01/12/2015 09:01 GMT+7

Em là bà nội...: bài thơ cho tuổi già, bài ca cho tuổi trẻ

CÁT KHUÊ (catkhue@tuoitre.com.vn)
CÁT KHUÊ ([email protected])

TT - Em là bà nội của anh là bài thơ dành cho tuổi già, là bài hát dịu dàng dành cho những người trung niên, và là một khúc hoan ca dành cho những người trẻ.

Nghệ sĩ Miu Lê đã khiến cho người xem vừa cười vừa khóc Ảnh: CJ E&M
Vai nữ chính của Miu Lê khiến cho người xem vừa cười vừa khóc - Ảnh: CJ E&M

Bà Đại (NSƯT Minh Đức), 72 tuổi, có một con trai (NSƯT Đức Khuê), một con dâu (Hồng Ánh) và hai cháu - một trai (Ngô Kiến Huy), một gái (Lều Phương Anh). Bà Đại có một người bạn tri kỷ là ông Bé (NSƯT Thanh Nam). Bà Đại có hai “tình địch” là bà Xuân (NSƯT Kim Xuân) và Duyên (Thu Trang) - con gái ông Bé.

Một câu chuyện cảm động, một bộ phim đẹp. Một dự án đã được chờ đợi rất lâu và may mắn nó không làm hỏng xúc cảm, ít ra, cho những ai đã mong chờ…

Bà Đại có một cuộc sống đủ phức tạp và đủ chán chường - mẫu số chung của hầu hết những người già ở độ tuổi ấy. Bà yêu con trai, nhưng khắt khe với con dâu, cháu gái. Cho đến một ngày, khi biết con trai muốn gửi bà về quê để đưa vợ đi chữa bệnh trầm cảm, bà Đại bước vào một tiệm chụp hình và mọi chuyện tréo ngoe bắt đầu...

Thanh Nga (Miu Lê) xuất hiện đúng vào lúc ban nhạc Bầy Chó Hoang của Trí Tùng (Ngô Kiến Huy) đang khủng hoảng vì ca sĩ chính đã bỏ đi. Giọng hát ngọt ngào và trong vắt của cô ca sĩ lạ lẫm với phục trang, tính cách đã không chỉ chinh phục Trí Tùng mà còn cả một nhà sản xuất âm nhạc (Hứa Vĩ Văn) và đương nhiên, ông Bé!

Em là bà nội của anh sử dụng các diễn viên nói cả giọng Nam và Bắc, nhưng điều đó chỉ làm cho phim có sự tương tác nhịp nhàng mà không bị chênh phô. Dàn diễn viên từ chính đến thứ chính và phụ diễn tốt vai của mình một cách bất ngờ.

Có thể nói, Em là bà nội của anh là một phim hiếm hoi hội ngộ ba thế hệ diễn viên Miu Lê, Ngô Kiến Huy, Hứa Vĩ Văn - NSƯT Minh Đức, NSƯT Thanh Nam, NSƯT Kim Xuân và thế hệ NSƯT Đức Khuê, Hồng Ánh... một cách rõ nét như thế.

Miu Lê không chỉ phô bày năng lực đảm nhận vai diễn khó của mình một cách trọn vẹn mà còn khoe được giọng hát của chính cô khi thể hiện năm ca khúc trong phim từ nhạc tiền chiến, nhạc Trịnh Công Sơn cho đến nhạc trẻ. Cũng chính Miu Lê “bắt” người xem phải khóc - cười với nhân vật Thanh Nga của mình.

Khả năng làm chủ những bối cảnh đông người, tạo được không khí của đám đông đường phố hay trong trường quay sân khấu là những bất ngờ mà Phan Gia Nhật Linh đã làm được (đây cũng là điểm yếu của nhiều phim Việt, cứ ra toàn cảnh là bị lộ hoặc lủng củng với các nhân vật quần chúng).

*** Error ***
Hứa Vĩ Văn và Miu Lê trong Em là bà nội của anh

Trung thành với phiên bản gốc Miss Granny (Ngoại già tuổi đôi mươi) từng rất thành công ở Hàn Quốc với doanh thu cao nhất trong năm, cũng là phiên bản được nhiều nước làm lại nhất, nhưng Em là bà nội của anh lại được Việt hóa nhuần nhuyễn đủ để khiến cho ai từng xem bản gốc cũng không vì thế mà bị nó chi phối, quên đi xúc cảm mà bản Việt hóa mang đến.

Dù vẫn biết kịch bản gốc tốt chính là thế mạnh nền tảng để phát triển kịch bản Việt hóa, nhưng vẫn phải ngạc nhiên hóa ra câu chuyện với các nhân vật nói tiếng Việt lại không khó khăn để dẫn dắt cảm xúc của khán giả.

Lâu rồi điện ảnh Việt mới dám có một phim dài hơn hai tiếng thay vì 90 phút vừa gọn ghẽ vừa đẹp... suất chiếu. Hơn hai tiếng có quá dài cho một giấc mơ đẹp đẽ của bà nội 72 tuổi trở về thuở đôi mươi?

Câu trả lời đã có cho những ai xem phim trước khi phim ra rạp chính thức từ ngày 11-12 này.

Em là bà nội của anh là bài thơ dành cho tuổi già, bởi vì phim hiểu họ, đồng cảm với họ cả với những nuối tiếc quá khứ, những hoang mang của sự chênh lệch thế hệ với con cái, hoang mang cả việc làm quen với vị trí khác đi của mình trong lòng con, cháu.

Em là bà nội của anh là bài hát dịu dàng dành cho những người trung niên, những người đứng trước sự phân vân của những nghi ngờ về giá trị gia đình, về cả sự lung lay trong ứng xử bên trong lẫn bên ngoài xã hội.

Em là bà nội của anh cũng chính là một khúc hoan ca dành cho những người trẻ, là cái hôn dịu dàng của bà nội dành cho cháu trai, là những giá trị tử tế hóa ra không hề mất đi, nó chỉ cần được gọi tên, được cho một cơ hội. Để những tranh cãi và mâu thuẫn bất tận trong mỗi gia đình có thể chẳng bao giờ chấm dứt nhưng không bao giờ là quá muộn, khi chúng ta tìm lại cội rễ tình cảm.

*Xem trailer Em là bà nội của anh TẠI ĐÂY

CÁT KHUÊ ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên