Trạm sạc điện cho xe ô tô ở Essen, Đức. Ảnh minh họa: euronews.com
Quy định mới của EC cho phép vẫn lưu hành xe ô tô chạy bằng xăng và dầu nhưng các loại phương tiện này sẽ không còn được bán trên thị trường. Quyết định này nhằm thúc đẩy châu Âu tiến tới trung hòa carbon vào năm 2050, đòi hỏi các quốc gia thành viên phải điều chỉnh để phù hợp.
Một số quốc gia chắc chắn đi tiên phong như Đan Mạch hoặc Ireland, nơi dự kiến sẽ không còn sử dụng động cơ nhiệt vào năm 2030. Ở các quốc gia khác, các biện pháp sẽ được áp dụng tại các đô thị. Đó là trường hợp của thành phố Brussels (Bỉ). Thành phố sẽ cấm phương tiện sử dụng diesel vào năm 2030 và xăng vào năm 2035.
Liên minh châu Âu (EU) muốn các quốc gia thành viên hướng đến sử dụng phương tiện giao thông chạy điện. Tuy nhiên, vẫn chưa có đủ trạm sạc. Vào cuối năm ngoái, chỉ có 260.000 trạm sạc điện, nhưng thường là công suất thấp và khó sử dụng. 70% trong số đó ở Đức, Pháp và Hà Lan. EU cam kết phát triển mạng lưới đạt 1 triệu trạm sạc vào năm 2025 và 3,5 triệu trạm sạc vào năm 2030.
Ở Bỉ, có khoảng 8.500 trạm sạc điện công cộng. Số lượng này sẽ tăng lên 10.000 trong năm nay. Nhưng như thế vẫn chưa đủ, đặc biệt tại các đô thị vẫn thiếu không gian để đặt các trạm sạc điện.
Để đáp ứng quy định của EC, Liên đoàn các nhà khai thác mạng lưới điện và khí đốt của Bỉ đã đưa ra một số kịch bản. Kịch bản thứ nhất dự kiến tất cả các xe được sạc cùng một lúc, vào khoảng 18 giờ, sau khi mọi người đi làm về. Kịch bản thứ hai hướng đến việc sạc điện rải rác trong cả ngày. Theo cả hai kịch bản này, đến năm 2030, sẽ không bị bão hòa. Tuy nhiên, kịch bản đầu tiên có một vấn đề mà kịch bản thứ hai tránh được, như nhận xét của Peter Van Den Bosch, thuộc phòng thí nghiệm kỹ thuật điện đại học VUB: 'Việc sạc tất cả các phương tiện cùng một lúc sẽ gây ra tình trạng tăng điện. Do đó, điện sẽ tiêu tốn nhiều hơn'.
Do đó, theo Bérénice Crabs, Tổng thư ký Liên đoàn các nhà khai thác mạng lưới điện và khí đốt, sẽ cần phải phân phối việc sạc điện ô tô theo thời gian và không gian. Bà cũng cho rằng các mạng lưới điện của Bỉ công suất mạnh và có thể đáp ứng các phương tiện này vào năm 2030 nhưng phải lập kế hoạch cho tương lai.
Một số giải pháp đã được xem xét cho năm 2040, khi dự kiến sẽ có 4 triệu phương tiện lưu thông ở Bỉ. Một trong số đó là các trạm sạc điện thông minh cho phép điều chỉnh dòng điện để tránh đỉnh công suất.
Hiện nay, ô tô điện có giá cao hơn ô tô chạy xăng. Với việc sản xuất hàng loạt và giá pin giảm, ô tô điện sẽ dễ tiếp cận hơn với công chúng.
Kể từ năm 2020, lĩnh vực ô tô đã được điện khí hóa. Ví dụ, hàng tỷ khoản đầu tư được lên kế hoạch để sản xuất pin tại Volkswagen. Opel có kế hoạch sản xuất 100% ô tô động cơ điện vào năm 2028. Theo tập đoàn Stellantis (sở hữu các thương hiệu Peugeot, Fiat), khả năng tương đương có thể đạt được trong khoảng thời gian từ 2025 đến năm 2030.
Giá xe ô tô chạy xăng sẽ tăng cùng với việc chính phủ ngày càng áp dụng nhiều hình phạt và tiền phạt đối với các nhà sản xuất khi để lượng khí thải CO2 quá nhiều. Việc rút thưởng trên bằng lái cũng được áp dụng để khuyến khích mọi người đổi phương tiện.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận