Đây là nhấn mạnh của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến tại lễ phát động Tháng hành động quốc gia về dân số (tháng 12), tổ chức ngày 9-12. Chủ đề của năm nay là “Duy trì mức sinh thấp hợp lý - Vì sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước”.
Sau hơn 50 năm thực hiện đường lối, chính sách về dân số, kế hoạch hóa gia đình, công tác dân số đã đạt được những kết quả quan trọng.
Số con trung bình của mỗi cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ đã giảm từ 6,4 con năm 1960 xuống còn 2,1 con vào năm 2013, tỉ lệ tăng dân số bình quân năm giảm từ 3,5% năm 1960 xuống còn 1,05% năm 2013.
Tuổi thọ bình quân của người dân tăng từ 40 tuổi năm 1960 lên 73 tuổi năm 2013.
Tuy nhiên, thách thức cả về quy mô dân số, cơ cấu dân số, chất lượng dân số ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển bền vững của đất nước.
Chẳng hạn, dù cả nước đã đạt mức sinh thay thế từ năm 2006, tức là trung bình mỗi cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ có 2 con và duy trì liên tục đến nay, nhưng mức sinh vẫn biến động khó lường theo từng vùng.
Có nhiều khu vực, mức sinh giảm quá thấp, như khu vực thành thị có mức sinh đạt 1,77 con/phụ nữ vào năm 2010 và 1,86 năm 2013; vùng Đông Nam Bộ chỉ đạt 1,68 con/phụ nữ năm 2010 và 1,83 con/phụ nữ năm 2013.
Nếu duy trì mức sinh này, sẽ dẫn đến việc dân số suy giảm, thiếu nguồn lao động, giai đoạn cơ cấu dân số vàng ngắn lại, già hóa dân số diễn ra nhanh… gây bất lợi đối với sự phát triển kinh tế-xã hội.
Song, nếu để mức sinh tăng trở lại, tổng tỉ suất sinh có thể lên tới 2,3-2,5 con/phụ nữ, thì đến năm 2050 quy mô dân số nước ta ước tính ở mức quá cao, khoảng 130-140 triệu người. Điều này sẽ gây ra áp lực lớn đối với sự phát triển kinh tế-xã hội và cơ cấu nhân khẩu học của đất nước.
Hiện nay, số con trung bình của mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở nước ta đã đạt mức sinh thay thế là 2,1 con.
Việt Nam đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, với trên 62 triệu người trong độ tuổi lao động, nhưng đồng thời cũng bắt đầu bước vào thời kỳ già hóa dân số với số người từ 60 tuổi trở lên chiếm 10,5% dân số.
Do đó, chủ động duy trì mức sinh thấp hợp lý (Từ 1,9-2,0 con/phụ nữ) là hết sức quan trọng.
Khi đó, sẽ là một cơ cấu dân số hợp lý nhất, đảm bảo sự cân đối, hài hòa giữa các độ tuổi, duy trì tương đối ổn định tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động, kéo dài giai đoạn cơ cấu “dân số vàng”, làm chậm thời gian chuyển đổi từ giai đoạn “già hóa dân số” sang “dân số già”.
Để đạt được mục tiêu trên, cần tuyên truyền cho người dân về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về dân số, kế hoạch hóa gia đình; triển khai đồng bộ các loại hình cung cấp dịch vụ và nâng cao chất lượng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình cho nhân dân, đặc biệt là các địa bàn khó khăn trong cả nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận