Dương Thị Xuân Trường (13 tuổi), là cháu trong một gia đình họ Dương ở đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) nổi tiếng với truyền thống kiên cường bám biển, giao lưu với khán giả cả nước - Ảnh: Trần Mai |
Suốt một tháng qua, hình ảnh những chiếc tàu cảnh sát biển, kiểm ngư Việt Nam đeo bám theo giàn khoan Hải Dương 981 để làm nhiệm vụ thực thi pháp luật, bảo vệ chủ quyền đất nước ở vùng biển Hoàng Sa, dùng sự kiên nhẫn và bình tĩnh đối mặt với những vòi rồng hung hãn và những cú đâm va bạo ngược của tàu Trung Quốc đã tràn ngập trên màn ảnh truyền hình trong mỗi gia đình Việt Nam. Thế mà tối 8-6, khi ống kính của cầu truyền hình “Tổ quốc nhìn từ biển” như bị phủ trùm bởi nước từ vòi rồng, tim nhiều khán giả vẫn giật thót lên. Nhất là khi trộn giữa những hình ảnh đã thành quen mà vẫn nóng bỏng, vẫn phẫn nộ, và mỗi ngày mỗi dồn nén uất ức ấy là những câu chuyện từ Hoàng Sa.
Sự khác nhau
Ấy là ký ức ngày 5 tuổi của ông Trần Quân Bảo (Hà Nội) khi cùng mẹ và hai em theo cha ra nhận nhiệm vụ ở trạm vô tuyến điện đầu tiên tại đảo Hoàng Sa do chính quyền bảo hộ Pháp thành lập năm 1939-1940: Hoàng Sa có cột ăngten cao hơn cả cột điện Hà Nội, đường thẳng tắp từ đầu tới cuối đảo, có hai ngôi nhà lớn...
Ấy là những hình ảnh tuyệt đẹp mà ông Trần Hòa (Duy Xuyên, Quảng Nam) kể lại như vẽ tranh khi ra đảo làm y sĩ hơn 40 năm trước: cồn cát vàng nổi lên giữa biển xanh đen, màu xanh của cây bàng biển quanh đảo, vòng san hô lấp lánh đủ màu dưới lớp nước long lanh trong vắt, những dải màu của nước biển nông sâu, sự thú vị của những buổi câu mực ban đêm... Ông còn bùi ngùi nhắc lại những ngày đã cùng đồng đội chia sẻ phần gạo ít ỏi (700g/ngày) của mình cho một gia đình ngư dân Trung Quốc bị bão đánh tan tàu. “Gia đình họ có năm người, và dù rất thiếu thốn, chúng tôi cũng không thể để họ đói” - ông nhắc lại một lần nữa, và im lặng khi nghe nhắc đến những chiếc vòi rồng Trung Quốc. “Đó là sự khác nhau giữa cách hành xử của một người chủ nhà và một tên kẻ cướp” - MC Diễm Quỳnh không ngần ngại khẳng định.
Ấy là khi những hình ảnh ố vàng của chiến hạm Nhật Tảo, gương mặt trong sáng của trung úy Nguyễn Thành Trọng vào những ngày đầu năm 1974 xuất hiện. Sau trận hải chiến Hoàng Sa 1974, chiến hạm Nhật Tảo đã nằm lại biển Hoàng Sa cùng với 74 tử sĩ, trong ấy có trung úy Trọng. Hai tháng sau, con trai ông ra đời tại Cần Thơ và được mẹ đặt tên là Nguyễn Hoàng Sa. Xuất hiện trên truyền hình tối 8-6, anh nghẹn lời: “Tôi rất tự hào về sự hi sinh của cha, cuộc đời chung thủy của mẹ, và cái tên của mình. Tên tôi là lời khẳng định: Hoàng Sa là của Việt Nam”.
Cái bắt tay của ông Trần Quân Bảo - ông Trần Hòa - anh Nguyễn Hoàng Sa trên sóng truyền hình trực tiếp lại là một lời khẳng định nữa: Hoàng Sa đã truyền đời là của Việt Nam.
Họ Dương kiên cường
Và một lần nữa, những thành viên dòng họ Dương ở Lý Sơn (Quảng Ngãi), những hậu duệ đời thứ 10 - ông Dương Quỳnh, thứ 12 - anh Dương Văn Giàu lại nối lời khẳng định: “Hoàng Sa là của cha ông. Tàu về rồi lại đi, có bị cướp thì về mua sắm rồi lại đi, đi miết thôi”. Đã từng gặp cô bé Dương Thị Xuân Trường ở Lý Sơn, đã từng thích thú với ước mơ lớn “trở thành cô hiệu trưởng Trường tiểu học An Hải” của em, hôm nay chúng tôi lại rất ngạc nhiên khi nghe cô bé đời thứ 13 của dòng họ Dương thổ lộ trên âu thuyền An Hải: “Em mong trở thành nữ cảnh sát biển để bảo vệ những ngư dân”. Ngạc nhiên nhưng rồi lại không ngạc nhiên nữa khi nhớ rằng em vừa trải qua một tháng phập phồng lo lắng, chờ đợi tin cha. Cha em đã về với con tàu tơi tả, không còn một chút gì phương tiện liên lạc, định vị sau khi bị tàu Trung Quốc cướp phá. Thương cha, cô bé đã đổi cả ước mơ.
Những lời hát ngây thơ, trong sáng của các em bé trong bài hát mở đầu chương trình chợt vọng lại: “Em mong sao không có nước mắt rơi chia lìa/ Em mong sao trên trái đất, mỗi con người sống để yêu thương...”. Chương trình kết thúc với những ý kiến mạnh mẽ của giáo sư Carl Thayer yêu cầu Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận