Quân đội Hungary giăng dây thép gai ở biên giới để ngăn người nhập cư bất hợp pháp - Ảnh: dt.bh |
Theo Hãng tin AFP, Cộng hòa Czech, Hungary, Romania và Slovakia đều đã bỏ phiếu chống, trong khi Phần Lan vắng mặt nhưng nghị quyết vẫn được thông qua.
Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve gọi thỏa thuận này là “một bước đi quan trọng” được thông qua bởi “đa số áp đảo” trong 28 bộ trưởng có mặt.
“Quyết định này là tuyên bố về năng lực chịu trách nhiệm và tiến lên phía trước của châu Âu”, ông nói.
Tuy nhiên, 120.000 người chỉ là một phần nhỏ trong dòng người tị nạn đang đổ vào châu Âu những tháng gần đây.
Cơ quan tị nạn Liên Hiệp Quốc UNHCR cho biết đã có 477.906 người nhập cư tới châu Âu chỉ qua đường biển tính tới thời điểm này của năm 2015.
“Đây có thể là cơ hội cuối cùng để châu Âu cùng hành động ứng phó với cuộc khủng hoảng đang làm gia tăng nỗi thống khổ của những người tị nạn và căng thẳng giữa các nước - Antonio Guterres, Cao ủy UNHCR, nói trong một tuyên bố - Ngay cả chương trình đã được thông qua vẫn là chưa đủ”.
Một cuộc gặp cấp nguyên thủ sẽ diễn ra ở Brussels hôm nay 23-9 để tiếp tục tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng nhập cư tồi tệ nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến thứ hai, khi hàng trăm nghìn người đã rời bỏ các quốc gia đang chìm trong chiến sự như Syria, Iraq, Afghanistan và Eritrea để tới châu Âu.
Thủ tướng Anh David Cameron và Thủ tướng Đức Angela Merkel là những người đã yêu cầu tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh này hôm 21-9.
Hai nhà lãnh đạo cho rằng EU phải “xem xét một giải pháp rộng hơn cho cuộc khủng hoảng, đặc biệt là việc phải làm gì ở các nước láng giềng của Syria để xử lý tình trạng người tị nạn, đẩy nhanh giải pháp chính trị ở Syria và các biện pháp khác để tăng cường cho những đường biên giới bên ngoài châu Âu”, theo một tuyên bố chung phát đi từ văn phòng của ông Cameron.
Trong một báo cáo đăng tải ngày 22-9, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) nói tình trạng nhập cư đang gia tăng nhanh chóng và Đức đã trở thành quốc gia lớn thứ hai thế giới sau Mỹ về nhận người nhập cư. Berlin dự kiến nhận thêm ít nhất 800.000 người nhập cư chỉ trong năm nay.
Trong khi đó, các nước Đông Âu vẫn phản đối quyết liệt việc đón nhận người nhập cư.
Quốc hội Hungary ngày 21-9 đã thông qua đạo luật mới cho phép triển khai quân đội ngăn dòng người nhập cư ở biên giới và sử dụng các loại vũ khí không gây chết người như đạn cao su và hơi cay để ngăn cản những người vượt biên.
Trước đó, Chính phủ Hungary đã cho đăng các quảng cáo trên báo Lebanon và Jordan cảnh báo người nhập cư có thể bị bỏ tù nếu vào nước này bất hợp pháp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận