Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Vui lòng nhập Họ & Tên.
Jean Luc Mello là người đã "xúi" khởi nghiệp làm phim khi chị bước vào tuổi 60. Lần nào làm xong một phim, hai người cũng chỉ muốn bỏ, nhưng cứ phim này nối phim kia ra đời, theo cách mà họ không thể nào ngừng làm phim được.
Phim của Jean Luc Mello và Síu Phạm đầy tính suy tưởng, triết lý, tự do, phá vỡ cấu trúc phim truyền thống. Với ba phim Đó hay đây?, Homostratus, Con đường trên núi, đi qua ba miền Bắc - Trung - Nam, họ đã trình bày cảm nhận của mình về Việt Nam đương đại.
Để tiết kiệm kinh phí, Jean và Síu thường kiêm luôn vai trò diễn viên trong phim của mình. Trong điều kiện tự bỏ tiền ra làm phim, họ có rất nhiều cách thức độc đáo để đi đến cùng lựa chọn của mình.
* Chị gặp anh Jean Luc Mello trong hoàn cảnh nào?
- Trên một chuyến tầu từ Genève đến Lausanne, Thụy Sĩ, mùa đông tháng 2 năm 1983. Anh thấy tôi đang đọc cuốn Molloy của Samuel Beckett. Anh ấy ngạc nhiên vì một người phụ nữ Á đông đọc Beckett.
Cả hai đều thích nhất Samuel Beckett. Sau đó, anh ấy viết thư cho tôi và hai người viết thư qua lại. Mùa đông năm sau tuyết phủ, tôi tới nhà anh ấy... thế là xong chuyện.
* Khi gặp nhau, chị và Jean Luc Mello lúc đó đang làm nghề gì?
- Lúc đó tôi đang làm nghề bán văn phòng phẩm ở Papeterie Brachard (một địa chỉ nổi tiếng có từ đầu thế kỷ 20 - PV). Đây là công việc đầu tiên của tôi, khi từ Việt Nam đến Genève năm 1980.
Còn Jean Luc Mello thời điểm đó là người thuộc dự án của Chính phủ Thụy Sĩ, sang các nước nghèo hướng dẫn họ nghề in ấn. Anh ấy là một nhà Xã hội học thực tế, nghiên cứu thực địa.
* Chị đã từng kể, chính Mello xúi chị làm phim. Điều gì khiến hai người quyết định làm phim chung?
- Tôi lúc nào cũng thích làm phim. Ở Sài Gòn trước năm 1975, tôi đã phụ trách sản xuất phim tài liệu quảng bá du lịch với đạo diễn Lê Hoàng Hoa và đạo diễn Võ Doãn Châu. Lúc đó tôi là chuyên viên quảng cáo của Tổng cục Du lịch Sài Gòn.
Jean Luc Mello chỉ khuyến khích tôi thôi. Về sau khi làm dự án phim nào cũng muốn "bỏ xác trên chiến trường", vì quá khó khăn, quá hạn hẹp tiền, nên tôi đã nói là anh ấy "xúi trẻ ăn cứt gà".
* Vì sao cả hai khởi đầu bằng phim tài liệu?
- Vì không cần phải hỏi ai, cứ có cái máy camera nhỏ là vác đi quay, dựa vào những tư liệu quay được để viết ra kịch bản.
* Lý do gì khiến hai người quyết định về Việt Nam làm phim truyện?
- Năm 2004, đạo diễn Lưu Huỳnh làm phim Áo lụa Hà Đông có mời Helène Liễu làm phục trang. Helen Liễu là nhà tạo mẫu đầu tiên ở Việt Nam vào năm 1995, là em dâu của tôi. Sau đó, tôi là người bỏ việc ở Thụy Sĩ về Việt Nam phụ việc phục trang giúp cho Helen Liễu.
Tôi lên bản vẽ quần áo thời 1950, mua thỏi son vintage cho Trương Ngọc Ánh ở Paris, theo đoàn phim Áo lụa Hà Đông bốn tháng.
Đi theo đoàn, lần đầu tiên tôi biết đến Hội An. Trong lần ngồi chờ ủi đồ cho diễn viên trong một căn nhà nhỏ của bác chài lưới ven sông, tôi thấy cái nhà không có tiện nghi nhưng quá dễ thương.
Tôi nói đùa hỏi mua, bà già chủ nhà nói chỉ bán cho tôi, chứ sẽ không bán cho cô kia (Helen Liễu). Tôi đã viết mail hỏi Jean Luc, anh ấy nói mua đi mà không cần xem xét gì cả. Thế là mua, tôi cứ đi đi về về sửa nhà, mỗi năm ở đó độ ba tuần. Từ năm 2007 đến tháng 11-2009 thì về đó ở.
Síu Phạm và Jean Luc Mello ở Hội An làm "Đó hay đây?"
Ở căn nhà đó, chúng tôi đã từ từ viết ra truyện phim Đó hay đây?. Căn nhà sau trở thành bối cảnh của phim. Truyện phim phát sinh do việc quan sát và cảm nhận đời sống ở chung quanh.
Chẳng hạn như khi dân làng xây dựng cái miếu ở trước nhà, mình cứ ghi nhận các hình ảnh. Và các cảnh đó trở thành sợi dây liên lạc của hai vợ chồng nhân vật khi nhìn qua cửa sổ và bàn về thẩm mỹ của cái miếu.
Chúng tôi chọn làm phim truyện ở Việt Nam là lẽ đương nhiên, vì ngân sách làm phim rất rẻ, và các cộng sự viên sống chết có nhau, rất hăng say. Không có một nước nào trên thế giới có được tinh thần ấy.
* Đó hay đây?, Homostratus, Con đường trên núi là một bộ ba phim, ở đó nhà làm phim đã hoàn tất chuyến du hành Bắc – Trung – Nam. Hành trình này đã để lại trong chị và Jean Luc Mello những nghĩ suy gì?
- Trên toàn thế giới nơi nào cũng xảy ra một hiện tượng giống nhau là những nhà tư bản khổng lổ Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Nga... đang toàn cầu hóa theo một style của họ. 10 năm trước đấy, mọi người chưa dính sát mặt vào cái di động của mình, chưa check Facebook và Internet và đủ loại.
Ở Thụy Sĩ, họ đi từ radio, đến tivi, và máy rửa chén phải mất một thế kỷ. Họ có thời gian để thích nghi với sự thay đổi. Còn Việt Nam đang phát triển với một tốc độ kinh hoàng trong khoảng một, hai chục năm nay. Nên chúng ta chưa có nhiều thời gian thích nghi, việc giáo dục nhân văn, dân trí vì thế cũng không tốt.
Từ trái sang phải: Ảnh trong phim "Con đường trên núi", "Đó hay đây?", Homostratus.
Chúng tôi chỉ ghi nhận những thay đổi ấy trong đời sống thường nhật, một cách tự nhiên, bình thường. Chúng tôi không thương tiếc, không hoài niệm cái cũ, vì cái cũ cũng không có gì để thương tiếc. Chúng tôi cũng không phán đoán mà chỉ ghi nhận qua ba phim đã làm.
Tới Sài Gòn, Hội An, Nghĩa Lộ làm phim, chúng tôi đều cảm thấy sức sống mãnh liệt, sự can đảm, cách xoay xở để giải quyết khó khăn của người Việt Nam. Chúng tôi nhìn thấy trong cái can đảm, bươn chải đó chất thi ca.
* Hành trình đi tìm chất thơ dọc Bắc, Trung, Nam, chứng kiến những đổi thay chóng mặt ở khắp nơi trên đất Việt Nam, trái tim người nghệ sĩ cảm nhận được những gì?
- Một lần nữa đây không phải là hoài niệm, vì nó ngăn trở việc tôi hiểu những gì đang xảy ra. Con mắt tôi vẫn mở lớn trước cuộc đời dồn dập, bao quanh. Tôi có thể rất sung sướng cũng như rất khổ sở bực mình vì nhiều thứ.
Tôi quan tâm đến mọi người, đến những người thiếu thốn về vật chất cũng như về tinh thần. Tôi cũng giống dịch giả, nghệ sĩ, thi sĩ Dương Tường, người viết câu thơ "Tôi đứng về phe nước mắt".
Thi ca ở khắp nơi trong những hoàn cảnh tuyệt vọng nhất, trong những nỗi nhọc nhằn bức xúc nhất của con người, hay trong những tình cảm dung dị của con người.
Tôi nghĩ mình đang sống, đang bùi ngùi sống. Tôi cố gắng thể hiện cái bùi ngùi của một con người nhỏ bé, hạn hẹp qua những gì mình làm.
Thể hiện được hay không lại là một truyện khác, người khác cảm nhận được điều đó hay không cũng lại là một truyện khác nữa.
* Ý định về Việt Nam làm phim là của chị hay Jean Luc Mello? Nếu là của chị thì Jean Luc Mello đã chia sẻ với chị quyết định này thế nào?
- Giản dị lắm, vì Jean Luc đi theo tôi và tôi vẫn nghĩ tất cả là số mệnh. Tụi tui có thể đi bất cứ đâu. Đôi khi tôi còn cảm thấy nơi nào cũng giống nơi nào. Nhiều đêm giật mình không biết mình đang ở đâu. Nơi nào cũng phải trả lời được câu hỏi "để làm gì?"
* Điều gì ở Việt Nam khiến Jean Luc Mello cảm thấy muốn khám phá, làm phim ở đây?
- Jean Luc Mello không phải là một gã phiêu lưu, anh ấy là một kẻ tò mò. Sự tò mò này thúc đẩy anh ấy đến những cái xa lạ, không được biết trước.
Thụy Sĩ quá hoàn hảo, một nước mà ít người biết đến tên Tổng thống, cứ bốn năm thì có một cuộc bầu để cử bảy người điều khiển quốc gia, và họ chọn một tổng thống từ số bảy người ấy. Bốn năm thì bảy người ấy về vườn. Bất cứ người dân nào cũng có thể đề nghị ban hành một đạo luật, nếu anh ta thu thập được 100.000 chữ ký.
Jean Luc nói: "Đấy là đời sống...". Anh sợ mai mốt đây khi các thành phố lớn ở Việt Nam trở nên quy củ, hè đường sạch bóng với các cửa hiệu sang trọng, thường dân phải rời ra ngoại ô, ven biên…, họ sẽ mang đời sống theo họ. Và những nơi sang trọng, văn minh sẽ thiếu tình người.
* Trong Đó, hay đây? nhân vật Jean Luc Mello đóng có vẻ cô đơn, nhưng ông ấy dường như đã chứng tỏ rất biết cách hòa nhập với đời sống bản địa, thông qua cách chăm sóc nhang khói cho người đã khuất. Jean Luc Mello ở ngoài đời có phải người dễ hòa nhập với đời sống địa phương, nơi ông ấy mới đến?
- Jean Luc Mello học ngành Xã hội học. Anh biết chắc chắn là không thể hội nhập hoàn toàn vào một văn hóa khác biệt, nên tốt hơn hết là xác nhận sự khác biệt đó, nhưng không nghĩ là mình có gì "hay ho" hơn người bản xứ.
Phải xem phim tài liệu quay ở Hội An Sương mù trên đỉnh núi và giống tố ở đồng bằng mới thấy rõ điều này. Trong một căn nhà nhỏ bỏ hoang giữa cánh đồng, anh dùng làm xưởng vẽ, bên cạnh ruộng rau của một anh nông dân và gia đình bác ấy... Họ cầy cuốc bên cạnh, trong khi anh Jean Luc vẽ, và họ trở thành bạn thân.
Khi bố của anh nông dân chết, anh ta chạy qua báo tin cho Jean Luc. Jean Luc quay cảnh đám ma, rồi hai người lại chia sẻ một điếu thuốc hút thuốc bên những luống cầy.
* Ngoài làm phim, Jean Luc Mello còn đam mê với công việc nào nữa?
- Anh là họa sĩ, vẽ rất nhiều, anh cũng viết lách, làm bếp và thích rượu vang đỏ.
* Trong khi làm phim, anh chị chia sẻ công việc với nhau như thế nào? Thế mạnh của hai người?
- Câu hỏi này rất khó trả lời. Chúng tôi sống chung nên điểm lợi là bàn bạc về cách thực hiện một bộ phim bất cứ lúc nào. Có thể nói giống như khi chúng tôi mời khách, cả hai sẽ cùng làm và dàn xếp sao cho ổn thỏa để bữa tiệc thành công.
Jean Luc Mello vì không nói được tiếng Việt sẽ bắt buộc phải làm diễn viên hay phải chịu trách nhiệm phần kỹ thuật và phần hậu kỳ.
Chúng tôi giống như anh em nhà Cohen, hay cặp đôi Straub-Huillet, nghĩa nếu không có người này hay người kia, bộ phim sẽ không thành hình.
Đây là một đặc quyền ưu tiên vì công việc làm phim gồm rất nhiều thứ, rất phức tạp, cần chia sẻ, bàn bạc và quyết định. Điều này cũng thường mang lại những cuộc tranh cãi có thể đi đến ly dị, nhưng rồi hai người lại phải suy nghĩ lại và lại tiếp tục công việc và tiếp tục đời sống.
* Cảnh Jean Luc Mello giữa một dàn vận động viên múa dưới nước trong phim Đó hay đây? được biết là cảnh anh chị quay trước khi bắt tay vào viết kịch bản phim. Chị có thể chia sẻ thêm về cách tư duy cảnh trước khi làm kịch bản và cách thức chuẩn bị những cảnh quay này?
- Thật ra cảnh quay này rất giản dị, chúng tôi đã có sẵn một truyện phim thô sơ, tôi nghĩ một ông già trước khi chết mong muốn có những cô gái trẻ đẹp bao quanh, nhưng không thể nào cho các cô diễn viên nước ngoài đến Việt Nam và múa trong dòng sông trước nhà ở Hội An.
Chúng tôi điện thoại cho một câu lạc bộ bơi nghệ thuật ở Lausanne, và xin được quay cảnh ấy ở hồ bơi. Chúng tôi nói với bà Giám đốc câu lạc bộ là diễn viên sẽ chết chìm giữa các cô gái. Và đây là một cái chết rất đẹp, bà ấy bằng lòng giúp đỡ.
* Mẹo để tiết kiệm chi phí khi làm phim độc lập?
- Cần phải nói phim độc lập đúng nghĩa là phim không tùy thuộc vào kỹ nghệ điện ảnh. Không có nhà sản xuất tìm tiền đầu tư. Chúng tôi bắt buộc trở thành những người thợ thủ công.
Có kỹ nghệ điện ảnh nào dám đầu tư vào một nữ đạo diễn hơn 60 tuổi trở về nước làm phim đầu tay? Thủ công nghệ không có nghĩa là phải hay hơn kỹ nghệ.
Tôi chỉ muốn nói mình đang ở trong một hệ thống sản xuất nhỏ bé mà ở đó tình bằng hữu với lòng đam mê điện ảnh là chủ yếu, là quan trọng nhất.
14 người làm việc chia sẻ kinh nghiệm sáng tạo, vất vả từng đồng một với nhau là một chuyện khác hẳn với 100 người với những hợp đồng điều khoản này nọ mà không quen biết nhau, và phải cần rất nhiều người điều hành thì việc mới chạy.
Chúng tôi không chú trọng đến việc tiết kiệm. Chúng tôi tiêu nhiều hơn mức tiêu bình thường bởi chúng tôi làm việc với số tiền mà chúng tôi sở hữu. Và nếu có một phim khiến tôi kiếm được tiền thì đấy là một ơn huệ, như một trái cherry trên cái bánh gateau.
Bởi nếu làm phim để có thể mang lại lợi nhuận thì phải làm phim với kỹ nghệ điện ảnh. Họ biết làm phim như làm bất cứ làm một sản phẩm nào trên thị trường tiêu thụ. Và họ sẽ không bao giờ hỏi đến tôi.
* Quan điểm nghệ thuật của Síu Phạm và Jean Luc Mello?
- Chúng tôi rất đang hoang mang trước lãnh vực nghệ thuật hiện nay. Mỗi người đều như đang mang một phần nghệ thuật trong đời mình, và hệ thống toàn cầu thúc đẩy ai cũng "sáng tạo" và trở nên nghệ sĩ...
Và mọi người đều đi trên con đường ấy, với những "tiếng kêu đầy xúc động" một cách chủ quan và trải rộng điều ấy ra với tất cả những phương tiện hiện đại. Chẳng hạn mọi người đều quay phim, chụp ảnh với điện thoại di động của mình, và phổ biến trên các mạng xã hội.
Điều này khiến hàng triệu người không hề biết nhau nhưng cùng xem một loại hình ảnh, cùng nghe một điệu nhạc, cùng xăm mình giống nhau.
Theo tôi muốn là nghệ sĩ phải nói lên được một điều gì vượt lên trên, ra khỏi những diễn đạt chủ quan, cá nhân. Điều này trở nên khan hiếm.
Thời nay, biết bao nhiêu tác phẩm văn chương mà các nhà văn đang kể truyện đời mình, hơn thế nữa, coi mình như những nạn nhân của một sự việc nào đó, mà thị trường đám đông lại chuộng điều ấy.
Theo tôi, điều này thúc đẩy việc bất cứ điều gì cũng có thể khiến mọi người bị tổn thương, hay dễ bị tổn thương. Do đó mỗi người phải tự chăm sóc mình, tập trung vào bản thân mình. Các vấn đề thiết yếu đều là những vấn đề lớn mà con người nhỏ bé của chúng ta thật chẳng có gì đáng kể.
Nghệ sĩ phải là người nhìn ra trước các vấn đề, và xúc động về những vấn đề ấy trong tuyệt vọng. Họ là một túi nước mắt trước những cảnh tượng phi lý của loài người và của cuộc đời nói chung.
Nếu chỉ là tính toán theo mốt thì những nghệ sĩ sẽ trở thành những tay buôn tài năng.
* Sau khi làm bộ ba phim tại Việt Nam anh chị còn cảm hứng để thực hiện tiếp các bộ phim tại Việt Nam?
- Hiện nay chúng tôi đang sửa soạn quay Thiên đường ngỏ. Kể từ lần làm phim đầu tiên, đến sau này, mỗi lần xong một phim tôi thề sẽ không bao giờ làm nữa... Nhưng mọi chuyện trên đời này không phải muốn là được.
* Hiện anh chị chọn sống ở Việt Nam hay đi đi về về giữa Việt Nam và Pháp?
- Vâng, chúng tôi đã rời Hội An, sau khi sống ở đấy bảy năm. Bây giờ là ở hẳn Thụy Sĩ, chỉ về Việt Nam để làm việc, nếu có việc.
* Nhu cầu cuộc sống của Síu Phạm và Jean Luc Mello?
- Chúng tôi chỉ có những nhu cầu đơn giản, điều này khiến chúng tôi được tự do để suy nghĩ đến những thứ khác.
* Cảm ơn anh chị về cuộc trò chuyện. Chúc anh chị sẽ có thêm nhiều chuyến viễn du mới và những bộ phim hay nối tiếp ra đời!
Vui lòng nhập Tên hiển thị
Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Mật khẩu không đúng.
Thông tin đăng nhập không đúng.
Tài khoản bị khóa, vui lòng liên hệ quản trị viên.
Có lỗi phát sinh. Vui lòng thử lại sau.
Nhập mã xác nhận
Đóng lạiVui lòng nhập thông tin và ý kiến của bạn
XThêm chuyên mục, tăng trải nghiệm với Tuổi Trẻ Sao
Từ ngày 1-1-2023, Tuổi Trẻ Online giới thiệu Tuổi Trẻ Sao - phiên bản đặc biệt dành riêng cho các thành viên với nhiều chuyên mục và trải nghiệm thú vị, bao gồm: Tư vấn pháp luật, Hỏi chuyện sức khỏe; Xem nhật báo sắc nét trên mạng (E-paper), Tuổi Trẻ Live (trực tiếp các sự kiện thời sự nóng bỏng, hấp dẫn).
Tuổi Trẻ Sao được thiết kế thông thoáng với tất cả các trang, chuyên mục và video đều không có quảng cáo hiển thị, không làm ngắt quãng sự tập trung của bạn đọc.
Bằng cách đóng góp Sao, thành viên Tuổi Trẻ Sao có thể tham gia các hoạt động và tương tác trên nền tảng Tuổi Trẻ Online như tặng Sao cho tác giả và các bài viết yêu thích, đổi quà lưu niệm trong chương trình, đăng ký quảng cáo, mua sắm trực tuyến.
Báo Tuổi Trẻ phát triển Tuổi Trẻ Sao nhằm từng bước nâng cao chất lượng nội dung, tăng khả năng kết nối, tương tác và thực hiện các nội dung mới theo nhu cầu của số đông công chúng.
Chúng tôi hy vọng Tuổi Trẻ Sao sẽ góp phần chăm sóc, phục vụ và mang lại những trải nghiệm mới mẻ, tích cực hơn cho cộng đồng độc giả của Tuổi Trẻ Online.
TTO
Tuổi Trẻ Sao
Thông tin tài khoản ngày
Tài khoản được sử dụng đến ngày | Bạn đang có 0 trong tài khoản
1 sao = 1000đ. Mua thêm sao để tham gia hoạt động tương tác trên Tuổi Trẻ như: Đổi quà lưu niệm, Tặng sao cho tác giả, Shopping
Tổng số tiền thanh toán: 0đ
Thanh toán
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận