Theo báo cáo của đơn vị nghiên cứu BMI thuộc Công ty phân tích tài chính Fitch Solutions, không chỉ Việt Nam và Indonesia, ngay cả cà phê robusta của Brazil - ba nước sản xuất cà phê robusta lớn nhất thế giới - cũng đã bị ảnh hưởng tiêu cực từ hạn hán.
Điều đó có nghĩa là giá cà phê hòa tan và cà phê espresso, thường được làm bằng hạt cà phê robusta, đang chịu áp lực tăng giá trong bối cảnh lo ngại về nguồn cung và nhu cầu cà phê robusta cao hơn bình thường, theo kênh truyền hình tài chính CNBC.
Giá cà phê robusta gần đây đã tăng vọt lên mức cao nhất trong 15 năm là 2.783 USD/tấn vào cuối tháng 5-2023.
BMI cho biết việc thời tiết chuyển đổi sang El Nino được dự đoán rộng rãi trong các quý sắp tới, đã làm dấy lên lo ngại về sản lượng giảm ở Việt Nam và Indonesia, hai nhà sản xuất cà phê robusta lớn nhất thế giới.
Hạt cà phê robusta được biết đến với đặc tính đắng và tính axit cao hơn, chứa nhiều caffein nên rẻ hơn so với hạt arabica cao cấp và đắt tiền hơn.
Ông Shawn Hackett, chủ tịch Công ty môi giới hàng hóa Hackett Financial Advisors, cho biết: "Châu Á nói chung đã ưa chuộng robusta hơn arabica. Do đó, nhu cầu về robusta đang tăng với tốc độ nhanh hơn nhiều".
Theo BMI, trên khắp Đông Nam Á, hiện tượng El Nino có liên quan đến lượng mưa dưới mức trung bình và nhiệt độ cao hơn, cả hai đều làm giảm sản lượng cà phê.
Các nhà phân tích cho biết Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo sản lượng cà phê robusta toàn thế giới sẽ giảm khoảng 1/5.
Báo cáo của BMI cho biết giá cà phê robusta được hỗ trợ khi các nhà sản xuất sản phẩm cà phê và người tiêu dùng thay thế cà phê arabica đắt tiền bằng cà phê robusta để tiết kiệm chi phí trong thời kỳ lạm phát.
Tổ chức Cà phê quốc tế dự kiến mức tiêu thụ cà phê thế giới sẽ vượt nguồn cung 7,3 triệu bao trong niên vụ này, tăng từ mức thâm hụt 7,1 triệu bao trong niên vụ trước, theo báo cáo gần đây nhất của cơ quan này.
Châu Á không phải là khu vực duy nhất ngày càng ưa chuộng cà phê robusta.
Nhà phân tích Natalia Gandolphi tại Công ty phân tích HedgePoint Global Markets’ Intelligence cho biết: "Mặc dù việc giảm nhập khẩu cà phê arabica đã qua chế biến một phần là do nguồn cung ít hơn, nhưng việc chuyển sang cà phê robusta cho thấy cà phê rẻ hơn đang được thị trường châu Âu ưa chuộng hơn".
Bà Gandolphi dự kiến sẽ thâm hụt 4,16 triệu bao cà phê robusta trong giai đoạn tháng 10-2023 đến tháng 9-2024.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận