Phó chủ tịch điều hành kiêm Cao ủy thương mại của Ủy ban châu Âu (EC) Valdis Dombrovskis đang có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam.
Phó chủ tịch EC đánh giá sau 3 năm thực thi, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) đã mang lại những kết quả rất tốt và có lợi cho cả hai bên.
Thương mại hai chiều Việt Nam - EU đạt kỷ lục 64 tỉ euro vào năm 2022, đưa Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn nhất của EU trong khối ASEAN. Xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU hiện ở mức gần 38 tỉ euro.
Trong thời gian tới, Việt Nam và EU sẽ tiếp tục các cuộc trao đổi để đẩy mạnh mở cửa thị trường hàng hóa và phát huy hiệu quả của EVFTA.
Ghi nhận nỗ lực về thẻ vàng IUU
Trả lời báo chí chiều 2-11 tại Hà Nội, ông Valdis Dombrovskis cho biết EC ghi nhận những nỗ lực lớn của Việt Nam trong việc xây dựng các khuôn khổ pháp lý về việc chống khai thác trái phép, không báo cáo và không theo quy định (IUU) với thủy hải sản.
“Bây giờ, câu hỏi cốt lõi là việc (Việt Nam) thực thi hiệu quả các khuôn khổ pháp lý này”, ông Dombrovskis nói.
Vào tháng 10-2023, EU đã cử phái đoàn đến kiểm tra, đánh giá tiến độ thực hiện những khuyến nghị đối với thẻ vàng IUU: “Vẫn còn một số vấn đề cần giải quyết, nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục cam kết với Việt Nam về việc này (gỡ bỏ thẻ vàng IUU)”, Phó chủ tịch EC nhấn mạnh.
Ông cũng cho biết phái đoàn khác của EU sẽ tới Việt Nam trong thời gian tới để tiếp tục thanh tra và sớm đưa ra kết luận về thẻ vàng IUU.
Theo thuật ngữ quốc tế, IUU (Illegal, Unreported and Unregulated Fishing) là hoạt động đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và không được quản lý.
Năm 2017, Việt Nam bị EC cảnh cáo thẻ vàng vì không tuân thủ quy định IUU. Điều này đồng nghĩa thủy hải sản xuất khẩu sang EU sẽ bị kiểm soát 100%, thay vì kiểm tra theo xác suất, tức doanh nghiệp mất nhiều chi phí phát sinh hơn.
Đang huy động nguồn lực cho JETP
"Việt Nam và EU đều có mục tiêu tham vọng phát thải ròng bằng 0 (net zero) vào năm 2050, vì vậy cả hai bên có nhiều cơ hội hợp tác trong vấn đề này", ông Dombrovskis nêu.
EU tham gia Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) - thỏa thuận huy động 15,5 tỉ USD giúp Việt Nam thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (net zero) vào năm 2050: "Chúng tôi hiện đang hoàn thiện kế hoạch huy động nguồn lực cho JETP", Phó chủ tịch EC nói
Ông cũng đề cập bên cạnh những đóng góp tài chính, JETP cũng giúp Việt Nam có các cải cách pháp lý cần thiết để tạo điều kiện cho nguồn vốn trong nước và quốc tế, phù hợp với các mục tiêu của JETP.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận