02/02/2015 08:31 GMT+7

​Đứt gân gót do gãy cái gai

BS NGUYỄN TRỌNG ANH  (Trung tâm Y học thể thao và nội soi khớp ASMC)
BS NGUYỄN TRỌNG ANH (Trung tâm Y học thể thao và nội soi khớp ASMC)

TT - Một bệnh nhân đến phòng khám gặp bác sĩ với cái gót bầm tím, sưng, đau và đi lại khó khăn. Anh kể là đang chạy bình thường đột nhiên có cảm giác như ai ném cục đá vào gót chân mình.

Ngày hôm trước anh chơi bóng đá với bạn bè, đang chạy bình thường đột nhiên có cảm giác như ai ném cục đá vào gót chân mình. Sau đó anh phải ngừng chơi và cố đi cà nhắc về nhà.

Trước đây, anh đã đến phòng khám chữa chứng đau gót chân mãn tính, có gai gót khi chụp X-quang, và anh đã được khuyến cáo hạn chế chạy nhảy thể thao, tập những bài tập kéo căng gân gót mỗi ngày và khởi động kỹ trước khi chạy nhảy thể thao.

Khi khám, bác sĩ thấy phần gót của anh bị sưng, tím bầm, ấn đau và cái gân gót bình thường như sợi dây thừng căng, to đùng ngay dưới da, đã bị chùng. Cái gai gót đã bị rứt rời khỏi xương gót.

Bệnh nhân đã được nhập viện phẫu thuật lấy cục xương gai gót và may lại gân gót vào xương bình thường. Anh phải mất bốn tuần đeo nẹp đợi gân gót lành và tập phục hồi bốn tháng mới chạy nhảy, chơi lại môn thể thao yêu thích.

Gân gót hay còn gọi là gân Achilles là một cái gân lớn và mạnh nhất trong cơ thể người. Nó chịu lực rất lớn khi đi lại, chạy nhảy, nhất là vùng tiếp giáp gân bám vào xương.

Ở những người đi bộ nhiều, chạy nhảy hay thừa cân, hoặc ở người lớn tuổi khi gân cơ đã bị suy yếu, gân gót sẽ bị chịu tải nhiều chỗ bám vào xương làm đóng vôi trong gân hay mọc gai xương gót.

Đây là điểm yếu của gân gót và cái gai là xương bất thường, rất yếu, cho nên chỉ cần chạy nhảy nhiều hay một động tác mạnh đột ngột có thể làm đứt gân hay gãy cái gai, ngay vị trí gân bám vào xương.

Để tránh tình trạng gân gót bị đứt phải phẫu thuật, mất thời gian phục hồi và làm gián đoạn công việc hay môn thể thao mình yêu thích, các bạn phải biết lắng nghe cơ thể và xử trí đúng cách tình trạng đau gót chân, hoặc đi bác sĩ khám và điều trị sớm, tránh đến khi gân gót bị yếu do viêm mãn tính hay có gai gót.

Ngoài ra, tập kéo căng gót chân mỗi ngày, khởi động kỹ trước khi chạy nhảy, chơi thể thao là cách tốt nhất để bảo vệ gân gót của mình, được coi là yếu huyệt của chàng lực sĩ Achilles trong thần thoại Hi Lạp ngày xưa.

BS NGUYỄN TRỌNG ANH (Trung tâm Y học thể thao và nội soi khớp ASMC)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: gót chân bác sĩ