08/02/2013 09:18 GMT+7

Ed Tick người Mỹ yêu rùa hồ Gươm

NGUYỄN THỊ MINH THÁI
NGUYỄN THỊ MINH THÁI

TTXuân - Tôi lấy từ tủ áo mùa đông chiếc áo dạ tơ tằm tím Huế, lòng chợt chùng xuống. Nhận ra chiếc cài áo hình rùa vàng nạm đá lấp lánh trên nền tím thẫm, kỷ niệm về Edward Tick bỗng đổ về miền ký ức của tôi…

ayKporka.jpgPhóng to
Edward Tick

Chiếc cài áo này tôi đem về từ Mỹ cuối năm 2010. Tôi mua một đôi ở tiệm quà lưu niệm Albany, thủ phủ New York, nơi có ngôi nhà bạn tôi Ed Tick. Tôi tặng Ed rùa vàng, Ed cài lên ve áo veston và hóm hỉnh: “Cứ bạn tặng tôi thì đây là rùa hồ Gươm, tôi sẽ đeo nó không rời!”.

Gặp Hà Nội như… định mệnh

Tháng 11-2009, tôi gặp Edward lần đầu tại khoa báo chí và truyền thông Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội. Một nữ sinh viên tên Ngọc vừa tốt nghiệp cử nhân báo chí tươi tắn giới thiệu: “Đây là bố Ed của em, người Mỹ. Bố muốn em đưa đến cảm ơn cô vì đã dạy em thành nhà báo”.

Đến thăm tôi, Ed ý nhị chọn Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11-2009. Hóa ra cô sinh viên người Việt mà Ed quen tình cờ từ năm 2005 (đến năm 2007 làm lễ nhận con nuôi tinh thần) lại quen vào chính dịp Hà Nội kỷ niệm 995 năm vua Lý Công Uẩn ban chiếu dời đô. Ngọc thuộc nhóm sinh viên tôi dẫn đến giao lưu với các thi sĩ của Hội Nhà văn Hà Nội và một số khách quốc tế yêu thơ.

Hôm ấy Ed, tiến sĩ - bác sĩ tâm lý học và truyền thông, giám đốc Tổ chức “Tâm hồn người lính” (“Soldier’s heart”), dẫn đoàn cựu binh Mỹ tham dự. Sang Việt Nam hằng năm (kể từ năm 2000), các chuyến đi của tổ chức này đều nhằm chữa bệnh PTSD (Post-traumatic stress disorder): sang chấn tinh thần, căng thẳng thần kinh và rối loạn hành vi sau chấn thương chiến tranh cho những cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam. Tại nhà thông tin Hà Nội 40 Tràng Tiền, gần hồ Gươm, nơi chốn lịch sử mà Ed mê thích nhất, Ed đã suýt trào nước mắt khi thấy Ngọc, cô bé người Hải Dương, sinh viên năm 1 của tôi, đạp chiếc xe màu đỏ cũ đến giao lưu, mồ hôi mồ kê nhễ nhại giữa hè Hà Nội chang chang nắng. Cô không thay xe đạp ấy sau hai năm trời, khi đã bằng lòng nhận làm con nuôi và nhận sự trợ giúp của hai vợ chồng Ed và Kate. (Thuận theo ứng xử Việt, Ed và Kate đã đến tận nhà Ngọc ở Hải Dương, cúi đầu thắp hương trước bàn thờ gia tiên nhà Ngọc xin nhận Ngọc làm con). Ngày mới quen, trong đám xe hơi, xe máy sang trọng để đầy nơi bãi xe khách sạn Ed ở Hà Nội, khi tiễn Ngọc bao giờ Ed cũng nhận ra ngay chiếc xe đạp cà tàng duy nhất ấy của Ngọc và không lần nào mắt ông không rớm lệ.

Ngay cuộc gặp ấy, Ed tặng tôi cuốn sách Kim Quy - những chuyến hành trình trên đất Việt (“The Golden Tortoise: Viet Nam Journeys”) xuất bản năm 2005, Ed viết về những chuyến đi Việt Nam của ông nhằm hàn gắn vết thương chiến tranh. Và tặng bức sơn mài nhỏ, Ed mua ở Hàng Gai vẽ Thúy Kiều gảy đàn. Ed thú nhận vui: “Đây là hai nhân vật tôi thích nhất trong lịch sử và văn chương Việt. Thúy Kiều của Nguyễn Du thì tôi được gặp bằng tưởng tượng qua chữ nghĩa bản dịch Truyện Kiều”.

Nhưng tôi đã nghe về cụ rùa linh thiêng vẫn sống trong lòng hồ Gươm. Tôi đã dạo vòng quanh hồ Gươm mấy lần và “thỉnh” được nhiều cụ rùa đá xanh từ Việt Nam, từ Hà Nội về tận ngôi nhà của tôi ở Mỹ! Tôi có duyên được nhận Ngọc làm con, và cô giáo của Ngọc giờ đã thành bạn tôi, có khi do rùa thần ở Việt Nam phù hộ, độ trì chăng?

H0oWR2uy.jpgPhóng to

Triết lý về chiến tranh - hòa bình

Ed yêu Hà Nội, vì có rùa thần hồ Gươm lộng lẫy huyền thoại: dâng gươm giúp Lê Lợi đánh thắng ngoại xâm và nhận lại gươm khi chiến tranh kết thúc. Quá yêu rùa hồ Gươm và quá ghét chiến tranh - Ed thấy đây là hai mặt đối lập của thực thể tình yêu Việt Nam thống nhất và thẳm sâu trong tâm hồn ông. Dù là người của chính nước Mỹ gây chiến, Ed thẳng thắn email ngay cho tôi sau lần gặp đầu: “Bạn ạ, chưa giây phút nào tôi dừng phản đối cuộc chiến tranh tại Việt Nam và tôi đã luôn đau lòng vì những gì nước Mỹ đã làm với Việt Nam”…

Ed quyết dùng cả đời mình để chữa lành các vết thương tinh thần cho cựu chiến binh Mỹ trở về từ Việt Nam. Trong cách chữa bệnh PTSD cho cựu binh Mỹ bằng trị liệu tâm linh, Ed đã phát hiện từ năm 2000 một việc phải làm ngay: phải đích thân đưa họ về Việt Nam, về chính nơi họ từng tham chiến, từng gây tội ác, từng bị tổn thương về tâm hồn và thể xác. Phải tạo cho họ cơ duyên tiếp xúc với văn hóa tâm linh Việt, các huyền thoại Việt, mà trong đó huyền thoại về “rùa vàng Việt Nam”, kể từ truyền thuyết thần Kim Quy ban tặng nỏ thần cho vua An Dương Vương đánh giặc ngoại xâm, đến rùa thần hồ Gươm Hà Nội đều bao bọc trong thẳm sâu huyền thoại một triết lý khôn ngoan, vừa đôn hậu vừa quyết liệt về chiến tranh và hòa bình của người Việt.

Năm 2010, Ed đưa hơn 20 cựu binh Mỹ về Việt Nam lần thứ 10, dành trọn mấy ngày dự đại lễ kỷ niệm ngàn năm Thăng Long - Hà Nội (1010-2010). Tôi được Ed mời thiết kế chương trình cho đoàn. Trong cuộc giao lưu tổ chức nhân dịp này, Ed lý giải rành rẽ việc chữa bệnh PTSD cho cựu binh Mỹ tại Việt Nam có kết quả không ngờ, khiến Chính phủ Mỹ rất quan tâm và ủng hộ. Ed nói: Đó là nhờ phần lớn vào tinh thần “hóa giải” chiến tranh của người Việt trong văn hóa ứng xử với cựu binh Mỹ. Với tình thương, sự thông cảm, lòng bao dung, khi cựu binh Mỹ quay lại Việt Nam chữa bệnh, tìm kiếm sự tha thứ về tội ác chiến tranh họ đã gây ra và tìm lại được tâm hồn đã bị mất trong chiến tranh Việt Nam…

Tôi nhắc rằng văn học nước ngoài từng chia sẻ triết lý này trong tiểu thuyết Giã từ vũ khí của Heminway, Chiến tranh và hòa bình của L.Tolstoi. Quá yêu triết lý trong huyền thoại rùa thần hồ Gươm, Ed quả quyết: cử chỉ cặp đôi mang triết lý âm dương của người Việt - dâng gươm và trả gươm đã thành tên hồ đẹp nhất (hồ Gươm, tên chữ là hồ Hoàn Kiếm), chứa đựng sâu sắc triết lý dứt khoát, lành mạnh nhất của người Việt về chiến tranh và hòa bình, đến mức không tác phẩm nào trên thế giới đạt tới triết lý sâu sắc đến thế.

Rùa hồ Gươm trong ngôi nhà Mỹ

Albany, lúc đó là tiết thu muộn, chớm đông, tuyết chưa rơi nhưng trời rất lạnh. Chúng tôi đứng trước cửa ngôi nhà của Ed và Kate, trong dãy phố có những cây phong trồng đều đặn hai hàng dọc trước các ngôi nhà. Lá phong rơi ào ào như trút trong gió lạnh. Tôi giẫm lên thảm lá vàng xào xạc, theo Ed mở cửa nhà.

Tôi chợt nhận ra trên bậc cửa, chễm chệ ngồi chú rùa đá xanh quen thuộc như được tạo tác từ đá xanh Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng. Ed cả cười: “Thần rùa hồ Gươm, vị thần hộ mệnh tôi rước về từ Hà Nội, đang canh giữ nhà tôi đấy!”. Vào nhà, hai vợ chồng tiếp chúng tôi theo nghi lễ Việt: đốt một bó nhỏ hương trầm Việt, chia đều năm người chủ khách cả Mỹ lẫn Việt, cắm vào bát hương trên bàn thờ đặt di ảnh của những người trong gia đình nội ngoại hai bên đã mất, báo cho gia tiên biết đã đi đến nơi về đến chốn, đã đón về ba người bạn Việt làm khách trong nhà…

Trong góc phòng khách, Kate đã dọn bàn trà. Trà búp Thái Nguyên hãm trong ấm gốm Việt nóng rực, được từ tốn rót vào tách gốm Việt nhỏ xinh. Chủ nhà bật nhạc Việt, thánh thót Lý ngựa ô, dân ca Nam bộ. Tường treo tranh vẽ hồ Gươm mơ màng liễu rủ. Trên giá sách và cầu thang lên tầng hai đều đặt những chú rùa đá xanh Việt nằm trầm tư. Tôi thầm đếm hơn chục tượng rùa trong nhà Ed. Hai vợ chồng cười xác nhận: “Các vị rùa nhà tôi đều là rùa thần hồ Gươm cả đấy”.

Hẳn nào khi tôi mang về từ tiệm đồ kỷ niệm ở Albany chiếc cài áo rùa vàng tặng Ed, Ed cười lớn, cảm ơn, cài ngay vào ve áo veston và cứ thế, mang theo rùa hồ Gươm đến các buổi giảng bài, hội thảo có chúng tôi tham dự ở mấy trường đại học của Albany. Đến đâu Ed cũng giới thiệu huyền thoại rùa hồ Gươm, triết lý văn hóa kỳ diệu và khỏe mạnh của người Việt về chiến tranh - hòa bình và mỗi lần như thế, tôi thấy mắt ông lại nhòa lệ vì sung sướng và hạnh phúc…

NGUYỄN THỊ MINH THÁI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên