22/08/2016 08:59 GMT+7

Ernest Hebrard với phong cách “Kiến trúc Đông Dương”

KTS NGUYỄN HỮU THÁI
KTS NGUYỄN HỮU THÁI

TTO - Đô thị, kiến trúc các thành phố Pháp và thuộc địa sau Thế chiến I có nhiều thay đổi nhờ đạo luật chỉnh trang mới.

Trường Lê Hồng Phong bây giờ - Ảnh tư liệu
Trường Lê Hồng Phong bây giờ - Ảnh tư liệu

Đặc biệt kể từ những năm 1920, một số công trình kiến trúc xuất hiện mang phong cách “Kiến trúc Đông Dương”, nghĩa là pha trộn kiến trúc phương Tây lẫn phương Đông do Ernest Hebrard (1875-1933) là kiến trúc sư, nhà khảo cổ học, nhà quy hoạch người Pháp đề xướng. 

Ông cũng là giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Đông Dương thuộc Pháp. Các công trình của ông như Đại học Đông Dương (nay là Trường đại học Tổng hợp Hà Nội), Bảo tàng Viện Viễn Đông Bác cổ Finot (nay là Bảo tàng Việt Nam), Sở Thuế (nay là Bộ Ngoại giao), nhà thờ Cửa Bắc... ở Hà Nội.

Giai đoạn từ đầu thế kỷ 20 đến hết Thế chiến II (1945), nét kiến trúc đã đổi khác theo các trào lưu mỹ thuật mới - nghệ thuật trang trí kiểu “Arts-Nouveaux”, “Art-Déco” thời thượng ở châu Âu lúc đó.

Đường nét kiến trúc, trang trí không còn tượng thần, phù điêu rườm rà mà sử dụng nhiều hình kỷ hà, sắt uốn, có pha chế thêm mỹ thuật bản địa Khmer, Chăm, Hoa.

Hãy xem các công trình điển hình thời này ở Ngân hàng Quốc gia (tại bến Chương Dương), khách sạn Majestic, nhà Chú Hỏa (nay là Bảo tàng Mỹ thuật).

Công trình duy nhất của Hebrard ở Sài Gòn

Họa đồ xây cất Trường Petrus Ký (nay là Trường Lê Hồng Phong) do Ernest Hebrard thiết kế năm 1925, và trường được khởi công xây cất liền sau đó để hoàn tất vào năm 1927.

Niên khóa đầu tiên khai giảng với bốn lớp học sinh. Lúc này trường mang tên Collège de Cochinchine (Trung học cấp II Nam kỳ, tốt nghiệp bằng thành chung - diplôme) và vị hiệu trưởng đầu tiên là ông Banchelin.

Ngôi trường này là công trình kiến trúc duy nhất của kiến trúc sư Ernest Hebrard ở Sài Gòn. Ông là người từng đề xướng một phong cách kiến trúc mới, kết hợp các nét Âu - Á, hỗn dung văn hóa truyền thống bản địa với kỹ thuật xây dựng phương Tây cùng điều kiện khí hậu nhiệt đới. Trường Petrus Ký có những đặc điểm sau:

- Trước hết là cổng chính có tháp đồng hồ bên trong mang dáng dấp và đường nét kiến trúc - trang trí Khuê Văn Các ở Hà Nội.

- Trường sử dụng vật liệu bản địa gạch ngói, gỗ, không còn trang trí rườm rà kiểu hình tượng, phù điêu cổ điển Pháp xa lạ.

- Sân trường rộng rãi, bao quanh bởi hành lang có mái che dẫn đến các lớp.

- Lớp học thoáng mát: trần cao, cửa lá sách dễ cho gió mát xuyên qua, mở ra hành lang (rất phù hợp với thời tiết khí hậu nhiệt đới Nam bộ, nắng mưa nhiều, không lạnh như Đà Lạt, Hà Nội).

Chân dung kiến trúc sư Ernest Hebrard
Chân dung kiến trúc sư Ernest Hebrard

Phương án quy hoạch Sài Gòn của Hebrard

Khi quân Pháp bình định được vùng Sài Gòn - Gia Định, đô đốc Bonard ngay từ năm 1862 đã đốc thúc trung tá công binh Coffyn lên phương án quy hoạch một thành phố mới.

Một phương án đô thị mới ra đời, không hề đếm xỉa đến các đặc điểm vùng đất nhiều ao hồ, sông rạch, mà xây dựng hẳn một thành phố theo dạng chia ô bàn cờ, sáp nhập Chợ Lớn vào Sài Gòn với quy mô dân số dự kiến 500.000 dân.

Thành phố chỉ đặt một quảng trường quân sự lớn ở phía bắc và đào kênh vành đai nối liền hai rạch Bến Nghé và Thị Nghè - Nhiêu Lộc, ngăn ngừa địch tấn công từ phía tây.

Phương án Coffyn bị cho là không tưởng vì dự kiến một số dân quá đông và vượt quá khả năng thực hiện của người Pháp thời đó.

Tuy vậy, phương án đã rút tỉa được kinh nghiệm quy hoạch các thành phố Alger (thuộc địa Pháp ở Bắc Phi) và Singapore (thuộc Anh), dự trù kế hoạch phân lô bán đất gây quỹ cho chính quyền thuộc địa, có phân khu chức năng rõ ràng với các khu hành chính, thương mại, công nghiệp và nhà ở riêng biệt.

Phương án trong thực tế tuy không thực hiện được nhưng đã làm cơ sở để phát triển Sài Gòn những giai đoạn tiếp theo.

Do sự kiện chính quyền thực dân chiếm đoạt các khu đất trung tâm béo bở bán cho tư sản châu Âu, Hoa, Ấn và đẩy người bản địa về phía bên kia rạch Bến Nghé, xuống phía nam Sài Gòn, mà việc quy hoạch phát triển Sài Gòn khó chủ động, gây nạn đầu cơ đất đai kéo dài cả thế kỷ.

Theo quy chế thuộc địa Nam kỳ, việc quản lý thành phố thuộc quyền thị trưởng và Hội đồng thành phố.

Hội đồng này thường bị tê liệt vì mâu thuẫn quyền lợi phe nhóm tư bản sừng sỏ và luôn dè chừng sự can thiệp của toàn quyền Đông Dương ở Hà Nội. Bản thân hội đồng cũng thường xung đột với Phòng Thương mại Sài Gòn có quyền lợi riêng của mình.

Các nhà phân tích tình hình phát triển Sài Gòn thời cũ đều cho rằng thật sai lầm nếu giao việc quy hoạch phát triển đô thị cho Hội đồng thành phố, vì rõ ràng họ vừa không am hiểu vấn đề, vừa dễ dàng bị chia rẽ vì quyền lợi phe nhóm.

Điển hình là vụ xây cất Dinh Xã Tây (Tòa thị chính) kéo dài đến 30 năm mới xong.

Việc quyết định xây dựng nhà hát cũng kéo dài năm năm. Còn chợ Bến Thành sở dĩ xây dựng được nhanh là do toàn quyền Đông Dương trực tiếp can thiệp và các nhà thầu đã thu lợi lớn khi được độc quyền xây cất các dãy phố quanh khu chợ.

Tình hình quy hoạch đô thị ở Đông Dương chỉ được cải thiện sau Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918) khi đạo luật Cornulet ra đời quy định việc chỉnh trang các đô thị chính quốc và thuộc địa.

Kiến trúc sư, nhà quy hoạch nổi tiếng Hebrard (Giải lớn Roma và đang chỉnh trang đô thị tại vùng Thessalonique, Hi Lạp) được mời sang Đông Dương chỉnh lý các dự án quy hoạch đô thị, trong đó có thành phố Sài Gòn.

Ông thừa nhận rằng các đô đốc đã thực hiện nhiều công trình đồ sộ cho Sài Gòn, nào “lấp kênh rạch, tạo các đại lộ nguy nga...

Quy hoạch trung tâm Sài Gòn gợi nhớ đến các phương án huy hoàng thế kỷ 18 với đại lộ to, rộng trồng cây, các dinh thự như Dinh Toàn quyền khống chế cả một tầm nhìn lớn”.

Nhưng theo ông thì Sài Gòn thiếu các quảng trường, đường sá không phân cấp, không có các nút giao thông cho đường ra vào thành phố.

Hebrard nhìn ra hướng phát triển công nghiệp và xuất khẩu của Sài Gòn, đã đặt trọng tâm vào việc hoàn chỉnh hệ thống kỹ thuật hạ tầng, chủ yếu là ga xe lửa và cảng sông, củng cố thêm phố thị Khánh Hội và Nhà Bè.

Thiếu ngân sách, đụng chạm quyền lợi của giới độc quyền nhà đất cũng như xung đột nội bộ trong Nha Công chánh là những nguyên nhân làm đề xuất quy hoạch rất sáng tạo của Hebrard không thực hiện được ở Sài Gòn.

Sự thất bại của Hebrard chứng minh chủ nghĩa thực dụng khó lòng dung hòa với các mô hình lý thuyết về quy hoạch xây dựng. Nó thường vấp phải giới cầm quyền thiển cận, giới tư bản chỉ nhìn thấy quyền lợi trước mắt.

Kỳ tới: Từ Dinh Norodom đến Dinh Độc Lập

Phương án kết nối Sài Gòn - Chợ Lớn

Sau Hebrard, Sài Gòn lại đề ra phương án quy hoạch nhằm nối kết hai cực kinh tế lâu nay vẫn phát triển song song là khu trung tâm Sài Gòn của người Pháp và Chợ Lớn của người Hoa.

Vào năm 1930, chính quyền thuộc địa Pháp nhận thấy cần thiết phải sáp nhập Chợ Lớn và Sài Gòn.

Khi Cerutti đảm nhận Sở Quy hoạch đô thị Đông Dương những năm 1930, ông phác thảo phương án xây khu trung tâm hành chính mới, mong nối kết được Sài Gòn và Chợ Lớn.

Kỹ sư công chánh Pugnaire là người hăng hái triển khai phương án này ở Sài Gòn. Phương án mang tên Cerutti - Pugnaire dự kiến di dời khu nhà ga khỏi trung tâm thành phố, xây cất tòa thị chính mới ngay tại vị trí chợ Bến Thành và thay thế khu nhà ga bằng những cao ốc thương mại, nối vào Chợ Lớn qua các trục lộ và cao ốc quy mô lớn.

Sài Gòn sẽ có thêm nhiều công viên, sân bãi thể dục thể thao, khu thương mại, chợ búa, khu ở cao cấp lẫn bình dân.

Nhưng khủng hoảng kinh tế toàn cầu những năm 1930 và Chiến tranh thế giới thứ hai (1939-1945) cùng sự suy yếu của chính quyền thuộc địa không cho phép người Pháp thực hiện được phương án chỉnh trang đó.

KTS NGUYỄN HỮU THÁI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên