Mỹ - EU từng tranh chấp thương mại về thuế nhôm, thép - Ảnh: FOX24.COM
Theo Hãng tin Reuters, dự thảo đề xuất này nhằm đối phó với vấn đề lan tỏa căng thẳng địa chính trị sang thương mại có xu hướng gia tăng gần đây.
Cụ thể, công cụ chống bắt nạt trong dự thảo sẽ nhằm vào các quốc gia cố gắng can thiệp vào "những lựa chọn chủ quyền hợp pháp" của EU hoặc 1 trong số 27 quốc gia thành viên EU bằng cách "sử dụng hoặc đe dọa sử dụng các biện pháp ảnh hưởng đến thương mại đầu tư".
Dự thảo đề ra một loạt hành động trừng phạt mà EU có thể thực hiện nếu xác định hành vi đó là cưỡng ép, bắt nạt - như áp đặt hàng rào thuế quan, đình chỉ tiếp cận thị trường thông qua việc sử dụng hạn ngạch hoặc giấy phép kinh doanh, hạn chế tiếp cận các chương trình mua sắm công và thị trường đầu tư.
Công cụ này sẽ loại các nước có hành vi bắt nạt kinh tế khỏi các lĩnh vực sinh lời của thị trường EU.
Ủy viên Thương mại châu Âu Valdis Dombrovskis nói về sự cần thiết của dự thảo đề xuất: "Vào thời điểm căng thẳng địa chính trị gia tăng, thương mại ngày càng bị vũ khí hóa. EU và các nước thành viên trở thành mục tiêu của đe dọa kinh tế. Chúng tôi cần các công cụ thích hợp để đối phó".
Đây được xem là thông điệp rõ ràng của EU rằng khối này sẽ mạnh mẽ bảo vệ lợi ích của mình. Tuy nhiên, dự thảo cũng xác định công cụ này là một biện pháp răn đe và là "phương án cuối cùng", chỉ áp dụng khi các nỗ lực khác nhằm ngăn chặn hành vi bắt nạt không thành công.
Dự thảo cần được Hội đồng châu Âu và Quốc hội châu Âu phê chuẩn.
Gần đây, vấn đề bắt nạt kinh tế đã được đẩy lên hàng đầu trong chương trình nghị sự EU - Trung Quốc, liên quan đến tranh cãi giữa Lithuania và Trung Quốc. Bắc Kinh bị cho là chặn xuất khẩu của Lithuania sau khi quốc gia này mở rộng quan hệ với Đài Loan.
Trước đó, EU cáo buộc chính quyền của cựu tổng thống Mỹ Donald Trump vũ khí hóa thương mại.
Năm 2018, tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump công bố mức thuế 25% với thép nhập khẩu và 10% thuế đối với nhôm nhằm thúc đẩy các ngành công nghiệp đang gặp khó khăn, gây ra bất đồng song phương lớn nhất trong quan hệ Mỹ - EU.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận