27/04/2019 08:39 GMT+7

Em thấy sao rồi? Câu hỏi làm tôi nức nở

NHÂN DUYÊN
NHÂN DUYÊN

TTO - Tôi từng cảm thấy mình cô đơn giữa thành phố đông đúc. Phải gọi đó là cảm giác cô độc mới đúng, có bạn bè trên Facebook, Zalo, điện thoại nhưng chẳng dám gọi ai.

Em thấy sao rồi? Câu hỏi làm tôi nức nở - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: NICK HAYES/ Slate

Một kịch bản lặp đi lặp lại với cuộc sống thủ đô đông đúc: sáng xách balo đi, giờ tan tầm chưa chịu rời khỏi bàn, mà ở lại "cống hiến" có khi đến tối mịt mới về nhà.

Công việc nhàm chán, mối quan hệ ở nơi làm việc chẳng mấy tốt đẹp gì, tôi cố gắng ở lại đơn giản vì mức thu nhập khá, đủ cho tôi bám trụ lại nơi này. 

Dưới tôi còn hai đứa em đang tuổi ăn tuổi học, mà mẹ tôi tóc đã ngả bạc chẳng còn bươn chải được như trước nữa. Mà ở thành phố, mấy ai xin được công việc đúng chuyên ngành - như tôi, mẹ tôi luôn tự hào về điều đó.

Tôi từng nghĩ nghỉ việc đến "n lần", nhưng tôi chẳng có can đảm từ bỏ điều gì vốn quen thuộc với mình, chẳng can đảm từ bỏ điều khiến mẹ tôi luôn tự hào.

Tôi không muốn than vãn với mẹ vì sợ mẹ lo lắng. Ở thủ đô xô bồ, bạn bè thân thiết cũng lần lượt từ bỏ hết, đứa về quê lấy chồng, đứa vào miền Nam lập nghiệp, đứa kiếm tiền nơi xứ người. Facebook với hàng trăm bạn bè, Zalo, điện thoại cũng tương tự nhưng tôi ngại cảm giác làm phiền những người không quen thân.

Ở thành phố này, tôi cô độc.

Những ngày nắng nóng, tắt mặt trời từ lâu nhưng không khí vẫn như nung. Mới đi được vài bước chân, bụng nhói đau, tôi loạng choạng rồi khụy xuống.

Trong cơn mê man, dường như có cánh tay bế xốc tôi lên, cạnh bên có tiếng cô gái nói như thúc giục: "Đi nhanh đi anh"...

Cơn đau dịu đi, tôi mở mắt, xung quanh có gần chục người đứng quanh với ánh mắt đầy lo lắng.

"Em thấy sao rồi? Vẫn ổn chứ?", chàng trai trẻ cất giọng, cạnh bên là cô bạn gái nhỏ nhắn cũng liên tục hỏi han. Tôi gật đầu, chẳng hiểu nước mắt từ đâu tuôn ra. 

Từ lúc bước chân đến thành phố này, tôi dặn lòng mình không được phép ngã quỵ, không được phép khóc trước mặt người lạ.

Thấy tôi khóc, mọi người xung quanh lại tỏ vẻ lo lắng, ngỡ tôi vẫn bị cơn đau hành hạ. Một chị gái tiến đến, áp đôi tay mát lạnh của chị vào đầu tôi: "Không nóng nữa, tốt hơn rồi". Rồi chị pha trò: "Lại nhịn ăn giảm cân đúng không nào? Từ chiều giờ chắc chưa ăn rồi". Vừa nói, chị đưa cho tôi chiếc bánh bông lan.

Tôi thường xuyên bị cơn đau bao tử hành hạ, chỉ đứa bạn cùng phòng trọ biết chuyện.

Tôi cảm ơn những người hôm đó đã giúp đỡ, tôi xúc động trước cử chỉ của đôi bạn trẻ. Họ phát hiện ra tôi quỵ xuống và người bạn gái liên tục giục người yêu đưa tôi đi nhanh. 

Tôi nhớ ánh mắt của người chị gái. Chiếc bánh bông lan chị đưa tôi chẳng ăn ngay. Trở về nhà tôi đặt nó lên chiếc bàn đọc sách rồi ngắm nghía.

Những ngày sau đó, mỗi lần nhìn thấy chiếc bánh bông lan, lòng tôi dịu lại, cảm giác cô độc như biến đâu mất. Tôi đi khám, bỏ cà phê, không còn bỏ bữa như trước và gọi điện về cho mẹ nhiều hơn, đôi khi chỉ dăm ba câu hỏi han mẹ đang làm gì, mấy em đang làm gì... 

Biết được vất vả của mẹ, sự chăm chỉ của các em như tiếp thêm động lực cho tôi phấn đấu hơn trong công việc.

Có những người ta chỉ gặp gỡ một lần, nhưng khiến ta thầm cảm ơn cuộc đời. Một mình ở thành phố này thật, nhưng xung quanh luôn có những người tử tế sẵn sàng giúp đỡ mỗi khi ta gặp hoạn nạn.

Mời bạn đọc gửi đến Tuổi Trẻ Online Chuyện cảm động của mỗi người. Bạn đã có những khoảnh khắc, câu chuyện cảm động nào khiến bạn thêm yêu cuộc sống? Mời bạn chia sẻ tại địa chỉ email [email protected]. Vui lòng cung cấp thông tin tài khoản để tòa soạn gửi nhuận bút sau khi đăng bài. Tuổi Trẻ Online cảm ơn bạn.

Người trưởng thành khóc: Cuộc sống bây giờ cô đơn quá...

TTO - Cứ nghĩ khi trưởng thành, bước ra cuộc đời rộng lớn, ở cạnh nhiều người sẽ dễ có cảm giác gắn kết, nhưng nhiều bạn trẻ vẫn thấy cô đơn...

NHÂN DUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên