18/01/2008 22:02 GMT+7

Eddie Adams và bức ảnh Tết Mậu Thân ở Sài Gòn

Theo THANH TRÚC - SGGP
Theo THANH TRÚC - SGGP

Đã từng có những tấm ảnh báo chí làm thay đổi cả thế giới. Với ngôn ngữ riêng, những tấm ảnh đã có thể nói lên sự thật còn hơn cả ngàn lời. Bức ảnh từng làm sửng sốt toàn thế giới vào năm 1968 và đã mang đến cho Eddie Adams cả hai giải thưởng: Pulitzer Prize for Spot News Photography và World Press Photo Award 1969. Đó là hình ảnh tướng quân đội Sài Gòn cầm súng ngắn xử tử chiến sĩ cách mạng Việt Nam hồi Tết Mậu Thân 1968 ngay trên đường phố.

Sự nghiệp lừng lẫy

anIXZTFl.jpgPhóng to
Eddie Adams
Sinh ngày 12-6-1933 tại New Kensington, bang Pennsylvania (Mỹ). Thời trung học tại New Kensington, đã tham gia nhóm chụp ảnh cho tờ báo của trường. Tốt nghiệp, E.Adams làm việc ở Hải quân và phục vụ 3 năm với tư cách phóng viên ảnh chiến trường tại Hàn Quốc. Từ 1958 đến 1962, làm việc cho tờ Tin chiều của Philadelphia, sau đó về Hãng thông tấn AP. Hai mươi năm sau ông trở thành phóng viên đặc biệt cho tờ Parade, tham gia nhiều chương trình dự án sách và còn chụp ảnh thời trang, quảng cáo.

Phóng viên Eddie Adams đã cầm máy ảnh qua 13 cuộc chiến tranh trên thế giới và trở thành phóng viên có nhiều ảnh được đưa lên trang bìa nhiều tạp chí nổi tiếng, như His Time, Newsweek, Life, Paris Match, Parade, Penthouse, Vogue, The London Sunday Times Magazine, The New York Times, Stern and Vanity Fair.

Ống kính của ông đã ghi lại hình ảnh nhiều chính khách nổi tiếng vào những thời khắc quan trọng như Richard Nixon, G.W.Bush, Mikhail Gorbachev, Anwar Sadat, Đặng Tiểu Bình, Fidel Castro và Đức Giáo hoàng John Paul. 40 năm cầm máy, ngoài giải thưởng danh giá Pulitzer, Adams còn nhận hơn 500 giải thưởng khác như Erro! Bookmark not defined cho ảnh báo chí năm 1968, 1977 và 1978, cùng vô số các giải từ World Press Photo, NPPA, Sigma Delta Chi, Overseas Press Club…

Giống bất kỳ phóng viên ảnh chiến trường nào, như Larry Burrows, David Douglas Duncan, Henri Huet và David Hume Kennerly, Adams đã cống hiến hết mình để lột tả những giây phút kịch liệt nhất, khói đạn nhất, đau thương nhất của từng cuộc chiến. Hàng loạt ảnh chiến sự của ông được các báo thế giới đăng tải.

Đến với Việt Nam

Adams đến Việt Nam ba lần, năm 1962, 1965 và 1968. Đã có lần trực thăng chở ông đi tác nghiệp bị trúng đạn súng cối, có khi bị kẹt giữa những đợt khói lửa đạn mù trời… Năm 1968, ông là một trong số phóng viên được đặc cử đến Việt Nam để chụp ảnh về cuộc chiến tranh tại thời điểm xảy ra cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân đánh thẳng vào đầu não của chính quyền Mỹ - ngụy.

Chụp rất nhiều ảnh chiến tranh, nhưng đặc biệt theo ông cho đến cuối đời và làm ông nổi tiếng nhất là bức ảnh chụp cảnh một tướng của quân đội miền Nam hành quyết một người bị tình nghi là chiến binh Việt Cộng ngay trên một đường phố Sài Gòn vào ngày 1-2-1968. Bức ảnh đã được trao giải Pulitzer Prize for Spot News Photography và World Press Photo Award vào cùng năm 1969. Bức ảnh đã được giới phê bình nhiếp ảnh công nhận là một trong những bức ảnh lớn của thế kỷ 20 thật sự đã làm thay đổi lịch sử.

Adams đã kể lại, vào ngày 1-2, ngày thứ hai của chiến sự Mậu Thân, Adams đi nhờ xe của đoàn phim truyền hình NBC chạy về hướng có tiếng súng ở khu Chợ Lớn. Không thấy xung đột nào, ngay lúc sắp sửa rút đi thì Adams nhìn thấy cảnh sát bước ra khỏi một tòa nhà áp giải một tù nhân tay bị trói bẻ ngoặt về phía sau. Ông nói: “Tôi nghĩ viên tướng chỉ đe dọa người tù, nên khi người này rút súng ra, vừa lúc tôi cũng nâng máy ảnh chụp ngay cảnh đó; đến khi ra hình, hình ảnh được ghi nhận lại đúng ngay khoảnh khắc viên tướng bóp cò súng - phát đạn ghim thẳng vào đầu người tù này”.

Những thay đổi lớn từ tấm ảnh lịch sử

KJZ8RW21.jpgPhóng to

Hình ảnh biểu hiện sự đau đớn trên gương mặt người tù bị tình nghi là cộng sản này khi nhận viên đạn; một khoảng cách quá gần giữa người bắn và người bị giết mà người bóp cò súng không hề mảy may rung động. Sự bình thản chứng kiến của tên lính ngụy đứng sau tướng Loan - đã thay thế cho hơn bất kỳ lời lẽ hùng hồn nào khua động, kêu gọi làn sóng phản chiến trên khắp thế giới.

Bức ảnh trở thành biểu tượng của sự hung tàn của một cuộc chiến tranh; sự tàn bạo của nó dẫn đến tội ác nhân loại – sự lạnh lùng của con người hành hình một con người, ngay giữa ban ngày, ngay trên mảnh đất cùng được sinh ra. Tấm ảnh ấy đã thổi bùng nhiệt huyết chống chiến tranh do Mỹ gây ra tại Việt Nam trên toàn thế giới. Cuộc xử bắn dã man này cũng được phát hình trên sóng của đài NBC và thật sự làm biến động mạnh đến chính trường nước Mỹ năm đó. Làn sóng phản đối chiến tranh dâng cao và sau đó hai tháng, Tổng thống Lyndon B. Johnson (D) tuyên bố rút lui khỏi cuộc tranh cử nhiệm kỳ sau.

Eddie Adams cho biết ông thường diễn đạt nỗi kinh hoàng của con người và sự vô nghĩa của bất cứ cuộc chiến tranh nào trong những ảnh chụp của mình. Cùng với tấm ảnh cô bé trần truồng bị cháy xém bởi bom na-pan chạy khóc thất thanh trên đường phố của Nick Út vào năm 1972, bức ảnh của Adams cũng là một trong những bức ảnh biết nói về cuộc chiến tranh ở Việt Nam đã góp phần tạo nên dấu ấn đậm nét trong lịch sử của ngành nhiếp ảnh thế giới.

Cả hai giải thưởng ảnh báo chí nổi tiếng trên quốc tế là Pulitzer Prize for Spot News Photography và World Press Photo Award vào năm 1969 dành cho tấm ảnh “Xử bắn trên đường phố Sài Gòn 1968” của Eddie Adams. Nhưng bên cạnh sự vinh quang, nhà nhiếp ảnh này cũng đã phải chịu đựng nhiều sức ép từ dư luận trong suốt quãng đời còn lại của mình.

Ngay khi nhận giải thưởng, một nhà báo người Hà Lan đã hỏi ông “Tại sao lúc đó thay vì chụp ảnh, ông không ngăn cản việc bắn chết người đàn ông đó?” . Mãi về sau, Adams mới chia sẻ: “Tôi luôn nói với các phóng viên ảnh là bạn chẳng bao giờ biết ai đang xem ảnh của bạn và bức ảnh của bạn sẽ ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống người khác. Tôi không phải ra ngoài để cứu rỗi thế giới, mà chỉ bước ra để viết lên một câu chuyện. Tôi được trả tiền vì đã đưa được cảnh một người giết chết một người, người bị xử bắn đã chết, còn người xử bắn cũng đã bị xã hội ruồng bỏ trong suốt quãng đời còn lại của ông ta, còn tôi cũng đang phải bị trả giá”.

Dư luận báo chí liên tiếp mấy chục năm qua đổ xô vào khai thác cuộc đời tên tướng ngụy hay vào người chiến sĩ cách mạng, vào cảm xúc và tính nhân văn khoảnh khắc lúc Adams bấm máy. Nhưng trên hết, lịch sử phải cám ơn người phóng viên ảnh chiến trường Eddie Adams đã đưa hình ảnh trung thực về cuộc chiến. Tột đỉnh nghề nghiệp của phóng viên ảnh Adams là đưa đến công chúng những bức ảnh biết kể về một câu chuyện có thật và đó là đỉnh cao thành công của tác giả.

Eddie Adams mất ngày 19-9-2004.

Theo THANH TRÚC - SGGP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên