Lãnh đạo EU cũng thảo luận về cách duy trì sự cân bằng giữa "giảm thiểu rủi ro phụ thuộc" nhưng vẫn hợp tác với Trung Quốc trong các lĩnh vực như biến đổi khí hậu.
Thủ tướng Latvia Krisjanis Karins cho biết việc tìm ra lập trường đúng đắn với Trung Quốc là "câu hỏi triệu euro".
"Về cơ bản, cần đánh giá liệu chúng ta có đang phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc trong thương mại theo một cách nào đó hay không, và làm thế nào để giảm bớt để nếu có đột biến xảy ra trên thế giới, chúng ta sẽ không bị rơi vào thế khó", ông Karins nêu vấn đề và nhắc đến bài học của EU khi phụ thuộc vào khí đốt của Nga trước đây.
Trong khi đó Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết việc giảm nguy cơ phụ thuộc vào Trung Quốc vốn chủ yếu là vấn đề của các công ty và sẽ mất vài năm để đa dạng hóa.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte nhấn mạnh sự phụ thuộc của EU vào Trung Quốc trong đại dịch COVID-19 với các thiết bị bảo vệ cá nhân như khẩu trang và hiện nay là thuốc và nguyên liệu thô để sản xuất thuốc.
Ông Rutte nói việc giảm phụ thuộc vào Trung Quốc sẽ là một quá trình "từng bước một".
Từ năm 2019, EU xem Trung Quốc là đối tác, đối thủ cạnh tranh kinh tế và đối thủ mang tính hệ thống.
Sự thận trọng của EU với Trung Quốc đã tăng lên liên quan đến chính sách ngoại giao "chiến lang" hung hăng hơn của Trung Quốc và mối quan hệ chặt chẽ hơn của Bắc Kinh với Nga.
Thủ tướng Estonia Kaja Kallas xác nhận: "Việc chúng tôi xem Trung Quốc là một đối thủ hệ thống ngày càng tăng lên".
Theo Hãng tin Reuters, các lãnh đạo EU đã muốn đạt được sự đồng thuận về vấn đề này trong cuộc họp ngày 30-6, nhưng đã có sự khác biệt giữa các quốc gia như Pháp và Đức, những nước có lợi ích kinh doanh lớn ở Trung Quốc và Lithuania - quốc gia bị Trung Quốc hạ cấp quan hệ ngoại giao vì cho phép Đài Loan lập văn phòng đại diện ở đây.
Kết luận của hội nghị cho biết EU sẽ giảm bớt các sự phụ thuộc quan trọng, loại bỏ các rủi ro với Trung Quốc và đa dạng hóa ở các lĩnh vực cần thiết.
EU cũng kêu gọi Trung Quốc tác động để Nga ngừng chiến tranh ở Ukraine, bày tỏ quan ngại về sự gia tăng căng thẳng ở eo biển Đài Loan, đồng thời nhấn mạnh lợi ích chung của đôi bên trong quan hệ ổn định.
Trước đó, hồi tháng 3, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen, cho biết lập trường cứng rắn hơn của Trung Quốc buộc châu Âu phải "giảm thiểu rủi ro" cả về kinh tế và ngoại giao.
Ủy ban châu Âu cũng kêu gọi các thành viên EU thống nhất trong việc kiểm soát chặt chẽ hơn việc xuất khẩu công nghệ và đường đi của các công nghệ dùng cho mục đích quân sự của "các quốc gia đáng quan ngại", ám chỉ Trung Quốc.
Hội nghị thượng đỉnh thường kỳ của Liên minh châu Âu diễn ra trong hai ngày 29 và 30-6 tại Bỉ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận