07/03/2018 09:44 GMT+7

Duyên nợ của Mỹ với Cam Ranh

QUỲNH TRUNG
QUỲNH TRUNG

TTO - Vịnh Cam Ranh thể hiện tầm quan trọng chiến lược và có một lịch sử phức tạp khi nơi này từng in dấu của những cường quốc hải quân hùng mạnh nhất trên thế giới, trong đó có Mỹ.

Duyên nợ của Mỹ với Cam Ranh - Ảnh 1.

Tàu tác chiến gần bờ USS Coronado của hải quân Mỹ cập cảng Cam Ranh ngày 5-7-2017 - Ảnh: TRUNG TÂN

Đây là chuyến đi lịch sử dành cho tôi. Tôi là Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đầu tiên thăm Việt Nam kể từ khi kết thúc chiến tranh

(Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta phát biểu trên tàu tiếp tế USNS Richard E. Byrd đang được bảo trì trong vịnh Cam Ranh)

Vịnh Cam Ranh có vị trí chiến lược đáng kể nên từ thời Pháp thuộc, người Pháp đã dùng nơi đây làm căn cứ hải quân ở Đông Dương. 

Khi Nhật Bản mở cuộc bành trướng thời Chiến tranh thế giới thứ hai thì vịnh Cam Ranh lại được trưng dụng làm địa điểm chuẩn bị cho cuộc tấn công Malaysia năm 1942. 

Mỹ quay lại Cam Ranh sau 38 năm

Trong cuộc chiến tranh Việt Nam, Cam Ranh trở thành căn cứ quan trọng của hải quân Hoa Kỳ và hải quân Việt Nam cộng hòa.

Sau khi hai miền Bắc - Nam thống nhất, cảng Cam Ranh được dùng làm căn cứ hải quân quan trọng của hạm đội Thái Bình Dương của Liên Xô trong bối cảnh Chiến tranh lạnh giữa Liên Xô và Hoa Kỳ. 

Chính phủ Xô viết chính thức ký năm 1978 một thỏa thuận với Việt Nam để thuê hải cảng này trong thời gian 25 năm. Cuối thập niên 1980 Liên Xô tan vỡ, Chính phủ Nga nhận kế thừa hợp đồng đó cho tới năm 1993.

Một hiệp định mới cho phép Nga tiếp tục có mặt tại Cam Ranh còn các chiến cụ và quân nhân được rút về Nga, chỉ còn lại nhân viên kỹ thuật tình báo. Ngày 2-5-2002, lá cờ Nga được hạ xuống lần cuối cùng tại căn cứ Cam Ranh.

Cam Ranh từng là căn cứ quân sự của Mỹ trong tám năm dưới chính quyền Sài Gòn từ 1965-1972. Năm 1965, sau sự kiện vịnh Bắc Bộ, chính quyền Việt Nam cộng hòa đã cho phép Mỹ sử dụng Cam Ranh (Khánh Hòa) làm căn cứ quân sự.

Trong khoảng tám năm đóng quân ở đây, Mỹ đã chi khoảng 300 triệu USD để xây dựng Cam Ranh thành căn cứ quân sự và hậu cần "bất khả xâm phạm" cho lực lượng hải - lục - không quân. Căn cứ này cũng chính là bàn đạp để Mỹ đánh phá miền Bắc Việt Nam.

Tại đây, Mỹ đã xây dựng căn cứ không quân gồm một sân bay với hai đường băng có chiều dài hơn 3.000m dùng cho máy bay hiện đại, một sân bay dùng cho trực thăng và hệ thống đường sá với tổng chiều dài 260km. 

Cam Ranh còn có kho chứa máy bay trong lòng núi, đường băng dài để phục vụ máy bay quân sự cỡ lớn như máy bay ném bom chiến lược B-52.

Quân cảng này còn có nhiều kho nhiên liệu, kho đạn, xưởng đại tu xe tăng, hệ thống rađa hiện đại, hệ thống thông tin liên lạc qua Thái Lan, Philippines bằng cáp ngầm xuyên biển.

Theo đánh giá của các chuyên gia quốc tế, Cam Ranh là cảng nước sâu tự nhiên tốt nhất tại khu vực Đông Nam Á, có thể đón nhiều loại tàu lớn (gồm cả tàu sân bay). 

Với địa thế kín đáo không bị gió bão và dễ phòng thủ, cách Trường Sa khoảng 250 hải lý, vịnh Cam Ranh là quân át chủ bài có vị trí chiến lược hiểm yếu đối với bàn cờ Biển Đông.

Năm 1966, Tổng thống Mỹ Johnson đã tới thăm Cam Ranh và đây cũng là chuyến thăm đầu tiên của một tổng thống Mỹ tới Việt Nam. 

Hơn 38 năm sau, tháng 8-2011, tàu tiếp liệu đạn dược và đồ khô USNS Richard E. Byrd, thuộc hạm đội 7 của lực lượng hải quân Mỹ đã trở thành tàu đầu tiên của hải quân Mỹ trở lại Cam Ranh.

Gần một năm sau đó, ngày 3-6-2012, ông Leon Panetta đã trở thành Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đầu tiên thăm vịnh Cam Ranh kể từ khi kết thúc chiến tranh vào năm 1975. 

Ông Panetta cho biết chuyến thăm vịnh Cam Ranh của ông là biểu tượng cho thấy hai quốc gia đã tiến xa như thế nào kể từ khi bình thường hóa quan hệ cách đấy 17 năm.

Khi trả lời báo chí tháp tùng ông đến Cam Ranh, ông Panetta cho hay Mỹ mong muốn được tiếp cận cảng Cam Ranh nhiều hơn nữa. 

"Mỹ sẽ thảo luận với các đối tác như Việt Nam để có thể sử dụng các hải cảng như cảng này khi chuyển các tàu chiến của chúng ta ở bờ biển phía tây đến đồn trú ở khu vực này của Thái Bình Dương", ông Panetta nói.

Tôn trọng "3 không" của Việt Nam

Khi Tổng thống Obama thăm Việt Nam vào tháng 5-2016 và thông báo Mỹ chính thức dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận bán vũ khí sát thương cho Việt Nam cùng nhiều chỉ dấu khác như Washington liên tục đưa nhiều tàu hải quân Mỹ đến neo đậu và thăm cảng quốc tế Cam Ranh, nhiều cơ quan truyền thông và chuyên gia quốc tế đã đồn đoán về khả năng Mỹ quay lại Cam Ranh thiết lập căn cứ quân sự.

Tuy nhiên, tại một diễn đàn ở Trung tâm nghiên cứu chiến lược (CSIS) ở Washington tháng 6-2016, cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius đã chính thức bác bỏ thông tin này. 

Đại sứ Osius tái khẳng định Mỹ không muốn đặt căn cứ quân sự tại Việt Nam vì Mỹ tôn trọng chính sách quốc phòng "3 không" của Việt Nam: không tham gia các liên minh quân sự, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự tại Việt Nam, không dựa vào nước này để chống nước kia.

Theo đại sứ Osius, nếu điều kiện cho phép thì Mỹ có thể sẽ sử dụng các dịch vụ trả phí ở cảng quốc tế Cam Ranh, trong đó có dịch vụ tiếp dầu hay sửa chữa như tàu của Singapore và Nhật Bản đã làm. 

Cảng quốc tế Cam Ranh, kể từ khi khánh thành vào tháng 3-2016, đã tiếp đón nhiều tàu hải quân các nước đến bảo trì, sửa chữa. 

Cảng này có thể tiếp nhận 18 tàu cùng lúc và 185 tàu mỗi năm, bao gồm tàu sân bay tải trọng 110.000DWT và là cảng đầu tiên tại Việt Nam thiết kế cho phép neo đậu tàu trong điều kiện gió bão đến cấp 8.

Tháng 4-2017, tạp chí The Economist nhận định Việt Nam đang sử dụng cảng Cam Ranh để đa dạng hóa quan hệ với các nước.

Cảng Cam Ranh đã tiếp nhận nhiều tàu đến từ các quốc gia, trong đó có Mỹ, Trung Quốc và hai tàu khu trục thuộc lực lượng phòng vệ hàng hải Nhật Bản.

Ông John McCain thăm "di sản của cha" ở Cam Ranh

1 (1)camranh 4(read-only)

Thượng nghị sĩ John McCain thăm tàu khu trục USS John S. McCain (DDG 56) tại Cam Ranh - Ảnh: Hải quân Mỹ

Ngày 2-6-2017, sau cuộc đón tiếp của Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại Hà Nội, thượng nghị sĩ John McCain đã bay vào Cam Ranh để thăm tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke USS John S. McCain (DDG 56) đang đậu tại cảng Cam Ranh được đặt theo tên cha và ông của mình, vốn là đô đốc hải quân Mỹ.

Ông nói: "Chúng tôi hi vọng sự hiện diện của USS John S. McCain là biểu tượng cho sự hòa giải giữa Mỹ và Việt Nam, cũng như nhắc nhở các đồng minh và kẻ thù của chúng ta về cam kết lâu dài của Hoa Kỳ tại khu vực".

___________________________________

Kỳ tới: Vũ khí Mỹ và nhu cầu Việt Nam

QUỲNH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên