29/08/2016 09:41 GMT+7

“Đút túi” của rơi, xử ra sao?

YẾN TRINH - TIẾN LONG (yentrinh@tuoitre.com.vn)
YẾN TRINH - TIẾN LONG ([email protected])

TTO - Nhiều người khi thấy tài sản của người khác bỏ quên đã vô tư “đút túi”, coi đó là của mình. Trong nhiều trường hợp, hành động này dẫn đến vi phạm pháp luật.

Hình minh họa: DAD

Sáng 13-8, anh Đ.T.L. (ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) sau khi uống cà phê ở một quán tại Q.1 đã bỏ quên một máy tính cá nhân trị giá 14 triệu đồng. Gần 13g, anh quay lại tìm với hi vọng có người nhặt được và gửi lại cho nhân viên quán.

Nhặt của rơi không trả

Anh L. thất vọng vì chiếc máy tính của mình đã không còn ở đó. Hình ảnh trích xuất từ camera của quán cho thấy có một thanh niên khi thấy anh L. để quên máy tính đã nhắc nhưng anh L. đi vội nên không nghe.

Đến 12g không thấy anh L. quay lại, người này đã mang chiếc máy tính rời khỏi quán.

Anh L. bức xúc: “Lẽ ra người này nên gửi lại cho nhân viên quán thay vì nảy sinh lòng tham lấy luôn như vậy. Chưa nói về giá trị cái máy, biết bao nhiêu tài liệu công việc trong đó bị mất, giờ tôi không biết phải làm sao...”.

Cách đây vài ngày, cháu gái tên Hồng của bà T.A.N. (ngụ Q.Gò Vấp) khi đi học về đã khoe nhặt được chiếc điện thoại iPhone “xịn” trước cổng trường.

Hỏi sao không tìm cách trả lại cho người đánh rơi, Hồng hồn nhiên: “Cháu nhặt được thì nó là của cháu chứ. Với lại nếu trả cũng đâu biết của ai mà trả!”. Bà N. phải thuyết phục mãi, Hồng mới hứa sáng mai sẽ lên trường hỏi xem ai đánh rơi thì trả lại.

Đòi tiền chuộc

Đầu tháng 8, chị T.P. (ngụ Q.3) khi đi mua sắm ở một trung tâm thương mại đã bỏ quên chiếc túi xách, trong đó có tiền cùng nhiều giấy tờ quan trọng.

Ba ngày sau, chị P. nhận được điện thoại của một người lạ cho biết đã nhặt được giấy tờ (CMND, giấy phép lái xe, thẻ tín dụng...) và đòi chị chuộc với giá 3 triệu đồng. Vì không muốn mất thời gian làm lại giấy tờ, chị P. đồng ý.

“Tôi băn khoăn không biết đó có phải là người nhặt được túi xách của tôi, hay chỉ là người vô tình nhặt giấy tờ sau khi đã bị người khác lấy tiền trong túi xách rồi quăng đi. Dù sao lấy lại được giấy tờ là mừng rồi” - chị P. nói.

Từ lâu có một “thông lệ” tồn tại là người đi đường khi gặp của rơi, dù liền lúc đó chủ tài sản xuất hiện nhưng những người này không đồng ý trả lại hết tài sản. Họ buộc chủ tài sản phải “cưa đôi” hoặc theo tỉ lệ “coi được một chút”, ví dụ nhặt được 10 triệu thì đòi chia 1-2 triệu đồng.

Chủ tài sản phải bấm bụng mất một khoản tiền vì “lấy lại được bao nhiêu hay bấy nhiêu, còn hơn mất trắng”.

Có thể đi tù

Luật sư Võ Xuân Trung, Đoàn luật sư TP.HCM, cho biết điều 187 BLDS quy định người nào phát hiện tài sản của người khác đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc trả lại ngay cho chủ sở hữu.

“Nếu không biết ai là chủ sở hữu thì phải thông báo hoặc giao nộp UBND xã, phường, thị trấn hoặc công an cơ sở gần nhất hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật” - luật sư Trung nói.

Theo luật sư Nguyễn Thạch Thảo - Đoàn luật sư TP.HCM, trong tình huống của anh L., người thanh niên đã chiếm giữ máy tính của anh L. bất hợp pháp có thể bị xử phạt hành chính theo điều 15 nghị định 167/2013 với mức phạt tiền 2-5 triệu đồng; hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chiếm giữ trái phép theo quy định của điều 141 BLHS, mức phạt từ cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Đó là chưa kể trường hợp nhặt được tài sản do người khác tẩu tán nhằm che giấu hành vi vi phạm pháp luật hoặc trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ dân sự, người phát hiện sẽ gặp rắc rối nếu không thông báo hoặc không giao nộp cho cơ quan chức năng.

Về việc có nên nhờ người làm chứng khi phát hiện tài sản người khác đánh rơi, các luật sư cho biết nếu người nhặt được tài sản trả trực tiếp cho chủ sở hữu thì pháp luật không quy định phải có người làm chứng. Vấn đề này nằm ở sự tin tưởng lẫn nhau.

Tuy nhiên, người nhặt được tài sản có thể yêu cầu có người làm chứng hoặc yêu cầu chủ sở hữu viết giấy nhận lại tài sản để tránh rủi ro về sau.

Trong trường hợp chị P. bị đòi tiền chuộc, luật sư Thảo cho biết nếu số tiền đòi chuộc dưới 5 triệu đồng, người đòi tiền chuộc có thể bị xử phạt hành chính theo điều 15 nghị định 167/2013 với mức phạt 2-5 triệu đồng về hành vi chiếm giữ trái phép tài sản của người khác.

Nếu số tiền đòi chuộc từ 5 triệu đồng trở lên, người đòi tiền chuộc có thể bị xử lý hình sự theo điều 141 BLHS về tội chiếm giữ tài sản trái phép.

Các chuyên gia luật cũng lưu ý trường hợp người nhặt được tài sản là máy tính, điện thoại và đe dọa chủ sở hữu rằng sẽ phát tán những hình ảnh nhạy cảm trong máy tính, điện thoại nếu chủ không chuộc lại.

“Hành vi này có thể bị xem xét xử lý về tội cưỡng đoạt tài sản được quy định ở điều 135 BLHS. Theo đó, người nào đe dọa dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản có thể bị phạt tù từ 1-5 năm.

Ngoài ra, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng” - luật sư Thảo nói.

Khi nào được “đút túi”?

Theo các luật sư, điều 241 BLDS quy định sau một năm kể từ ngày thông báo công khai về vật nhặt được mà không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận, nếu vật có giá trị đến 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định thì vật đó thuộc sở hữu của người nhặt được.

Nếu vật có giá trị lớn hơn 10 tháng lương tối thiểu thì sau khi trừ chi phí bảo quản, người nhặt được sẽ hưởng giá trị bằng 10 tháng lương tối thiểu và 50% giá trị của phần vượt quá 10 tháng lương đó. Phần còn lại thuộc Nhà nước.

Trường hợp vật nhặt được là di tích lịch sử, văn hóa, người nhặt cũng phải thông báo cho UBND xã, phường hoặc công an cơ sở gần nhất hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác.

Sau một năm kể từ ngày thông báo mà không xác định được chủ sở hữu hoặc không có người đến nhận thì vật đó thuộc Nhà nước. Người nhặt sẽ hưởng một khoản tiền thưởng theo quy định pháp luật.

Các chuyên gia luật lưu ý nhằm tránh những phiền toái về mặt pháp lý, khi nhặt được tài sản của người khác nên tìm mọi cách trả lại cho chủ sở hữu.

Trong trường hợp vì quá bận rộn không thể liên lạc với cơ quan có thẩm quyền để giao nộp thì người phát hiện của rơi cần giao nộp tài sản cho chính nơi đã nhặt được (siêu thị, quán ăn, cơ quan, công ty...) để gửi trả cho chủ sở hữu.

Cơ quan chức năng khi tiếp nhận tài sản do người dân trình báo cũng nên thông báo rộng rãi và tạo điều kiện tốt nhất cho người mất tài sản nhận lại tài sản của mình, tránh gây khó khăn, rườm rà thủ tục.

“Có như thế mới khuyến khích người dân khi nhặt được tài sản đánh rơi sẽ tích cực hơn trong việc trình báo với cơ quan chức năng” - luật sư Thảo nói.

YẾN TRINH - TIẾN LONG ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên