Theo tạp chí Economist ngày 29-8, thế giới đang ở rất gần cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân mới. Lần này, cuộc chiến giữa các nước lớn sẽ còn nguy hiểm hơn cả thời Chiến tranh lạnh, với sự trỗi dậy của các thế lực hạt nhân và sự phức tạp trong quan hệ quốc tế.
Mỹ, Nga, Trung Quốc và các nước sở hữu vũ khí hạt nhân khác đều phải chịu trách nhiệm trong việc đẩy nhanh cuộc đua này.
Mỹ liên tục rút khỏi các thỏa thuận hạn chế vũ khí
Nếu như trong thế kỷ 20, Mỹ và Liên Xô đảm bảo hòa bình thế giới bằng một loạt thỏa thuận hạn chế vũ khí hủy diệt hàng loạt thì ngày nay, Washington dường như đang làm điều ngược lại.
Lần lượt trong các năm 2002 vào 2019, Mỹ đã tuyên bố rút khỏi Hiệp ước ABM (hạn chế hệ thống chống tên lửa đạn đạo) và Hiệp ước INF (loại bỏ toàn bộ tên lửa mặt đất tầm trung và tầm ngắn).
Thêm vào đó, Mỹ cũng đẩy mạnh các động thái răn đe bằng vũ khí hạt nhân. Trong nhiều tháng qua, các tàu ngầm mang vũ khí hạt nhân của Washington liên tục xuất hiện tại các nước đồng minh như Hàn Quốc, Scotland, Philippines.
Đặc biệt, tháng 10-2022, tàu USS West Virginia đã xuất hiện tại biển Arab trong một động thái rõ ràng nhằm "dằn mặt" Iran.
"Bạn không thể răn đe hiệu quả nếu không thể hiện năng lực của mình. Nếu đối phương không có kiến thức về biện pháp răn đe, đó không còn là biện pháp răn đe", Chuẩn đô đốc Jeffrey Jablon, chỉ huy lực lượng tàu ngầm của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, cho biết.
Chiến tranh Ukraine leo thang, New START bị đình chỉ
Nga cũng có phần trách nhiệm không nhỏ trong cuộc đua này. Chính tình hình chiến sự tại Ukraine, cùng với việc Matxcơva liên tục đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân, đang khiến các cuộc thảo luận về loại vũ khí này nóng hơn.
Trong đó, việc Nga triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Belarus tạo cảm giác thế giới đã ở rất gần một cuộc chiến tranh nguyên tử.
Tình hình cũng trở nên căng thẳng hơn từ tháng 2-2023, khi Nga đình chỉ Hiệp ước New START - thỏa thuận giới hạn vũ khí hạt nhân chiến lược còn hiệu lực quan trọng nhất.
Với hiệp ước này, Mỹ và Nga thường xuyên thông báo cho nhau về việc cơ động các hệ thống tên lửa và máy bay ném bom. Tuy nhiên do Nga đình chỉ hiệp ước, hai bên đã ngừng việc này từ tháng 3.
Tình hình phần nào còn trong tầm kiểm soát với việc cả hai nước vẫn tôn trọng các quy định giới hạn số đầu đạn hạt nhân và các thỏa thuận giới hạn vũ khí hạt nhân khác.
Trung Quốc trỗi dậy, hướng đến đối trọng Mỹ
Sự góp mặt của Trung Quốc có thể được xem là yếu tố quan trọng nhất khiến cuộc đua hạt nhân leo thang.
Không bị giới hạn bởi hiệp ước nào, Bắc Kinh từ lâu đã chủ động thi hành chính sách "răn đe tối thiểu" và giới hạn số đầu đạn của mình ở mức vài trăm.
Tuy nhiên, thời gian qua, Trung Quốc đã bắt đầu đẩy mạnh việc sản xuất vũ khí hạt nhân. Lầu Năm Góc ước tính nước này sẽ sở hữu khoảng 1.500 đầu đạn vào năm 2035.
Bắc Kinh có vẻ cũng sẽ không mặn mà gia nhập các hiệp ước giới hạn vũ khí hạt nhân cho đến khi nước này có kho vũ khí đối trọng được Mỹ.
Điều này ít nhiều cũng cuốn các nước sở hữu vũ khí hạt nhân trong khu vực như Ấn Độ, Pakistan và Triều Tiên vào vòng xoáy chạy đua hạt nhân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận