Phóng to |
Ảnh minh họa: thinkstockphotos.com |
Thương hiệu khi nhận được sự quan tâm của các phương tiện truyền thông chắc chắn là một điều đáng mừng. Một phần vì không cần phải bỏ nhiều tiền (trong một số trường hợp là bất khả) để làm quảng cáo. Phần khác vì chắc chắn rằng thương hiệu đang nhận được sự quan tâm nhất định của báo đài, mà rộng ra là của dư luận.
Đa phần các bạn làm trong lĩnh vực truyền thông đều rất khéo giao tiếp. Tuần rồi hầu như ngày nào tôi cũng nhận được email xin phép làm chương trình tại nhà sách.
Có một điều thú vị, chương trình đầu tiên quay các bạn hỏi yêu cầu của bên tôi. Đến chương trình thứ 3 thì hầu như không cần hỏi nữa mà tự động đáp ứng. Mặc dù mỗi chương trình lại do mỗi êkíp khác nhau thực hiện. Chứng tỏ hiệu ứng lan truyền rất tốt. Một kênh quảng bá cho thương hiệu thì các kênh khác cũng bắt đầu nhảy vào. Tất nhiên, thương hiệu phải có điều gì đó để lôi kéo được các phương tiện truyền thông.
Nói lại về chuyện ứng xử, thông thường trước khi đến quay, mỗi êkíp đều có một người phụ trách liên lạc với nhà sách. Bạn này nếu không phải là người phụ trách to nhất (biên tập chẳng hạn) thì sẽ là người phụ trách nhỏ nhất (trường hợp ở đây tôi đề cập là thực tập sinh).
Công việc của bạn liên lạc này và của tôi rất đơn giản, là khớp lịch quay và thống nhất một số yêu cầu của cả hai bên. Nói đơn giản nhưng cũng có một lần hai bên trớt quớt vì sai lịch. Nguyên nhân là chỉ trao đổi qua điện thoại, không có email xác nhận chi cả. Lần đó mới 7g30 sáng, tôi bị bạn ấy lẫn sếp dựng dậy vì cả êkip 30 người đứng trước nhà sách, mà tới tận 8g30 nhà sách mới… mở cửa.
Những lần khác, tôi đều yêu cầu phải xác nhận bằng email cho an tâm. Với một số bạn cẩn thận còn gửi lại cả kịch bản cho bên nhà sách đọc trước. Nói chung, hai bên đều cố gắng hợp tác một cách ổn thỏa nhất. Một bên vì số lượng người xem chương trình. Bên còn lại vì khách hàng và tận dụng một dịp quảng bá miễn phí không phải lúc nào cũng có.
Tuy thế, vẫn có một trường hợp không vui. Bên liên lạc của chương trình gửi về nhà sách một email vô cùng cẩu thả. Cẩu thả đến mức không thể cẩu thả hơn được nữa. Email vài dòng, không tên, không chào hỏi, không dấu. Đến khi bên tôi yêu cầu thông tin chương trình lẫn kịch bản thì quất lại nguyên văn “sao ma nhieu thu tuc vay” làm tôi suýt chết đứng.
Thật ra trong trường hợp này, tôi hơi nghi ngờ bạn này có phải là nhân viên của một kênh truyền thông hay không. Nếu thật sự là vậy thì độ bá đạo của bạn này cao hơn so với bình thường rất nhiều.
Song nói đi cũng phải nói lại, nhà sách cần được quảng cáo không công thế nên kệ, tôi lờ đi. Thật khó để lịch sự với những nhân vật không định nghĩa được lịch sự nghĩa là gì. Vậy nên, đến giờ tôi vẫn không biết mình nên hành xử như thế nào với một số bạn có cái mác là dân "truyền thông" mà độ “chảnh” và độ "cẩu thả" lên cao như vậy.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận