06/06/2017 10:50 GMT+7

“Em đừng lùi lại phía sau nữa...”

CAO HẢI BÌNH
CAO HẢI BÌNH

TTO - Một người thầy chủ nhiệm tận tâm đã giúp một học sinh cá biệt nhận ra rằng mình đang bỏ phí tuổi trẻ của mình như thế nào, và giúp học sinh ấy đứng dậy sau hai lần vấp ngã.

Tranh: NOP
Tranh: NOP

Ngày xưa, tôi từng là một học sinh cá biệt. Khi đó chưa có Internet, Facebook... Học trò cũng không có điện thoại di động đem lên lớp, thầy có thể dạy trò bằng đúng trách nhiệm và cái tâm của mình mà không sợ bị quay clip lại và đưa lên mạng như bây giờ.

Tôi vốn sinh ra trong một gia đình nghèo. Cái nghèo làm cho người ta dễ tủi thân. Tôi ghen tị với những bạn có quần áo đẹp, có giày dép đẹp, có cặp sách đẹp... Sự túng thiếu khiến tôi nghĩ cuộc đời thật bất công và xấu xí. Không hiểu sao khi đó trong suy nghĩ của tôi, việc học thật vô nghĩa. Tôi bực bội với những đứa học giỏi. Tôi ghét cay ghét đắng những đứa con nhà giàu. Vì vậy, tôi đi học “bữa đực bữa cái”, học lực của tôi chỉ ở mức dưới trung bình.

Cho đến khi lên lớp 8, tôi được thầy Hùng chủ nhiệm. Thầy đã giúp tôi nhìn ra tôi đang bỏ phí tuổi trẻ của mình như thế nào.

Tôi vẫn nhớ như in gương mặt thầy nóng giận khi tôi phá lớp, ngủ lăn lóc trên lớp ra sao. Lúc ấy, gương mặt thầy từ từ đỏ lên, thầy dùng cây thước đập mạnh xuống bàn thay vì quát mắng học trò. Thậm chí, có lần thầy đã dùng thước đánh vào mông tôi một cái thật mạnh chỉ vì tôi đi học muộn còn cãi lời. Cuối giờ hôm ấy, thầy nhắn tôi ở lại lớp để thầy nói chuyện riêng.

Sau khi xin lỗi tôi vì đã thiếu kiềm chế, thầy chậm rãi kể về những khó khăn thời trẻ của mình, rằng thầy cũng từng là trẻ mồ côi. Câu chuyện buồn của đời thầy khiến tôi rưng rưng. Không hiểu sao khi đó tôi cảm thấy mình thật nhỏ bé khi đứng trước thầy. Thầy là người đã giúp tôi nhận thức được giá trị của cuộc sống, của thời gian.

Thầy trò chuyện với tôi gần gũi như một người bạn. Tôi vẫn nhớ rõ mồn một lời thầy nói: “Ai cũng có lúc này lúc khác. Quan trọng là mình biết sửa sai, biết tiến bộ. Em đừng lùi lại phía sau nữa...”.

Khi nghe tâm sự “trẻ con” của tôi về chuyện ganh ghét với những bạn khá giả trong lớp, thầy nói cho tôi biết mỗi một gánh rau của mẹ được bao nhiêu tiền, mỗi ngày bố tôi đi đẩy xe bò vất vả ra sao... Vậy mà tôi đến lớp chỉ biết đố kỵ với người khác, luôn nghĩ mình thua thiệt, ngủ và phá bĩnh lớp.

Thầy bảo: “Con không cần mặc đẹp, bởi vì bộ quần áo không làm nên nhân cách con người. Nếu như con không chịu học thì cuộc đời con liệu có hơn gì bố mẹ con, sẽ lại vất vả, bươn chải nắng mưa?”.

Thú thật, khi đó tôi chưa hiểu hết lời dạy của thầy, nhưng tự trong lòng mình, tôi đã thấy mình có gì đó sai sai.

Tôi bắt đầu học như điên. Tôi tiến bộ lên, và cuối năm đó tôi trở thành học sinh tiên tiến. Lần đầu tiên trong đời tôi nhận được tấm giấy khen, lần đầu tiên tôi biết cảm giác vượt qua chính mình. Đứng trước bạn bè, tôi không còn mặc cảm thua kém. Đứng trước thầy, tôi không còn né tránh như trước.

Tôi đã khóc như một đứa trẻ khi thầy vỗ vào vai tôi, nói nhỏ: “Thầy biết con làm được và thầy đã đúng”. Câu nói ấy đã cho tôi niềm tin rất nhiều vào bản thân.

Tôi đứng dậy và bước tiếp

Tôi thi đỗ vào cấp III. Thi thoảng tôi vẫn gặp thầy, vẫn lắng nghe lời thầy dạy. Rồi tôi vào một trường đại học ở Hà Nội. Niềm vui ấy, tôi báo với thầy đầu tiên. Hôm chuẩn bị lên đường nhập học, thầy lặn lội đến nhà tôi cùng những lời dặn dò và một ít tiền. Thêm một lần tôi lại khóc trước mặt thầy.

Nhưng cuộc sống nơi Hà Nội khiến tôi không theo kịp. Tôi lại ham chơi, bỏ học liên miên và phải thi lại nhiều môn. Sau đó tôi bị đuổi học, dở dang ước mơ trở thành kỹ sư. Khi đó, tôi cảm thấy mình mất phương hướng.

Không hiểu sao thầy biết chuyện, thầy viết thư gửi cho tôi. Lá thư ấy đã thêm một lần làm tôi tỉnh ngộ. Thầy giúp tôi quên đi mặc cảm, biết vực mình dậy, biết tha thứ cho chính mình và làm lại. Tôi đã trải qua những giây phút khó khăn của cuộc đời trong sự yêu thương, sẻ chia lớn của thầy. Thầy nói đúng, tôi không được phép lùi lại thêm nữa. Tôi phải đứng dậy và bước tiếp.

Nghe lời thầy, tôi đi học một trường trung cấp nghề sửa chữa. Nhờ sự khéo léo, nỗ lực, tôi trở thành một người thợ giỏi. Tôi có một công việc ổn định, một mái ấm nhỏ hạnh phúc ngày hôm nay là nhờ trái tim nhân hậu và tình yêu thương của thầy.

Hai lần thầy đã giúp tôi tỉnh ngộ. Hai lần thầy vực lại niềm tin cho tôi. Tôi nợ thầy cả cuộc đời...

“Thầy là người đã giúp tôi nhận thức được giá trị của cuộc sống, của thời gian. Tôi vẫn nhớ lời thầy nói: “Ai cũng có lúc này lúc khác. Quan trọng là mình biết sửa sai, biết tiến bộ. Em đừng lùi lại phía sau nữa”

CAO HẢI BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên