02/06/2019 09:27 GMT+7

'Ép' ra điểm 10 mới sai!

VĨNH HÀ - HOÀNG HƯƠNG ghi
VĨNH HÀ - HOÀNG HƯƠNG ghi

TTO - Theo các chuyên gia, thầy cô giáo và phụ huynh, 'mưa' điểm 10, học sinh giỏi là rất bình thường. Việc người lớn 'ép' học sinh bằng cách này hay cách khác phải có điểm 10 mới là điều đáng bàn.

Ép ra điểm 10 mới sai! - Ảnh 1.

Các bạn nhỏ thích thú với chương trình huấn luyện kỹ năng Bootcamp kid (27-5 đến 1-6) do Trung tâm ATY tổ chức tại Long Hải (Bà Rịa - Vũng Tàu) - Ảnh: C.K.

Nhưng từ thực tế hiện nay từ trong nhà trường đến tâm lý phụ huynh, việc này xem ra còn lâu mới được giải quyết triệt để. Tuổi Trẻ ghi nhận một số ý kiến về vấn đề này.

Bà Nguyễn Thị Thu Huệ (phụ huynh học sinh lớp 5/2, Trường tiểu học Trần Văn Ơn, Q.Tân Bình, TP.HCM):

Người mẹ nào cũng mong con học giỏi, nhưng...

Ép ra điểm 10 mới sai! - Ảnh 2.

Lớp con tôi có sĩ số 35, cuối năm có 10 học sinh xuất sắc, 22 học sinh được khen theo từng mặt và 3 học sinh phải thi lại. Trong đó, con tôi thi toán cũng chỉ được 8 điểm - không được học sinh xuất sắc. Nhưng tôi cho rằng kết quả học tập của các con như vậy là thực chất, chẳng có gì phiền lòng cả.

Nói một cách rất thật lòng là người mẹ nào cũng mong con mình học giỏi, con mình được 10 điểm - tôi cũng thế. Vì đó là mong muốn chính đáng và đương nhiên. Tuy nhiên, mong muốn nhưng đừng ép con phải học ngày học đêm, phải bằng mọi giá để ra được 10 điểm.

Tôi đọc trên các phương tiện truyền thông thấy có người phát biểu điểm số không quan trọng, tôi không đồng tình. Con trai tôi mới lớp 5 nhưng cũng đọc rồi và cũng "tuyên bố" với mẹ như thế.

Tôi "chỉnh" ngay: điểm số nằm ở bài thi, muốn làm được bài thì con phải học hành đàng hoàng, phải tích lũy kiến thức từng ngày chứ không phải muốn là có ngay được. Những người cho rằng điểm số không quan trọng, không quan tâm đến việc rèn luyện ý thức học tập của con thì nếu bị điểm thấp, có lên lớp được không?

Điểm số có quan trọng nhưng không phải là tất cả. Tôi chấp nhận sự khác biệt của con mình, khả năng của con học đến đâu thì mình chấp nhận đến đó. Có thể đứa trẻ này học toán rất giỏi nhưng bé lại không thể đánh đàn hay; đứa trẻ khác không thể đạt điểm 10 môn gì đó nhưng lại múa rất giỏi. Chỉ vậy thôi mà...

PGS.TS Hoàng Thị Tuyết (nguyên giảng viên khoa giáo dục tiểu học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM):

Cần thay đổi cách chấm điểm

Ép ra điểm 10 mới sai! - Ảnh 3.

Những năm gần đây, nhiều giáo viên lớp 6 thường than phiền với tôi rằng: "Sao nhiều em học sinh lớp 5 được đánh giá là giỏi, là xuất sắc nhưng khi lên lớp 6 các em học yếu quá. Có em thi cuối học kỳ 2 lớp 5 môn tiếng Việt được 10 điểm nhưng khi lên lớp 6 không biết phát triển ý, không biết làm một dàn bài (môn tập làm văn) hoàn chỉnh...

Đây cũng là nguyên nhân tạo ra sự khác biệt quá lớn giữa kết quả học tập của học sinh lớp 5 (rất nhiều học sinh xuất sắc) và học sinh lớp 6 (số học sinh giỏi giảm xuống, có nhiều học sinh trung bình, yếu...).

Như vậy việc kiểm tra, đánh giá học sinh tiểu học hiện nay có chính xác không, có thực chất không? Việc ra đề và tổ chức kiểm tra, chấm bài kiểm tra cuối học kỳ hiện nay giao hết cho các trường tiểu học liệu có ổn không? Tôi cho rằng Bộ GD-ĐT nên xem lại vấn đề này và có sự chấn chỉnh, nhất là khi sắp tới chúng ta triển khai chương trình mới.

Cá nhân tôi cho rằng thông tư 22 bổ sung cho thông tư 30 có việc tổ chức kiểm tra định kỳ và lấy điểm. Nhưng khi lấy điểm đòi hỏi giáo viên phải kèm theo nhận xét, nhận xét ở đây là rất quan trọng và mang ý nghĩa chủ yếu.

Thế nhưng rất ít trường làm được điều này mà nhiều giáo viên chỉ đánh giá học sinh dựa vào điểm kiểm tra cuối học kỳ. Nguyên nhân là vì nhiều người đã quá quen với cách đánh giá bằng điểm số, vì điểm số có vẻ tường minh và dễ dàng hơn.

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng (báo Lao Động):

Áp lực từ thói quen khoe điểm 10

Ép ra điểm 10 mới sai! - Ảnh 4.

"Mưa" điểm 10 có từ lâu rồi. Con tôi khi còn học tiểu học từng đã về nói "con được học sinh giỏi nhưng chẳng có gì vui vì cả lớp đều giỏi". Đúng là như vậy, rất hiếm tìm ra học sinh trung bình ở các trường học thành phố.

Tôi cũng biết đâu đó có giáo viên vì muốn lớp có thành tích tốt nên cho học sinh những bài "tủ". Nhưng như vậy cũng không sao vì dù gì thì trẻ con cũng có được một số kiến thức nhất định. Và nhìn tích cực, cách giáo viên quan tâm, âu lo cho con cái mình cũng khiến phụ huynh thấy có chút ấm áp.

Điều khiến tôi băn khoăn và muốn nói hơn trong câu chuyện "mưa" điểm 10 là hành xử của người lớn. Chuyện "mưa" điểm 10 trở nên ồn ào trong thời gian này không phải hiện tượng mới mà do rất nhiều người lớn đã bằng cách này cách khác "khoe khắp nơi", tạo nên một hiện tượng phản cảm, đến khi chúng ta được nghe lời nói của trẻ như trong bài viết của cậu học sinh lớp 4 thì mới giật mình.

Dĩ nhiên không ai cấm việc "khoe" nhưng khi nó trở nên quá nhiều, đó là vấn đề khiến chúng ta phải suy nghĩ. Người lớn khoe con, thích thể hiện với đồng nghiệp, bạn bè, hàng xóm rồi thành "áp lực điểm 9, điểm 10" cho con cái người khác.

Thậm chí còn có phụ huynh nói trắng ra với con việc phải đi "quan hệ" để con có điểm tốt. Đó chắc chắn không phải cách giáo dục tốt. Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là sự ích kỷ của người lớn khiến những đứa trẻ phải chịu đựng áp lực.

Tôi mong các bậc cha mẹ nghĩ đến việc con mình cần hơn là sự sĩ diện với bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm... từ đó bắt con phải trở thành học sinh giỏi bằng mọi cách.

Ông Đặng Tự Ân (nguyên vụ trưởng Vụ giáo dục tiểu học Bộ GD-ĐT, nguyên chuyên gia trưởng dự án trường học mới VNEN):

Nên hiểu bản chất, mục đích khen học sinh

Ép ra điểm 10 mới sai! - Ảnh 5.

Dư luận xã hội kêu chuyện "mưa" điểm 10 ở bậc tiểu học. Tuy nhiên, nếu các nhà trường thực hiện nghiêm túc thì điểm 9 trở lên đã là yêu cầu cao, không dễ đạt được.

Các thầy, cô giáo và phụ huynh cũng cần hiểu đúng bản chất, mục đích đánh giá khen thưởng học sinh tiểu học khác với đánh giá học sinh ở bậc học cao hơn.

Với trẻ nhỏ, sự động viên khuyến khích, khen ngợi từ những cố gắng nhỏ nhất là cách tạo sự tự tin, động lực học tập, rèn luyện cho học sinh chứ không phải khen để phân loại giỏi, yếu kém.

Trong việc này, vai trò của các hiệu trưởng rất quan trọng. Các hiệu trưởng phải là những người nắm rõ tinh thần đổi mới đánh giá học sinh tiểu học và giám sát chặt chẽ việc đánh giá học sinh của giáo viên.

Hiệu trưởng trường tiểu học ở nội thành TP.HCM (đề nghị không nêu tên):

Phụ huynh "cuồng điểm" và kiểm tra "nhẹ nhàng"

Tôi cho rằng sở dĩ nhiều người lên án tình trạng "mưa" điểm 10 có 2 nguyên nhân: một số phụ huynh thuộc dạng "cuồng điểm số", "cuồng thành tích" và có nhiều điểm 10 không thực chất.

Trước khi làm cán bộ quản lý, tôi từng là giáo viên đứng lớp giảng dạy hơn 10 năm. Tôi nhận thấy rằng so với ngày xưa thì ngày nay các em học sinh có điều kiện học hành rất tốt. Các em được học 2 buổi trong trường, kiến thức được thầy cô giáo ôn đi ôn lại. Đã vậy, buổi tối có em còn đi học thêm, có em không học thêm cũng được ba mẹ kèm cặp ôn bài.

So với thời chúng ta đi học trước đây chỉ học 1 buổi, 1 buổi vất vả với hàng loạt việc nhà và phụ ba mẹ mưu sinh. Nói như thế để thấy rằng con em chúng ta ngày nay học giỏi hơn chúng ta, trong lớp có nhiều em đạt điểm 10 hơn ngày xưa là điều đương nhiên.

Tuy vậy vẫn phải thừa nhận quy trình ra đề kiểm tra ở trường tiểu học hiện nay. Đề kiểm tra cuối học kỳ sẽ do các giáo viên trong khối bàn bạc rồi biên soạn thành 2 đề và gửi lên cho bán giám hiệu nhà trường thẩm định. Ban giám hiệu sẽ chọn 1 trong 2 đề đó cho học sinh kiểm tra.

Trên thực tế giáo viên cứ cho học sinh ôn đi ôn lại, tập làm đi làm lại các dạng câu hỏi như 2 đề đã biên soạn. Thậm chí, ở nhiều lớp học sinh được học thuộc lòng các dạng câu hỏi và câu trả lời. Khi vào giờ kiểm tra chính thức, dù ban giám hiệu trường có chọn đề 1 hay đề 2 thì học sinh cũng trúng "tủ".

Chưa kể, khâu coi thi cũng rất "nhẹ nhàng", mỗi lớp có 2 giám thị là giáo viên chủ nhiệm lớp và một giáo viên từ khối lớp khác. Lúc chấm bài cũng tương tự như vậy. Các giáo viên khó tránh khỏi "thương nhau" nên du di cho học trò của nhau. Thế là gần như cả lớp đạt điểm 10.

Nếu Bộ GD-ĐT thay đổi quy trình ra đề, coi thi và chấm thi kiểm tra cuối học kỳ, chắc chắn sẽ có những điểm 10 thực chất.

'Mưa' điểm 10, học sinh giỏi: Do Thông tư 22 chưa được hiểu đúng?

TTO - Đây là ý kiến của TS Thái Văn Tài - quyền vụ trưởng Vụ giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT, xung quanh việc dư luận phản ảnh chuyện có 'mưa' điểm 10, học sinh giỏi tại một số trường hiện nay.

VĨNH HÀ - HOÀNG HƯƠNG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên