Việc Ukraine gia nhập Liên minh châu Âu (EU) có thể đồng nghĩa khoảng 186 tỉ euro từ ngân sách EU chảy vào nước này trong 7 năm, theo báo Politico.
Đây là thông tin nằm trong một ghi chú nội bộ của Hội đồng EU về các chi phí liên quan tới kế hoạch mở rộng của khối sắp tới, bao gồm việc thu nạp Ukraine.
Theo Financial Times - tờ báo đầu tiên đưa tin về tài liệu nêu trên, đây là động tác đầu tiên của EU trong việc ước tính tác động từ việc mở rộng EU đối với ngân sách của liên minh này.
Hôm 4-10, tờ Politico dẫn nội dung tài liệu trên cho thấy việc EU sáp nhập thêm 6 quốc gia vùng Balkan cũng như Georgia và Moldova có thể sẽ tạo ra thêm một “gánh nặng” khoảng 74 tỉ euro đè lên ngân sách của EU.
Vấn đề sáp nhập thêm thành viên mới cũng là điểm thảo luận chính trong cuộc họp của các nhà lãnh đạo EU tại thành phố Granada, Tây Ban Nha vào cuối tuần này.
EU đang chuẩn bị mở một số cuộc điện đàm về khả năng Ukraine gia nhập EU. Các thông báo chính thức về vấn đề này cũng dự kiến sẽ được đưa ra sau tháng 12 tới, theo Politico.
Tài liệu của EU nhận định sẽ có một số lợi ích khi kết nạp thành viên, ví dụ mở rộng được thị trường, tăng thêm ảnh hưởng về chính trị trên thế giới.
Tuy nhiên, tài liệu trên cũng đưa ra cảnh báo những “thách thức rất lớn” mà EU có thể phải đối mặt khi tăng thêm thành viên như các vấn đề về ngân sách, vấn đề pháp quyền và khả năng đưa ra quyết định của EU.
Trong khi đó, việc mở rộng lãnh thổ EU trong tương lai cũng có nghĩa là tất cả các nước thành viên của EU hiện tại sẽ rơi vào cảnh “chi trả nhiều hơn nhưng nhận lại ít hơn”.
Cũng theo Politico, tài liệu này không nêu ra cụ thể tình huống của từng quốc gia châu Âu, mà chủ yếu chỉ tập trung vào các tác động dự kiến đối với chính sách nông nghiệp và liên kết.
Khi nhắc đến chính sách trợ cấp nông nghiệp, Ukraine sẽ là thành viên được hưởng lợi chính. Bởi tính đến nay, tổng số trợ cấp trong lĩnh vực này mà Kiev đã nhận là 96,5 tỉ euro trong vòng hơn 7 năm qua.
Trong khi đó đối với các gói tài trợ liên kết, những nước tương đối nghèo hơn so với các thành viên khác của EU như Cộng hòa Czech, Estonia, Latvia, Slovenia, Cộng hòa Cyprus và Malta sẽ không còn đủ điều kiện để nhận gói hỗ trợ này nữa.
Tuy nhiên, những tính toán này chỉ dựa trên các cơ sở quy tắc chi tiêu ngân sách hiện hành của EU. Đồng thời, việc thay đổi trong việc sử dụng ngân sách của EU là “chắc chắn cần thiết và sẽ tạo ra sự ảnh hưởng sâu rộng”.
Cũng trong ngày 4-10, Ủy ban châu Âu (EC) nhấn mạnh ngân sách tương lai của EU sẽ không chỉ đơn giản là lấy lại ngân sách hiện tại mà còn cần phải được cải cách không ít, bao gồm cả cách thức huy động nguồn tiền và mục đích chi tiêu.
Phát biểu tại hội nghị thường niên trước Nghị viện châu Âu hồi tháng trước, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen khẳng định cải cách ngân sách EU sẽ diễn ra như một phần của quá trình tính toán lại rộng rãi hơn, nhằm chuẩn bị cho việc chào đón thêm các thành viên mới của khối.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận