Nhà bác học Albert Einstein được cả thế giới ngưỡng mộ - Ảnh: AFP
Theo đài BBC, tại hội nghị khoa học Ấn Độ hàng năm được tổ chức bởi Thủ tướng Narendra Modi, một số khoa học gia nước này đã bác bỏ các công trình của nhiều bác học nổi tiếng như Issac Newton hay Albert Einstein.
Tiến sĩ Kannan Jegathala Krishnan đến từ đại học ở phía nam Ấn Độ tuyên bố đầy táo bạo khi cho rằng nghiên cứu của cả Issac Newton và Albert đều sai, và rằng sóng hấp dẫn lẽ ra phải được gọi là "sóng Narendra Modi".
Ông khẳng định rằng nhà bác học Newton đã "thất bại trong việc hiểu về lực hấp dẫn" và lý thuyết của Einstein thì bị "sai lệch".
Một vị học giả khác là ông G Nageshwar Rao, phó hiệu trưởng Trường đại học Andhra phía Nam Ấn Độ, cũng trích dẫn một quyển sách cổ viết bằng tiếng Hindu để minh chứng cho luận điểm nghiên cứu tế bào gốc đã xuất hiện ở Ấn Độ cách đây hàng ngàn năm.
Chưa hết, ông còn nói vị quỷ vương trong cuốn sử thi thần thoại Ấn Độ Ramayana sở hữu đến 24 chiếc phi cơ và hệ thống sân bãi đậu ở nơi là nước Sri Lanka ngày nay.
"Chúng tôi không tán thành góc nhìn của họ", Hãng thông tấn AFP dẫn lời Tổng thư ký Hiệp hội khoa học Ấn Độ Premendu P Mathur.
"Thực sự đáng quan ngại khi những con người mang trọng trách lớn lại phát biểu như vậy", ông cho biết thêm.
Tiến sĩ Kannan Jegathala Krishnan trong một lần đăng đàn - Ảnh: FACEBOOK
Thần thoại Hindu và các lý thuyết thần học đang ngày càng có chỗ đứng trong các hội nghị khoa học tại quốc gia đông dân thứ nhì thế giới này. Họ trích dẫn trong các sách sử thi, thần thoại để làm cứ liệu nghiên cứu khoa học.
Vào năm ngoái, phát biểu tại buổi lễ tốt nghiệp kỹ sư, ông Satyapal Singh - Bộ trưởng Bộ Phát triển Nguồn nhân lực phụ trách giáo dục cơ sở Ấn Độ, cho rằng khái niệm máy bay lần đầu được nhắc đến trong sử thi Hindu Ramayana, và chiếc máy bay đầu tiên trên thế giới là do một người đàn ông Ấn Độ tên Shivakar Babuji Talpade làm ra, trước cả anh em nhà Wright người Mỹ tận tám năm.
Không chỉ các nhà khoa học, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng kể câu chuyện về vị thần đầu voi thân người Ganesha trong thần thoại Hindu để dẫn chứng về việc phẫu thuật thẩm mỹ đã tồn tại từ Ấn Độ cổ đại!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận