16/08/2022 11:01 GMT+7

'Em chở mùa hè của tôi đi đâu?' - Kỳ 6: Hè về cho mưa giăng đồng

HÙNG ANH
HÙNG ANH

TTO - Hè về cho mưa giăng đồng với đám "nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò" là mùa đầy vui thú giang nắng, dầm mưa câu cá lóc, cá rô, bắt ếch nhái kiếm thêm miếng ăn cho gia đình...

Em chở mùa hè của tôi đi đâu? - Kỳ 6: Hè về cho mưa giăng đồng - Ảnh 1.

Thú vui câu cá và dính được cá là hiếm hoi với tuổi học trò hiện nay - Ảnh: HÙNG ANH

Hồi đầu thập niên 1980, nông thôn miền Tây Nam Bộ nhiều nơi còn hoang vu và nhìn đâu cũng thấy cá. 

Nôn nao nghỉ hè để đi cắm câu

Hằng năm cứ đến mùa mưa, đi cắm câu là cách đám trẻ tụi tôi bắt cá dễ nhất. Vừa buông tập vở nghỉ hè là cả đám háo hức xúm nhau chuẩn bị đồ nghề.

Tôi cùng đám bạn học đi lòng vòng trong xóm kiếm cây tre đực già, chia nhau mỗi đứa một khúc khoảng một mét, rồi chẻ thành từng thanh nhỏ bằng ngón tay, chuốt cho láng. Một đầu cột chừng nửa mét dây cước, lủng lẳng chiếc lưỡi câu, vậy là xong chiếc cần câu cắm kiếm cá.

Tiền mua dây cước, lưỡi câu, tôi và đám bạn quê Tiền Giang chịu khó đi rọc lá chuối tươi, đội từng bó lên chợ bán cho mấy bà bạn hàng lót bội trái cây. Trưa, cả đám tới nơi đất xốp mềm hì hục đào bắt những con trùn hổ cái bự bằng ngón tay, thân mình mập ú, óng ánh ngũ sắc khi nắng chiếu vào. 

Chừng 4h chiều, cơm nước xong, mỗi đứa vác vài chục cái cần câu, đeo lon trùn, chiếc giỏ đựng cá, cái đèn soi tự chế bằng miếng thiếc cuộn thành chiếc hộp chữ nhật không nắp, bên trong có cây đèn dầu lửa tù mù, lên đường đi cắm câu đêm.

Đám trò quê tản ra, chia nhau những cái mương, bờ ruộng. Trùn ngắt khúc móc vào lưỡi câu, lội xuống nước dùng tay vẹt cỏ tạo một chỗ trống tới đáy bùn, rồi thả lưỡi câu xuống và cắm chặt đuôi cần vào bờ đất. 

Việc này làm cho cá biết có động để đến kiếm ăn, vừa tạo khoảng trống để khi mắc câu cá không có chỗ quấn dây cước vào cỏ tìm cách tẩu thoát. Cắm hết mớ cần câu, cả đám tụ lại nói dóc, niềm vui mùa hè, để chờ đợi con mồi.

Canh khoảng 30 phút tụi tôi đi thăm câu một lần, thay mồi. Đi trên bờ, nhìn thấy cần giật lia lịa, thế nào cũng có một chú cá dính câu. Thằng nhỏ, chủ cần mừng rỡ la hét ỏm tỏi, ào ào chạy tới. Đôi lúc, kéo sợi cước lên khỏi mặt nước không phải cá lóc, mà là cá trê hay chú lươn trơn tuột.

Lắm khi cây cần câu êm ru, cứ tưởng hết mồi. Lúc đến nơi thì hỡi ôi, không biết đám cua quái ác đã cắn mất tiêu cục mồi cùng cái lưỡi câu tự hồi nào. Hồi đó, tôi hay nghe ông bà nói "tôm ăn chạng vạng, cá ăn rạng đông". Nhưng đi cắm câu đêm mới biết cá cũng ăn mồi chạng vạng, chắc cả ngày bị đói bụng. 

Chừng 9h - 10h đêm cá nghỉ ăn, đi ngủ. Tôi và mấy thằng nhóc bạn học xách đèn đi về, bỏ mặc mớ cần câu cho trời, cho nước. Hừng đông sáng, tụi tôi mắt nhắm mắt mở đi gỡ câu, được thêm con nào hay con đó. Cắm câu đêm, hôm nào trúng thì đổi được vài ký gạo, bữa thất cũng được nồi cá kho hay mấy con cá chiên dầu dừa thơm nức mũi.

Mặc dù còn nhỏ tuổi, cũng có đứa sợ ma nhưng đám nhóc vẫn mê cắm câu đêm. Lúc này trời se se trở gió chướng, con cá lóc mập ú chê mồi trùn. Nhưng "vỏ quýt dày có móng tay nhọn", đám trò quê lội ruộng tìm bắt mấy con nhái bầu, chàng hiu bự cỡ ngón tay cái, túng quá thì bắt lũ dế nhũi cũng được. 

Rồi móc lưỡi câu vào ngang lưng con nhái, con dế, phải thật khéo để con mồi còn sống. Xong, cắm cần thật chặt vào bờ đất, còn con mồi để vừa chạm mặt nước cho nó nhảy, nó bơi lao xao. Nghe động, cá lóc lội tới lội lui ngắm nghía con mồi. Tới lúc nhịn thèm hết nổi, nó táp cái bộp, 10 con hết 8-9 chú dính câu.

Em chở mùa hè của tôi đi đâu? - Kỳ 6: Hè về cho mưa giăng đồng - Ảnh 2.

Khung cảnh ruộng đồng và lứa tuổi học trò ngày trước vui thú kéo lưới, cắm câu - Ảnh tư liệu

"Cần thủ" học trò

Hồi đó, ba tháng mùa hè không phải bận tâm con chữ, đám trò quê ở tuổi học cấp III còn thích "lêu lổng" đi câu rê như người lớn, cần câu là một cây trúc dài khoảng 5m, loại trúc bự bằng cườm tay người lớn, được đốt lá dừa khô hay lửa rơm uốn ngay ngắn. 

Dây câu là sợi cước nilông khá lớn, dài gần chục mét, đầu dây tóm chiếc lưỡi câu chuyên dụng, bự hơn lưỡi câu cắm. Dưới gốc cần, gắn thêm cái chạc ba để người đứng câu tì vào bắp vế cho chắc chắn. 

Thời điểm câu rê lý tưởng nhất là lúc mát trời, từ sau 3h chiều đến chạng vạng. Mồi câu "bén" nhất là con nhái cơm hoặc con chàng hiu. Trên lưỡi câu, gắn thêm cọng lá rau muống hay cọng cỏ năn nhỏ, để khi kéo câu con mồi khỏi bị vướng.

Từ khi học được cách câu rê, đám học trò phát hiện đây là "nghệ thuật đỉnh cao" của nghề câu cá lóc, cần sự khéo léo và kiên nhẫn. Chọn những ao, đìa, hố bom, đồng bưng vắng vẻ ít người lui tới, nhiều cỏ tràn lan trên mặt nước, tụi tôi đứng sát mé nước, móc mồi xong tay trái cầm cần câu, ngón tay kẹp nhẹ sợi cước; tay phải lựa thế quay con nhái theo chiều kim đồng hồ. 

Ước lượng đủ đà, người câu buông tay cho con nhái bay cái vèo về phía trước. Cùng lúc này, tay trái hạ cần thấp xuống, ngón tay buông sợi cước.

Con nhái vừa rớt xuống phía xa, nhẹ nhàng nhấc cần lên từ từ, kéo con mồi lướt trên mặt nước, chắc vì vậy mà có tên câu rê. Lúc kéo mồi phải liên tục rung cổ tay, làm con nhái nhảy nhẹ nhẹ trên mặt nước, khiến con lóc chú ý. 

Nếu là tay "sát cá" hay gặp con lóc đang đói, chừng chục đường câu là nó táp con nhái cái bộp, nước văng tung tóe. Nhưng mấy con cá háu ăn như vậy thường không lớn. 

Cá lóc cụ ăn câu rất nhẹ, chỉ thấy mặt nước dợn sóng một cái rồi cần câu bị ghịt lại. Giật cần nghe trì nặng, thế nào cũng tóm được cụ lóc hơn ký lô, lưng đen hù, bụng trắng lốm đốm chấm đen. Song, muốn bắt được mấy cụ lóc như vậy, nhiều khi phải kiên nhẫn đứng hàng tiếng đồng hồ, quay mỏi tay hết cả chục con nhái mới dụ được.

Hôm rồi về quê gặp Mười Liêu, thằng bạn học và là tay "cần thủ" ngày xưa từng sát cánh với tôi trên những bờ mương, đám ruộng. 

Nó kể: "Bây giờ con cá lóc đồng mắc gấp 3 lần con cá lóc nuôi. Cho nên ở miệt Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp có người đem con cá lóc nuôi bự bằng cổ tay người lớn thả vô ruộng, hơn tháng sau bắt bán, nói cá lóc đồng, thiên hạ tin sái cổ".

Độc chiêu hơn, có người mua con cá lóc nuôi bự xự, xé cọng dây chuối xỏ mang, xách đi tòn ten ngoài đường, trên tay cầm cây cần câu với chú vịt con. Ai hỏi, nói mới câu được. Tranh nhau mua, lâu lâu gặp con cá lóc đồng mà. Tới lúc mần thịt, cái bụng con lóc đầy mỡ, thịt tanh rình chớ không ngai ngái mùi cỏ, đành cười méo xẹo vì biết... vừa dính cú lừa.

Nghe bạn kể chuyện thời nay mà tôi lại nhớ mùa hè xưa, mùa hè của những thằng học trò lang thang ruộng đồng, bưng biền tìm niềm vui thú và giỏi kiếm con cá để lo thêm bữa ăn gia đình. Bây giờ cảnh này không còn nhiều nữa vì cá mú đã cạn kiệt, nghĩ mà thương bọn trẻ thời nay phải xa hương đồng gió nội...

Mùa hè, thầy trò cùng vác cần câu

Với lứa học trò quê hồi đó, làm gì biết học thêm mùa hè mà cũng chẳng có thầy cô nào dạy. Tôi nhớ trường quê mình ở Long An, thầy cô nghỉ hè người thì về quê xa, người thì cũng cần câu, giỏ cá đi kiếm thêm miếng ăn như đám học trò.

Chiều chiều, các thầy cũng vác cuốc, đeo lon đi đào trùn làm mồi, rồi mang bó câu cắm ra ruộng đồng, vạt bưng. Thầy trò gặp nhau ngoài trường lớp đều vui vẻ như bạn bè. Đám trò là dân địa phương xăng xái chỉ cho thầy đám ruộng này nhiều cá rô, lõm bưng kia nhóc cá trê mà không hề nhắc đến chuyện chữ nghĩa cho đến mùa tựu trường.

Có khi thầy "gặp xui", cắm câu được ít cá, trò vui vẻ tặng thầy ít con cá của mình, và cũng nhiều hôm thầy lại cho trò...

"Ta là Tôn Ngộ Không đây! Đứng lại!", thằng Tí Em cầm "thước bảng" làm từ cây dâm bụt dí theo tôi ngoài bờ rào. Anh Nhỏ chạy kế bên, mặt xụ một đống vì bị vào vai Trư Bát Giới.

Kỳ tới: Xóm Xì Trum những trưa hè không ngủ

'Em chở mùa hè của tôi đi đâu?' - Kỳ 5: Mùa hè không có 'chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng'

TTO - Đôi khi xem tivi thấy hình ảnh học trò ngày xưa có mùa hè, được chơi thỏa thích, không cần biết trước bài vở năm học mới, chẳng cần sợ thua kém bạn bè mà tôi phát thèm.

HÙNG ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên