Nếu như trong SpaceX, Elon Musk có cánh tay phải thì ở Tesla gần như không có ai - Ảnh: Techcrunch
Chuyện gì cũng đến tay ông chủ
Theo Techcrunch, hiện tại, không có người thừa kế rõ ràng trong hệ thống phân cấp Tesla. Không ai sẵn sàng tiếp quản nếu CEO Elon Musk quyết định nghỉ việc hay muốn tập trung vào dự án khác.
Tesla đồng nghĩa với Musk. Dường như mọi chuyện đều cần Musk nhúng tay. Hay nói cách khác, Tesla lúc này không thể dứt được Elon Musk.
Elon Musk bỏ bộ phận PR, thông báo mọi động thái của công ty qua Twitter. Thêm cửa cánh vào chiếc Tesla Model X là ý tưởng vào phút chót của Musk. Ông kiên quyết xây dựng nhà máy sản xuất ôtô gần như hoàn toàn tự động. Ông cho triển khai hệ thống thanh toán bằng điện tử, xóa bỏ rồi lại cho phép.
Elon Musk thừa nhận điều khiển hầu hết các chương trình mới tại công ty, "không phải vì tôi muốn, mà vì tôi phải làm".
Việc có bàn tay của Musk trong công ty rất hữu ích. Nhưng về lâu dài, một người quản mọi thứ có thể là thảm họa.
Chẳng hạn, Elon Musk đã thừa nhận việc tạo ra một nhà máy gần như tự động hoàn toàn là một sai lầm, bởi điều đó đã làm trì hoãn việc sản xuất Model 3 và không đáp ứng nổi đơn hàng.
Mặt trái của công ty "một cửa"
Đúng là ngày nay Tesla đang tăng trưởng cao, lợi nhuận hàng quý và lượng giao hàng kỷ lục. Tin tốt đó đi kèm với hàng loạt vấn đề: các đợt triệu hồi xe, những trục trặc trong quá trình sản xuất, các phương tiện mới liên tục lùi ngày ra mắt. Đây là những vấn đề mà một CEO cần phải giải quyết với sự trợ giúp của một nhóm có thể làm việc độc lập.
Ở Tesla, mọi thứ gần như qua tay Elon Musk. Mọi động thái của công ty cũng được công bố ra thế giới qua tài khoản cá nhân ông chủ và tài khoản công ty - Ảnh: Twitter
Thứ mà Tesla thừa bây giờ là những dòng tweet.
Elon Musk xuất hiện quá thường xuyên trên Twitter. Điều đó mang đến độ nhận diện, nhưng cũng gây bất lợi cho thương hiệu.
Tesla không có bộ phận truyền thông. Mọi thông tin đều đến từ tài khoản chính thức của Tesla hoặc của Musk. Điều đó sẽ ổn nếu tài khoản cá nhân của CEO xoay quanh một chủ đề, chẳng hạn Tesla. Nhưng thực tế, có quá nhiều meme, những trò đùa, những lời chỉ trích, những vấn đề chính trị làm loãng đi những mẩu tin tức về Tesla.
Các vấn đề của Tesla khi chỉ mãi dựa vào một người
Elon Musk thực sự không phải kiểu người "nuôi dưỡng". Theo quy tắc của ông, lượng xe giao hàng luôn ở mức cao nhất mọi thời đại, nhưng cũng liên tục về báo cáo các vấn đề liên quan đến chất lượng. Đó là một vấn đề đáng lẽ phải được giải quyết từ nhiều năm trước.
Các báo cáo gần đây cho thấy Tesla đã giao xe mà không có bộ điều khiển dự phòng - và không thông báo cho khách hàng về điều đó.
Bộ điều khiển dự phòng rất cần thiết với xe tự lái. Điều này làm xói mòn lòng trung thành của khách hàng và đẩy họ đến với những thương hiệu khác không phạm phải sai lầm sơ đẳng này.
Khi khách hàng có vấn đề với xe Tesla, việc đưa xe đi bảo dưỡng không phải trải nghiệm dễ chịu với nhiều thông tin sai lệch, thời gian chờ đợi lâu. Người ta lên Twitter phàn nàn để rồi bị chính những tín đồ trung thành của Elon Musk tấn công.
Rồi rất nhiều cuộc triệu hồi. Tesla đã phải nhiều lần tiến hành thu hồi vì xe giảm tốc/phanh không báo trước, dây an toàn bị lỗi, bu lông trợ lực lái bị ăn mòn, vi phạm các biển báo/tín hiệu giao thông, một số tính năng mới bị loại bỏ.
Mọi hãng xe đều phải đối mặt với triệu hồi, nhưng không phải hãng xe nào cũng phải loại bỏ tính năng vì không an toàn, chẳng hạn chơi game ở chế độ lái rảnh tay.
Elon Musk, thay vì nỗ lực cải thiện những cỗ máy, lại đi tweet chỉ trích cơ quan quản lý "gây chuyện".
Nếu như SpaceX còn có Chủ tịch/COO Gwynne Shotwell thì Tesla chưa có gương mặt nào nổi lên có khả năng thay thế Musk. Không có kế hoạch dự phòng nào, trừ việc Andrew Baglino, phó chủ tịch cấp cao về hệ thống truyền động và kỹ thuật năng lượng, chủ trì công ty nếu có điều gì đó xảy ra với CEO.
Nhưng cũng chỉ đến vậy, không một tín hiệu rõ ràng nào Baglino hay bất kỳ ai khác có thể thực sự thay thế Elon Musk, như Tim Cook với Steve Jobs trong Apple.
Tesla cần trở thành Apple
Vì lợi ích của công ty, Tesla cần hướng tới một tương lai xa hơn - thời điểm mà Elon Musk không nắm quyền lãnh đạo. Apple sẽ là bài học giá trị.
Tesla cần một người kế thừa. Theo một cuốn sách của phóng viên Tim Higgins của Wall Street Journal, Elon Musk từng muốn trở thành CEO Apple khi đề nghị Apple mua lại Tesla, nhưng Tim Cook đã gạt phăng đi - Ảnh: Repulic World
Trong nhiều năm, hoạt động kinh doanh của Apple đã gắn bó sâu sắc với Steve Jobs. Đúng là không có Jobs thì không có Apple. Nhưng một công ty không thể là của một người mãi.
Tim Cook gia nhập Apple vào năm 1998 trong vai trò phó chủ tịch cấp cao quản lý các hoạt động hàng ngày của công ty. Năm 2011, ông được bổ nhiệm làm CEO trước khi Steve Jobs qua đời. Dưới sự lãnh đạo của ông, Apple đã tăng hơn gấp đôi doanh thu và lợi nhuận.
Cook không có sự can đảm hay tầm nhìn của Jobs. Thay vào đó, Cook thuê những người thông minh để làm công việc của họ và đảm bảo rằng Apple tiếp tục có lãi và cung cấp các sản phẩm chất lượng.
Tesla cần một Tim Cook. Nhà sản xuất ôtô cần một nhà lãnh đạo có thể tiếp tục cung cấp các tính năng thú vị mà vẫn đảm bảo xe được giao đúng giờ cho khách hàng mà không gặp sự cố. Dù muốn hay không, các nhà sản xuất ôtô khác cũng đang bắt kịp và rất sẵn lòng mời chào chủ sở hữu Model 3.
Nhà sản xuất ôtô có thể đang thu lợi nhuận cao, nhưng nếu không được nuôi dưỡng thích hợp, vị trí thống trị làng xe điện của Tesla có thể bị đối thủ soán ngôi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận