Nói vậy không chỉ bởi mái ấm hạnh phúc, với hai “thiên thần nhỏ” một trai một gái mà Duy Bằng - Ngọc Tâm dày công chăm sóc bảy năm qua, mà còn bởi công việc làm giờ đây của họ gắn chặt với tiếng cười trẻ thơ.
Những thầy cô giáo “chân dài”
Đó là công tác “gõ đầu trẻ” tại lớp thể dục có cái tên rất “kêu”: “lớp thể dục kích thích phát triển chiều cao” do chính Ngọc Tâm thành lập từ một năm qua ở trung tâm thể thao Hoa Lư (TP.HCM).
Anh Hoàng Quốc Hùng, phụ huynh có hai con nhỏ đang sinh hoạt tại lớp học, chia sẻ một cách thú vị: “Tôi thi thoảng đi tập thể dục ở đây nên từ lâu đã ấn tượng với cái tên rất lạ của lớp học và chiều cao đáng nể của hai thầy cô đứng lớp (Duy Bằng - Ngọc Tâm). Sẵn hai con tôi cũng khá chậm phát triển chiều cao nên tôi cho ra đây học luôn”. Rất nhiều phụ huynh có cùng suy nghĩ như anh Hùng, và đó cũng là lý do mà Ngọc Tâm mở lớp.
Nữ VĐV có thân hình của một người mẫu với chiều cao 1,74m chia sẻ: “Tôi sinh ra trong gia đình mà cha mẹ, anh chị đều khá tầm thước. Khi nhỏ tôi cũng rất ốm yếu và chỉ bắt đầu cao lên sau khi tập chơi những môn thể thao như bóng chuyền, bóng rổ... Từ đó tôi rút ra được kinh nghiệm rằng thể thao đóng vai trò rất lớn trong việc phát triển chiều cao, thể hình của trẻ em và muốn chia sẻ kinh nghiệm này cho mọi người”. Lớp thể dục kích thích phát triển chiều cao ra đời từ đó.
Tất nhiên, lớp thể dục của đôi vợ chồng cựu VĐV được mở với mục đích chính là kế sinh nhai, nhưng không hề vì thế mà nó trở nên xô bồ, chụp giật. Trái lại, bằng sự nhiệt tình và yêu trẻ của người cha, người mẹ đích thực, Duy Bằng - Ngọc Tâm biến lớp học trở thành mái ấm gia đình thứ hai của mình, với những “đứa con” trong mọi độ tuổi, từ mẫu giáo cho đến cả... đang luyện thi đại học. Ngoài hai vợ chồng, Ngọc Tâm còn mời thêm một số bạn học, đàn em vốn là giảng viên tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm TDTT về đứng lớp chung với mình. Nhờ có chuyên môn sư phạm bài bản, các thầy cô “chân dài” tạo ra một sân chơi nhộn nhịp đầy ắp tiếng cười cho trẻ nhỏ.
Chị Phương Lan, phụ huynh bé Thành Nhân (11 tuổi), chia sẻ: “Tôi cho con học ở đây đã hơn nửa năm. Ban đầu cũng muốn xem thử hiệu quả của lớp học thì quả thật, sau hơn nửa năm, con tôi có cao thêm được 4cm. Nhưng dần dà tôi thấy việc tăng chiều cao cũng không phải là quan trọng nhất. Con tôi trước đây vốn chậm chạp ù lì, nhưng bây giờ linh hoạt hơn hẳn và rất yêu thích không khí rộn ràng, cởi mở của lớp học. Hè này tôi muốn cho gia đình đi du lịch thì cháu nằng nặc đòi phải tránh giờ học với thầy Duy Bằng”.
Ổn định cuộc sống nhờ nghề “gõ đầu trẻ”
Hình ảnh kỳ lạ nhất tại lớp học này có lẽ là ở Nguyễn Duy Bằng, người từng chinh phục kỷ lục nhảy cao 2,25m của làng điền kinh VN. Không đứng lớp đều đặn như vợ, Duy Bằng lên lớp hai, ba lần một tuần vì còn bận công tác huấn luyện ở bộ môn điền kinh thuộc Sở VH-TT&DL TP.HCM. Nhưng cứ đến mỗi giờ học là những bé trai lại nhao nhao hỏi: “Thầy Bằng bữa nay có dạy không cô?”. Thật sự, với những ai từng quen biết một Duy Bằng luôn nổi tiếng là nóng nảy thời còn là VĐV sẽ không khỏi ngạc nhiên với hình ảnh của một “bảo mẫu” tận tâm hiện tại của anh bên những đứa trẻ.
Sở hữu thân hình cao to, đồ sộ với chùm râu cằm khá “ngầu”, cựu VĐV có chiều cao 1,85m này không thể đứng lớp một cách hoạt bát, tươi vui như vợ mình. Nhưng thay vào đó, anh lại mang đến một bầu không khí sôi động cho các trẻ nhỏ, chủ yếu là các nam sinh với những môn thể thao ngoài giờ. Nhờ sự hỗ trợ của trung tâm thể thao Hoa Lư, cứ mỗi khi sân bóng rổ, sân banh trống là Duy Bằng lại dắt học trò ra thi đấu, tạo nên một cuộc chơi nhộn nhịp. Anh tâm sự: “Từ sau khi lập gia đình và có con, tâm tính tôi đằm hẳn. Công việc dạy trẻ ở đây rất dễ dàng vì tôi vốn quen chăm con, trái lại lớp học này cũng giúp vợ chồng tôi có nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống gia đình”.
Bài bản, nhiệt tình như vậy nên không lạ sau khi tròn một năm thành lập, lớp học thể dục của Duy Bằng - Ngọc Tâm giờ đây kín lịch trong tuần với hơn 200 học sinh. Cuộc sống của cặp uyên ương nổi tiếng làng thể thao một thời vì thế cũng đỡ đi sự khốn khó, nặng nhọc. Duy Bằng cho biết anh vừa chính thức giải nghệ thi đấu nhảy cao từ đầu năm, và cũng nghỉ luôn công việc tay trái là dạy quần vợt để tập trung vào việc đứng lớp cùng vợ và công tác huấn luyện môn nhảy cao ở đội tuyển điền kinh TP.HCM.
Còn Ngọc Tâm chia sẻ: “Cách đây không lâu, gia đình chúng tôi hầu như không có được một mái nhà để ở, đôi lúc cũng thấy buồn cho hai con của mình. Nhưng hiện tại vợ chồng tôi vừa mua được căn hộ chung cư trả góp khá tiện nghi”. Và như thế, cuộc sống của đôi uyên ương nổi tiếng làng thể thao VN ngày càng hạnh phúc hơn bên nụ cười của trẻ thơ.
[box]Sân chơi “đa năng”
Với thể hình tốt và khả năng chơi được nhiều môn thể thao (Duy Bằng từng là giáo viên dạy quần vợt), Duy Bằng và Ngọc Tâm còn thường xuyên chỉ dẫn các học trò của họ chơi bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, bơi lội... trong lớp học. Đây đều là những môn thể thao có tác động tích cực đến việc phát triển chiều cao.Bác sĩ Dương Thị Kim Loan, trưởng khoa dinh dưỡng Bệnh viện Thống Nhất, cho biết vận động chi phối khoảng 20% sự phát triển chiều cao và là một trong ba yếu tố quan trọng nhất, bên cạnh dinh dưỡng và di truyền trong việc phát triển chiều cao.[/box]
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận