"Gia đình em là hộ nghèo, bố không có khả năng lao động, mẹ là lao động chính trong nhà. Một mình mẹ đi làm vừa kiếm tiền trang trải cho gia đình, vừa lo nuôi em ăn học. Trước khi bước vào đại học, em xác định mình phải có một suất học bổng để tiếp tục đi học".
Đó là những chia sẻ của tân sinh viên Nguyễn Thị Sang - người vừa nhận hai suất học bổng "đặc biệt" thủ khoa và học bổng du học (học bổng toàn phần) của Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Bán đàn lợn lấy tiền cho con nhập học
Sang sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông ở thôn Châu Tiên, xã Quỳnh Mỹ, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình. Là con một nhưng Sang lại có tuổi thơ vất vả, khó khăn hơn những bạn cùng trang lứa bởi bố Sang - ông Nguyễn Ngọc Huần (63 tuổi) mắc tâm thần phân liệt cách đây 30 năm.
"Bình thường ông rất lành tính, ở nhà giúp vợ con cho gà vịt ăn, bổ củi, quét sân… nhưng khi phát bệnh thì vợ cũng không phải là vợ, con cũng không phải là con" - bà Nguyễn Thị Xa (43 tuổi, mẹ Sang) chia sẻ.
Mọi gánh nặng trong gia đình dồn lên vai bà Xa. Một mình bà tần tảo sớm hôm kiếm tiền trang trải, nuôi bố mẹ chồng rồi mẹ đẻ, chồng và Sang ăn học.
Trước đây, bà Xa cấy hơn 1 mẫu lúa (hơn 10 sào Bắc Bộ), nhưng khi bố mẹ chồng già yếu nằm liệt giường, chồng cũng không có khả năng lao động, bà chỉ trồng được 5 sào lúa để có thời gian chăm nom, vừa đi làm thêm để kiếm tiền trang trải cuộc sống và nuôi Sang ăn học.
"Những lúc không đi cấy, gặt lúa thì tôi đi rửa bát, dọn dẹp nhà cửa thuê. Ai thuê lúc nào thì làm lúc nấy, nhiều lúc chẳng đủ trang trải. Như vụ lúa này có 5 sào thì mưa lũ mất trắng 3 sào, nói chung là vạt đầu cá, vá đầu cua thôi", bà Xa nói.
Cách đây hơn một tháng, trước ngày Sang bước chân vào cánh cổng đại học, tiền không có, bà Xa gọi thương lái, đàn lợn bán được hơn 9 triệu, cùng với tiền của bà con cô bác cho Sang đi đường, ăn uống. Gom lại được hơn chục triệu.
"Trước ngày con lên Hà Nội học, tôi bảo con đi may 2-3 bộ quần áo nhưng con nói mang quần áo ở nhà đi là được. Chiếc xe đạp cũ từ khi học cấp 3 cũng xách lên đại học. Tôi bảo mua chiếc xe đạp điện cũ để đi lại thuận tiện hơn nhưng con cũng bảo thôi chiếc xe đạp vẫn còn đi được.
Con đi học đại học mẹ cũng chỉ mua cho mấy thứ lặt vặt như lọ kem đánh răng, bàn chải, khăn mặt… Con biết mẹ vất vả nên cũng không đòi hỏi gì", bà Xa kể.
Muốn đi du học rồi về làm gì đó cho quê hương
Sáng sớm 7-9, hai mẹ con Sang dắt theo chiếc xe đạp cũ, ra đầu xóm bắt xe khách lên Hà Nội để Sang nhập học. Số tiền bán lợn và bà con cô bác cho cũng chỉ đủ đóng học phí 10 triệu đồng, 900.000 đồng tiền ký túc xá và một chút tiền để Sang ăn uống, sinh hoạt.
"Con đi học lo mẹ không có tiền nên tôi phải động viên con cố gắng học tập, đừng ăn uống tiết kiệm quá vì con mà ốm thì mẹ phải lo hai nơi. Con khỏe mạnh thì mẹ yên tâm ở nhà làm lụng, lo cho bà, cho bố" - bà Xa dặn dò Sang trước khi lên xe trở về quê.
Bà Xa cho biết thêm từ khi lên lớp 10, Sang thường phụ giúp mẹ bán rau vào mỗi buổi sáng sớm, sau đó đến giờ đi học mới để lại cho mẹ bán.
"Con biết hoàn cảnh gia đình khó khăn nên chịu thương, chịu khó, gần Tết nhà thường trồng luống rau cần, rau muống. Có khi mùng 1, mùng 2 Tết mẹ cắt rau con cũng đi bán" - bà Xa kể và cho biết khi lên đại học Sang cũng có ý định muốn đi làm thêm luôn để kiếm tiền trang trải cuộc sống nhưng bà động viên con tập trung học tập cho tốt, sau đó mới nghĩ đến đi làm.
"Ngay từ đầu em chọn Học viện Nông nghiệp vì cảm thấy bản thân hợp với môi trường và gia đình em cũng thuần nông, em muốn học nông nghiệp để làm gì đó cho quê hương mình, giúp đỡ cho gia đình mình. Hơn nữa học viện có chế độ đãi ngộ cho sinh viên, nhất là học bổng rất là hấp dẫn", Sang nói.
Nhận hai học bổng, Sang cho biết mình ưu tiên chọn suất học bổng du học tại Trường đại học Khoa học và công nghệ Tây Nam (Trung Quốc).
"Trước em nghĩ nếu chỉ được học bổng sinh viên tài năng thì em sẽ cố gắng học tập, nghiên cứu để có cơ hội tham gia vào làm R&D (nghiên cứu và phát triển) hoặc QA/QC (kiểm soát chất lượng) của công ty ở quê.
Nếu có cơ hội em cũng sẽ tự lập nghiệp, khởi nghiệp (start-up). Khởi nghiệp nghe rất thú vị nhưng em nghĩ cần có nhiều kinh nghiệm thì mới khởi nghiệp được. Với ngành học em đang theo đuổi thì em nghĩ sau này nếu có cơ hội em sẽ khởi nghiệp liên quan đến mảng phân phối thực phẩm.
Còn bây giờ giành được học bổng du học, trước mắt em cần tập trung cho việc nâng cao ngoại ngữ và học tập ở nước bạn đã, những mục tiêu dài hơi hơn em sẽ tạm gác lại phía sau" - Sang chia sẻ.
3 tỉ đồng học bổng tài trợ cho tân sinh viên
Nhân dịp khai giảng năm học mới 2024 - 2025, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã trao học bổng 50 tân sinh viên trúng tuyển với số điểm cao được các doanh nghiệp tặng học bổng.
Theo Học viện Nông nghiệp Việt Nam, trong số các nội dung quan hệ hợp tác với doanh nghiệp, học bổng tài trợ sinh viên luôn là nội dung quan trọng được nhà trường đẩy mạnh triển khai. Đến nay, tổng trị giá học bổng khuyến khích học tập mà nhà trường cấp cho sinh viên hằng năm lên tới khoảng 30 tỉ đồng.
Ngoài ra, học viện còn cấp các loại học bổng dành cho các đối tượng sinh viên riêng biệt như học bổng dành cho tân sinh viên, học bổng dành cho sinh viên thực tập tốt nghiệp… Năm nay, có trên 10 doanh nghiệp tài trợ với số tiền 3 tỉ đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận