Mọi người xếp hàng chờ tiêm vắc xin ngừa COVID-19 tại một điểm tiêm phòng ở thành phố Philadelphia, bang Pennsylvania, Mỹ ngày 29-3 - Ảnh: AP
4 trường hợp đông máu sau tiêm vắc xin của Johnson & Johnson
EMA ngày 9-4 cho biết đang xem xét 4 trường hợp đông máu sau khi tiêm vắc xin của Hãng Johnson & Johnson.
Johnson & Johnson cho biết đã nhận được báo cáo các trường hợp đông máu hiếm gặp ở 4 người đã tiêm vắc xin của hãng này tại Mỹ, và đang hợp tác với các cơ quan chức năng liên quan để đánh giá dữ liệu và cung cấp thông tin cần thiết.
"Hiện tại không có mối liên hệ rõ ràng nào giữa các trường hợp hiếm gặp này với vắc xin COVID-19 Janssen (của Johnson & Johnson)", Công ty Johnson & Johnson thông báo qua thư điện tử.
Theo Hãng tin Reuters, 3 trong số 4 ca gặp tình trạng đông máu và giảm tiểu cầu nghiêm trọng trong quá trình Johnson & Johnson triển khai tiêm chủng tại một cơ sở vắc xin của hãng ở Mỹ. Ca thứ 4 chết vì rối loạn đông máu được báo cáo trong thử nghiệm lâm sàng của Johnson & Johnson tại Mỹ.
Đến nay, gần 5 triệu người Mỹ đã được tiêm vắc xin Janssen.
Theo Hãng tin AFP, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) Mỹ ngày 9-4 thông báo chưa tìm thấy mối quan hệ nhân quả giữa các ca đông máu với vắc xin của Hãng Johnson & Johnson. FDA khẳng định đang điều tra để làm rõ các trường hợp này.
Ủy ban an toàn của EMA ngày 9-4 cho biết họ cũng đang xem xét mối liên hệ giữa chứng đông máu với các mũi tiêm của Hãng AstraZeneca. Trước đó, EMA nói đông máu là tác dụng phụ cực kỳ hiếm gặp của vắc xin AstraZeneca.
Cảnh sát xử phạt những người vi phạm lệnh giới nghiêm tại thành phố Phnom Penh, Campuchia - Ảnh: KHMER TIMES
WHO chỉ trích sự mất cân bằng trong phân phối vắc xin
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 9-4 chỉ trích sự mất cân bằng nghiêm trọng trong việc phân phối vắc xin toàn cầu, cho biết mục tiêu khởi động tiêm ngừa tại tất cả mọi quốc gia sẽ không đạt theo kế hoạch 100 ngày đầu năm 2021.
Trong hơn 732 triệu liều đã được phân phối cho ít nhất 195 quốc gia trên thế giới, khoảng 49% số liều vắc xin đã được phân phối đến các nước có thu nhập cao nhưng chỉ chiếm khoảng 16% dân số toàn cầu. Chỉ 0,1% số này được tiêm cho người dân ở 29 nước có thu nhập thấp nhất và là nhà của 9% dân số toàn cầu.
WHO ngày 9-4 cho biết đang đánh giá để đưa vào sử dụng khẩn cấp đối với 2 loại vắc xin ngừa COVID-19 của Trung Quốc là Sinopharm và Sinovac. Quyết định cuối cùng sẽ được công bố từ ngày 26-4 đến 3-5.
Nếu được chấp thuận, 2 loại vắc xin này sẽ được sử dụng trong sáng kiến COVAX, một chương trình do WHO lãnh đạo nhằm cung cấp khả năng tiếp cận vắc xin công bằng hơn cho các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Nhân viên y tế tiêm vắc xin ngừa COVID-19 của Hãng AstraZeneca cho một nhà sư ở Bangkok, Thái Lan vào ngày 9-4 - Ảnh: AP
Số ca COVID-19 toàn cầu tăng nhanh
Theo Hãng tin AP, số ca COVID-19 toàn cầu đang tăng nhanh. Các bệnh viện tại Thổ Nhĩ Kỳ chật kín người. Thái Lan ban hành các hạn chế phòng dịch mới. Chính phủ Mỹ gửi hỗ trợ đến bang Michigan để giúp kiểm soát làn sóng lây nhiễm đang tăng mạnh tại bang này.
Bác sĩ Margaret Harris, phát ngôn viên của WHO, cho biết thế giới đang chứng kiến sự gia tăng số ca COVID-19 trên toàn cầu trong 6 tuần qua. Số người chết vì đại dịch cũng tăng lên trong 3 tuần qua.
WHO cho biết hơn 4 triệu ca COVID-19 đã được báo cáo trong tuần trước và số người chết mới tăng 11% so với tuần trước, với hơn 71.000 ca tử vong được ghi nhận trong tuần qua.
Tại Mỹ, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã lên kế hoạch giúp Michigan quản lý tốt hơn các liều thuốc chữa COVID-19 đã được phân bổ cho bang, cũng như giúp bang mở rộng năng lực xét nghiệm nhưng không phân bổ thêm liều lượng vắc xin như yêu cầu của Thống đốc Gretchen Whitmer. Mỹ ngày 9-4 ghi nhận trên 83.000 ca mắc mới và hơn 900 ca tử vong.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, hầu hết các ca mắc mới đều liên quan đến biến thể dễ lây lan của virus corona được phát hiện lần đầu tại Anh. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan buộc phải áp đặt các hạn chế mới trước sự gia tăng đột biến của các ca nhiễm. Thổ Nhĩ Kỳ hiện đứng thứ 7 thế giới về tổng số ca COVID-19, với hơn 3,7 triệu ca.
Tại Iran, số người chết vì COVID-19 đang tăng lên, với hơn 22.400 ca trong ngày 9-4. Chính phủ Iran đã áp đặt các hạn chế phòng dịch mới trong 10 ngày tại 257 thành phố trên toàn quốc. Các hạn chế mới có hiệu lực từ ngày 10-4, yêu cầu đóng cửa tất cả công viên, nhà hàng, tiệm bánh, thẩm mỹ viện, trung tâm thương mại và hiệu sách tại Iran.
Ở khu vực châu Á, giới chức Thái Lan đã ban hành các biện pháp chống dịch mới trong ngày 9-4 để kiểm soát đợt bùng phát mới ở nước này. Thái Lan đã ghi nhận 559 ca trong ngày 9-4, bao gồm 549 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 10 ca nhập khẩu.
Riêng Campuchia ngày 9-4 thông báo ghi nhận thêm 576 ca mắc mới, nhiều hơn tổng số ca đã ghi nhận trong năm 2020. Chính phủ Campuchia đang gấp rút triển khai tiêm chủng cho người dân tại Phnom Penh, do số ca mắc mới tập trung nhiều ở thủ đô.
Theo trang worldometers.info, tính đến sáng 10-4 giờ Việt Nam, thế giới đã ghi nhận hơn 135 triệu ca COVID-19, bao gồm gần 3 triệu ca tử vong và hơn 108 triệu ca hồi phục.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận