14/08/2022 11:20 GMT+7

'Em chở mùa hè của tôi đi đâu?' - Kỳ 4: Mùa hạ đời học trò cuối cùng của tôi

PHÚC TIẾN
PHÚC TIẾN

TTO - Năm ấy, lần đầu tôi cảm thấy nhói lòng khi nhìn những bông phượng đỏ rực qua khung cửa lớp. Lần đầu nhận ra những cơn mưa Sài Gòn đầu mùa chợt đến chợt đi cứ như con gái dỗi hờn, nũng nịu.

Em chở mùa hè của tôi đi đâu? - Kỳ 4: Mùa hạ đời học trò cuối cùng của tôi - Ảnh 1.

Trang lưu bút với hàng chữ mềm mại, xinh xắn của cô bạn xứ Huế họ Dương - Ảnh: PHÚC TIẾN

 Và rồi, những quyển lưu bút chuyền tay len lén trong giờ học. Và rồi, bộ hồ sơ đăng ký thi đại học lạ lẫm. Những kỳ thi nối nhau căng thẳng. Cả bọn con trai trẻ măng, nghịch ngợm và bọn con gái hiền dịu, hồn nhiên thuở nào bỗng chốc có nét suy tư. 

Ôi, mùa hạ cuối cùng trong đời học sinh chúng tôi vào cái năm 1980 xa lắc xa lơ còn gì nữa? Cái mùa hạ nhung nhớ ấy phải chăng còn là những cuộc chia tay vào đời không hẹn trước?

Vào đời trăm ngã

Tôi có một "cánh cửa bí mật" để trở lại tuổi 18 của mình. Đó là quyển lưu bút năm lớp 12 - một quyển tập khổ to giấy Liên Xô, bìa bọc giấy màu là trang họa báo có hình vẽ một chú voi ngộ nghĩnh. Chú voi đã cõng và giữ cho tôi những dòng tâm tình buồn vui khác biệt của nhiều bè bạn trong lớp. 

Bài viết đầu tiên bắt đầu từ ngày 30-3-1980, bài viết cuối cùng đề ngày 30-5 cùng năm. Đứa bạn mở màn quyển lưu bút là Cao, người cùng tôi "mài đũng quần" chung một lớp, chạy suốt từ lớp 6 đến lớp 12. Cao học giỏi và tài hoa, viết vẽ rất đẹp, đàn hát điệu nghệ. Lại còn "ăn đứt" con trai trong lớp vì sớm có "cô bồ" dễ thương. 

Tuy nhiên, ông trời lại không cho bạn tôi có dòng đời êm xuôi. Khi "vượt biên" không thành, Cao quay lại trường với chiếc đầu húi trọc - dấu tích của những ngày bị tạm giam. Cao không được học tiếp lớp 12, mãi sau mới chuyển vào được một trường trung cấp. 

Sau đấy, Cao làm công nhân hơn mười năm thì xuất cảnh qua Mỹ theo diện gia đình bảo lãnh. Gần đây, tôi gặp lại Cao ở Little Sài Gòn, sống yên vui với nghề y tế.

Điểm lại đồng môn lớp tôi, phiêu bạt ở Mỹ, Canada, Úc và ngay cả Ba Lan hay Nga khá nhiều. Có bạn đi rồi về, như Luận, từng đi bộ đội, sau đấy xuất ngũ, học Nga văn và qua Liên Xô làm ăn. 

Sau một thời gian không làm "soái" được ở Matcơva, bạn về "ẩn dật" ở quê nhà. Một anh bạn khác tài ba và may mắn hơn - Hoàng rất giỏi tiếng Anh, được đi Liên Xô ngay từ năm thứ nhất. Học xong, bạn về nước làm cho một công ty du lịch lớn. 

Sau đó, Hoàng qua Nhật làm đại diện lữ hành và hiện tại trở thành chủ tịch của doanh nghiệp này. Trong khi ấy, Ly - cô bạn từng làm phụ trách Đội thiếu niên, con người có phong cách "cứng rắn", bây giờ đã yên bề gia thất ở Canada. Ly viết trong lưu bút: Tôi không muốn viết những lời chia tay sầu não, tôi nghĩ nếu muốn thì các bạn cũ vẫn có thể gặp nhau!

Ra đường kiếm sống

Năm đó, thi tốt nghiệp trung học diễn ra vào đầu tháng 6. Sau đấy, thi đại học vào tháng 7, công bố kết quả trong khoảng tháng 9. Thế là ba tháng hè của chúng tôi là ba tháng thi cử và chờ đợi. Không có chuyện đi "xả hơi" ở Cấp (Vũng Tàu), Nha Trang hay Đà Lạt bởi đời sống sau 5 năm thống nhất đất nước khó nhọc hơn nhiều. 

Không còn kinh tế thị trường, không còn tư nhân, cả xã hội dường như chỉ có màu áo xanh công nhân và màu áo xanh bộ đội. May sao, Sài Gòn còn được màu áo trắng đồng phục học trò.

Nhưng rồi, cái bọn áo trắng cũng phải đến lúc đổ ra đường kiếm sống theo một cách nào đấy. Cô bạn Phượng, người mũm mĩm phúc hậu, từ lâu đã giúp mẹ bán hàng giỏ xách ở chợ và thêu thùa ở nhà. Kim cũng thế, cô nàng kín đáo đi "bỏ" hàng quần áo hay kẹp tóc gì đấy ở thương xá Đại Quang Minh trong Chợ Lớn. 

Bọn con gái có sẵn nghề nữ công gia chánh, nên gia đình không phải lo lắng lắm. Còn bọn con trai có "cà nhõng" hơn thì cũng phụ việc sửa xe, làm hàng thủ công, bán quán... Hay chạy đầu nọ đầu kia để mua bán nhì nhằng. 

Anh chàng Vượng, nhà từng có tiệm phở trong chợ, bắt đầu làm thêm trong hợp tác xã phường. Bạn không nề hà bắt heo hay chở rau. Còn Quốc có nghề đờn ca do "ông già" là dân ghita lõm nổi tiếng rèn giũa, bắt đầu đi theo các ban nhạc cho đến tận giờ.

Còn tôi, ngoài việc mỗi sáng đẩy xe chở hàng cho mẹ đi bán "chạp phô" ở chợ Bàn Cờ, vẫn chưa nghĩ ra việc nào để đem tiền về cho mẹ. 

Bỗng một hôm, sau cả tuần "ngáp vặt", trông tới trông lui, chợt thấy mớ sách học, sách truyện dồn đống trong nhà, tôi liền reo lên: "Euréka!". Tại sao không thử đi bán sách cũ? Thế là, tôi chất sách lên xe, đưa ra vỉa hè trước chùa Kỳ Viên, rồi bày trên mấy tờ giấy báo để chào hàng. 

Tôi ngồi dưới bóng cây bồ đề mát rượi, chắc nhờ Trời Phật phù hộ, chỉ mới vài tiếng, đã có người đi qua dừng lại hỏi mua. Vài ngày sau, đã có người đem sách báo trong nhà ra bán cho tôi. Ban đầu khách đến lai rai, dần dần đông lên, mua bán và trò chuyện rôm rả.

"Nghề dạy nghề", để tăng nguồn hàng, tôi đạp xe vào các "vựa de chai" để lọc lựa nhiều sách cũ và đem về bán lại. Bạn bè tôi hay tin "thằng Tiến cận" có "cửa hàng sách" lộ thiên, liền kéo đến tụ tập, huyên thuyên chuyện xưa chuyện mới. 

Thế nhưng, những ngày vui "nếm mùi đời vỉa hè" qua nhanh. Một ngày kia, tôi phải "giải nghệ" bởi công an và dân phòng phường giải tỏa buôn bán lề đường. Đúng lúc đó, giấy báo trúng tuyển đại học đến, chuyển tôi sang một ngã rẽ khác. Một số đồng môn của tôi lại nhận giấy báo "nghĩa vụ", có người ra chiến trường K không trở về.

Em chở mùa hè của tôi đi đâu? - Kỳ 4: Mùa hạ đời học trò cuối cùng của tôi - Ảnh 2.

Lớp tôi đi chơi núi Châu Thới (Biên Hòa) bằng xe đạp, chuyến đi giã biệt đời học trò tháng 5-1980

Chia tay không tái ngộ?

Thương là cô bạn được bạn bè hay "ghép đôi" với tôi, có lẽ vì có chung tâm hồn văn thơ, mơ mộng. Bạn viết trong lưu bút đầy cảm thán: Trong 18 năm qua, những cuộc chia tay đến với tôi thường không có tái ngộ! 

Thương còn tặng tôi những dòng thơ buồn lắm: Ta về thi rớt khóa này-những người bạn cũ có ngày ngoảnh đi-đời ta rồi có còn chi-có chăng là những cái gì xót xa. Thật ra, Thương không thi rớt tốt nghiệp nhưng có lẽ bạn đã đặt kế hoạch không thi đại học để làm một việc gì đó, không thể để lộ ra.

Một buổi sáng, thật ngạc nhiên, Thương đến nhà rủ tôi cùng đạp xe một vòng thành phố. Cô bạn không nói gì về chuyện thi cử, học hành mà chỉ chia sẻ với tôi niềm vui khi được dạo phố dưới những hàng phượng đỏ tươi tắn, những hàng me trong xanh, những hàng cườm thảo dịu dàng. 

Đi qua đường Duy Tân (Phạm Ngọc Thạch nay), cô bạn chỉ tôi cái ngõ hẻm có nhà Trịnh Công Sơn và hỏi tôi có nhớ câu hát: đường phượng bay mù không lối vào... 

Tôi nhớ nhưng mà vẫn ngu ngơ. Đi lang thang khắp phố, có lúc dừng lại để ăn kem mà tôi chưa biết nói gì về một tình cảm là lạ đang đến, kể cả một cái nắm tay.

Thế rồi, ở ngã tư, Thương chia tay tôi và đến giờ chúng tôi vẫn chưa gặp lại. Tôi vẫn thầm mong biển cả cuộc đời không xô ngã được cô bạn của mình và rồi chúng tôi và lớp tôi sẽ có dịp tái ngộ ở đâu đấy cho dù "đầu bạc, răng long"...

* Tôi xin phép không để tên thật của các bạn trong bài và hy vọng chúng ta vẫn nhận ra nhau, gặp nhau một ngày không xa.

Ly ơi, những cuộc gặp như vậy tưởng chừng không khó! Vậy mà lớp mình, dù rất muốn, sau mấy mươi năm vẫn chưa có được một cuộc họp mặt đầy đủ. Thi thoảng trong những lần về trường dự ngày truyền thống, hay tình cờ gặp nhau ngoài đường.

Hay giờ đây trên Facebook, mới bất ngờ nhận ra bạn mình người còn, người mất. Ai nấy cũng vào tuổi về hưu, thăng trầm và vất vả đủ kiểu. Nhưng chắc tất cả cũng đều giữ được những kỷ niệm buồn vui, tình cảm thầy trò khó quên của ba năm cấp III.

Có một mùa hè khác của cô học trò "đời cuối 9X", mùa hè của bù đầu học thêm và thèm thuồng... trốn học để được đi chơi. Mùa hè ấy không giống "chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng".

Kỳ tới: Mùa hè không có “chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng”

'Em chở mùa hè của tôi đi đâu?' - Kỳ 3: Mùa hè đi bắt chuồn chuồn, bắt ve

TTO - Cứ nghĩ thú vui mùa hè đi bắt ve sầu, mò cua đã lùi vào dĩ vãng cùng tuổi thơ thời 8X của chúng tôi. Nào ngờ, dịp về quê lần này, tôi đã gặp lại hình ảnh thân thương đó.

PHÚC TIẾN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên