Theo Hãng tin Reuters, một tài liệu chuẩn bị cho cuộc họp của các nhà lãnh đạo EU vào ngày 5-10 tới đã bày tỏ lo ngại EU sẽ phụ thuộc vào Trung Quốc như đã từng phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ Nga trước khi xảy ra cuộc xung đột Ukraine.
Tài liệu do tổng thống Tây Ban Nha - chủ tịch EU - chuẩn bị. Theo đó cho biết do tính chất không liên tục của các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời hoặc gió, châu Âu sẽ cần các cách để lưu trữ năng lượng nhằm đạt được mục tiêu phát thải carbon dioxide bằng 0 vào năm 2050.
Trong khi đó nhu cầu về pin lithium-ion, pin nhiên liệu và máy điện phân của EU dự kiến sẽ tăng 10 - 30 lần trong những năm tới.
Mặc dù EU có vị thế vững chắc trong lắp ráp sản xuất máy điện phân, chiếm hơn 50% thị phần toàn cầu, nhưng EU lại phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc về pin nhiên liệu và pin lithium-ion.
“Nếu không thực hiện các biện pháp mạnh mẽ, hệ sinh thái năng lượng châu Âu có thể phụ thuộc vào Trung Quốc vào năm 2030, với mức độ nghiêm trọng tương tự như phụ thuộc năng lượng vào Nga trước cuộc xung đột Ukraine”, tài liệu viết.
Cũng theo tài liệu trên, pin lithium-ion và pin nhiên liệu không phải là lĩnh vực dễ bị tổn thương duy nhất của EU.
Một kịch bản tương tự có thể xảy ra trong không gian công nghệ kỹ thuật số. Các dự báo cho thấy nhu cầu về các thiết bị kỹ thuật số như cảm biến, máy bay không người lái, máy chủ lưu giữ dữ liệu, thiết bị lưu trữ và mạng truyền dữ liệu sẽ tăng mạnh trong thập kỷ này.
Được biết tại cuộc họp ở Granada (Tây Ban Nha) ngày 5-10 tới, các nhà lãnh đạo EU sẽ thảo luận những đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC) nhằm giảm nguy cơ châu Âu quá phụ thuộc vào Trung Quốc.
Đồng thời cũng sẽ bàn việc đa dạng hóa nguồn cung cấp pin lithium-ion và pin nhiên liệu bằng cách chuyển sang tìm nguồn cung cấp ở khu vực châu Phi và châu Mỹ Latin.
Theo Ủy ban châu Âu, vào năm 2021, một năm trước cuộc xung đột Nga - Ukraine, EU phụ thuộc vào Nga hơn 40% tổng lượng tiêu thụ khí đốt, 27% lượng dầu nhập khẩu và 46% lượng than.
Do đó khi quyết định chấm dứt hầu hết hoạt động mua năng lượng từ Nga, EU đã nhận cú sốc về giá năng lượng và lạm phát tiêu dùng gia tăng.
Điều này buộc Ngân hàng Trung ương châu Âu phải tăng mạnh lãi suất - một động thái làm kìm hãm tăng trưởng kinh tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận