BS Tăng Hà Nam Anh khám cho bệnh nhân bị đứt dây chằng chéo trước khớp gối do đá banh - Ảnh: Hoàng Thạch Vân |
"Đứt dây chằng chéo trước hay bị bỏ qua vì sau khi bị đứt bệnh nhân vẫn đi lại được tốt" |
Đầu tiên chúng ta cần biết dây chằng chéo trước khớp gối. Đây là một trong bốn dây chằng chủ yếu để giữ vững khớp gối mà cụ thể là giữ cho mâm chày không bị chạy ra trước và giữ cho khớp gối không bị mất vững xoay.
Không biết cách té
Dây chằng chéo trước hay bị đứt trong các trường hợp gối bị xoay trong khi cổ chân được cố định (chống chân, xoay người), gối bị vẹo ngoài do bị chơi xấu đạp từ ngoài, trường hợp này hay kèm theo rách dây chằng bên trong, gối ưỡn quá mức do cú sút hụt banh. Như vậy có thể thấy dây chằng chéo trước bị đứt là do chấn thương xoay, ưỡn gối quá mức và không liên quan đến... diện tích sân cỏ.
Tuy nhiên, số lượng người chơi đá banh nghiệp dư trên các sân cỏ nhân tạo bị đứt dây chằng chéo trước khá nhiều, chủ yếu là vì số lượng người chơi nhiều, người chơi nghiệp dư không biết cách té ngã khi bị chấn thương, khi tiếp đất sau khi nhảy lên cao.
Tiếp đến, đứt dây chằng chéo trước hay bị bỏ qua vì sau khi bị đứt bệnh nhân vẫn đi lại được tốt. Sau một thời gian nghỉ ngơi vài tuần họ vẫn thấy tự đi lại được nên hay nghĩ khớp gối bình thường. Thậm chí có người vẫn mang băng gối đi đá banh tiếp dù thỉnh thoảng vẫn bị sụm té nhưng cứ nghĩ rằng do vấp té. Một số cẩn thận hơn đi khám bệnh nhưng thỉnh thoảng vẫn được kết luận là giãn dây chằng nên an tâm đi đá banh tiếp.
Khái niệm giãn dây chằng chéo trước rất mơ hồ và theo thiển ý chúng tôi thì khái niệm này không tồn tại. MRI đôi khi đánh lừa bác sĩ bằng việc cho hình ảnh dây chằng chéo trước còn liên tục dù đã mất hình ảnh căng của dây chằng, hoặc đôi khi MRI cho hình ảnh đứt bán phần dây chằng do tăng tín hiệu bên trong dây chằng vì phù nề mặc dù dây chằng vẫn còn nguyên.
Tái tạo dây chằng chéo trước
Việc khám để chẩn đoán đứt dây chằng chéo trước không quá khó khăn. Chỉ cần lắng nghe bệnh nhân tả cơ chế chấn thương, các lần sụm té...
Khám nghiệm pháp Lachman và pivot shift là đã có thể chẩn đoán được đứt. Khám kỹ lâm sàng cho phép đánh giá mức độ mất vững của khớp gối, hướng mất vững, các tổn thương dây chằng khác kèm theo. MRI sẽ giúp bác sĩ đánh giá các thương tổn trong khớp gối, đặc biệt là tổn thương sụn, sụn chêm để xem có thể khâu sụn chêm, ghép sụn xương tự thân cho tổn thương sụn... những điều mà khám lâm sàng khó đánh giá được.
Phẫu thuật tái tạo dây chằng chéo trước cho đến nay gần như đã được thực hiện qua nội soi, hiếm thấy bác sĩ nào còn mổ mở vì những ưu điểm vượt trội của nội soi khớp. Có nhiều phương pháp mổ tái tạo dây chằng chéo trước.
Bảo hiểm y tế cũng đã chi trả khá cao cho phẫu thuật tái tạo dây chằng chéo trước vốn dĩ đã rất phổ biến trong ngành chấn thương chỉnh hình hiện nay.
Các bệnh viện công lớn ở TP.HCM và một số bệnh viện tỉnh lân cận TP.HCM đều thực hiện được kỹ thuật này. Điều quan trọng là bệnh nhân cần tìm hiểu kỹ thông tin ở từng bệnh viện, bảo hiểm y tế mình có, điều kiện tài chính và niềm tin để chọn cho mình một bệnh viện thích hợp.
Đứt dây chằng chéo trước không phải là một cấp cứu khẩn cấp nên bệnh nhân có thời gian để suy nghĩ và quyết định nơi mình sẽ phẫu thuật. Trang thiết bị, dụng cụ ở VN cũng rất đầy đủ nên không cần thiết phải đi nước ngoài chữa trị. Tỉ lệ thành công khoảng 85-90% cho các bệnh nhân chơi thể thao nghiệp dư.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận