du châu Âu của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang chứng kiến những động thái mới của phương Tây nhắm vào Nga.
Sau cuộc họp với các đồng minh NATO và công bố một thỏa thuận cung cấp thêm 15 tỉ mét khối khí đốt tự nhiên cho EU giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch Nga, Tổng thống Biden đã lên đường đến Ba Lan vào ngày 25-3, nơi ông gặp các binh sĩ và người tị nạn gần biên giới Ba Lan - Ukraine, theo báo New York Times.
Đức, nước phản đối cấm vận dầu mỏ Nga, cùng ngày 25-3 ra tuyên bố sẽ cắt giảm mạnh việc mua năng lượng từ Nga trong năm nay. Theo đó, nước này sẽ giảm một nửa lượng dầu mua từ Nga vào tháng 6 và chấm dứt việc mua than Nga từ mùa thu năm nay.
Sự phụ thuộc của nền kinh tế lớn nhất châu Âu vào năng lượng Nga đang bị coi là "gót chân Achilles" của phương Tây, trong bối cảnh các nước này đang muốn trừng phạt Nga mạnh hơn nữa để kết thúc cuộc chiến tại Ukraine.
Về mặt quân sự, hội nghị thượng đỉnh bất thường của NATO vào ngày 24-3 (giờ Bỉ) đã đi tới quyết định thiết lập thêm các nhóm chiến đấu ở 4 quốc gia thành viên là Bulgaria, Hungary, Romania và Slovakia.
Theo báo New York Times, với quyết định này, hiện tại tất cả các nước NATO giáp Nga, Belarus và Ukraine đều đã có nhóm chiến đấu. Quân số của các nhóm này được dự báo sẽ còn tăng thêm, trong đó nổi bật nhất là lực lượng ở Ba Lan - quốc gia giáp Ukraine và là cửa ngõ chuyển vũ khí của phương Tây cho chính quyền Kiev.
BẢO DUY
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận