Nguyễn Ngọc Mai nhận Búp sen vàng hôm 22-10 - Ảnh: NGỌC DIỆP
Lần đầu làm phim, trúng luôn 3 giải
Lần đầu tiên trong lịch sử giải thưởng Búp sen vàng có một bộ phim đầu tay giành tới 3 giải thưởng: Búp sen vàng phim tài liệu do BGK bình chọn; Búp sen vàng phim tài liệu do khán giả bình chọn; Búp sen vàng phim ngắn đầu tay xuất sắc.
Bộ phim tài liệu ngắn đó mang tên "Lẫn", do Nguyễn Ngọc Mai, học sinh chuyên văn Trường Hà Nội - Amsterdam, sinh năm 1999, thực hiện.
Bộ phim là câu chuyện thực về cuộc sống của ông bà Ngọc Mai ở làng Then, Bắc Giang. Bà của Mai sau một cơn tai biến đã bị lẫn rất nhiều, thậm chí có lần đã suýt đốt nhà. Ông và cô của Mai trực tiếp chăm lo từng miếng ăn, giấc ngủ cho bà.
Khán giả sẽ thấy ông của Mai nấu cháo, dùng quạt thổi cơm cho nguội rồi đem ra cho bà; cảnh ông dùng xe đạp lẽo đẽo đi sau bà đề phòng bà bị lạc; cảnh ông ngồi cô đơn ngoài mái hiên đánh đàn dù biết là vợ nay không còn khả năng nghe nữa...
Cô gái 18 tuổi đã cho thấy sự nhạy cảm, tinh tế trong việc nắm bắt từng khoảnh khắc quý giá của hai ông bà. Bộ phim được BGK đánh giá rất cao ở những khuôn hình giàu chất mỹ cảm.
"Làm xong phim, em rất thương ông bà"
Như bất kỳ một thanh niên thành phố nào khác, một năm Mai chỉ về thăm ông bà 1-2 lần.
"Trước kia, đã có những lúc em ngại về quê vì lý do rất vớ vẩn, như sợ nhìn thấy phân gà ở sân, sợ chó. Biết được điều đó, sau này mỗi lần em về ông đều quét sân sạch sẽ và xích chó lại. Em rất cảm động vì điều đó.
Em chưa thực sự ý thức được tình trạng của bà cho đến khi bà ốm nặng. Khi về quê làm phim về ông bà, em mới thực sự hiểu khó khăn của ông và cô em khi chăm bà", Ngọc Mai tâm sự.
Cảnh trong phim "Lẫn", ông giúp bà cài cúc áo - Ảnh: NVCC
Cô gái 18 tuổi đã hiểu ra rất nhiều điều về ông bà cô và cuộc sống của mọi người ở quê. Trong quá trình theo đuổi câu chuyện, có những khoảnh khắc Mai đã xúc động đến mức không thể ghi được hình.
"Có lần gia đình em về thăm bà và trở lại thành phố, bà đã khóc. Chứng kiến điều đó em mới hiểu từ xưa đến nay bà em luôn kìm nén cảm xúc, chỉ đến khi già, lẫn, cảm xúc đó mới được bộc lộ ra. Em đã không thể quay được cảnh đó vì rất xúc động", Mai nói.
Cô gái 18 tuổi cảm thấy mình đã trưởng thành hơn rất nhiều sau bộ phim này. Ông bà của cô đã khiến cô hiểu thế nào là tình yêu.
"Trước đây, khái niệm về tình yêu của em rất mơ hồ. Em luôn nghĩ tình yêu lãng mạn như phim Hàn. Trong đầu em vẫn nghĩ thời ông bà mình lấy nhau không có nhiều thời gian tìm hiểu, thấy ưng là cưới thì chắc không có nhiều tình yêu như thời bây giờ đâu.
Nhưng khi chứng kiến cảnh ông chăm bà, làm xong bộ phim này em thấy không nhất thiết phải tìm ra định nghĩa về tình yêu nữa. Em thích cảm giác chăm sóc nhau chân thành", Mai tâm sự.
Sau khi giành 3 giải thưởng Búp sen vàng, Ngọc Mai cho biết cô đang nghỉ xả hơi: "Đây là năm 'gap year' của em. Em dự định ra nước ngoài học về sân khấu và điện ảnh".
Một năm trước, Mai được mẹ dẫn đến đăng ký học tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh (TPD) ở Hà Nội.
Cô bé run đến mức đã giữ mẹ ngồi lại uống sinh tố xoài trước cổng trung tâm tại 51 Trần Hưng Đạo suốt 1 tiếng, và nghĩ đến chuyện quay về.
"Trước đó em đã rất thích phim, có nghĩ đi học làm phim, nhưng đến trung tâm, em cảm thấy rất lo. Đến khi được học cách làm phim tài liệu trực tiếp, em cảm thấy thích một cách bất ngờ", Ngọc Mai tâm sự.
TPD (ban đầu do Quỹ văn hóa Ford tài trợ) và những nơi như trung tâm Varan (Pháp) là những tổ chức tiên phong đưa phong cách làm phim tài liệu trực tiếp du nhập vào Việt Nam từ đầu những năm 2000.
Người làm phim tài liệu trực tiếp không lệ thuộc vào kịch bản, lời bình, mà họ cầm máy quay theo đuổi nhân vật của mình cho đến khi nào họ cảm thấy có thể kết phim thì thôi.
Đơn cử bộ phim tài liệu dài "Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng", hiện tượng của năm 2014, từ giai đoạn chuẩn bị đến khi hoàn thành đã lấy của đạo diễn Nguyễn Thị Thắm 5 năm.
Ông bà của Ngọc Mai trong phim tài liệu Lẫn - Ảnh: NVCC
Bà của Mai - Ảnh: NVCC
Mai nói từ hồi bà bị ốm, ông ít đánh đàn hơn. Ông của Mai là những người thuộc thế hệ đầu tiên ở làng Then học đàn - Ảnh: NVCC
Ông nấu cháo cho bà - Ảnh: NVCC
Ông đi xe đạp lẽo đẽo theo bà, đề phòng bà bị lạc - Ảnh: NVCC
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận