1 tuần mới biết… đứt dây chằng
Nguyễn Tiến Ngọc Quý hiện là vận động viên tài năng của tuyển bóng ném TP.HCM dù tuổi đời còn rất trẻ. Nhưng một chấn thương dây chằng nặng đã khiến anh tưởng chừng đánh mất sự nghiệp.
Ngọc Quý gặp phải chấn thương trong một buổi tập. Một pha bật nhảy và tiếp đất sai đã tác động lên đầu gối, khiến anh cảm thấy rất đau. "Khi đó tôi đã nghĩ tới chuyện đứt dây chằng rồi. Nhưng lúc đi chụp chiếu thì bác sĩ nói dịch đầu gối ra nhiều, hình ảnh chụp được rất mờ nên không thể đưa ra chẩn đoán chính xác. Lúc đó tôi đành đi về", Quý chia sẻ.
Tuần sau đó, nỗi lo của anh trở thành sự thật. Quý được chẩn đoán đứt dây chằng chéo trước và được chỉ định phẫu thuật. Đây là loại chấn thương gây ám ảnh với nhiều VĐV vì cần rất nhiều thời gian để hồi phục.
Quá trình mổ và điều trị bằng vật lý trị liệu của Nguyễn Tiến Ngọc Quý kéo dài khoảng 3 tuần. Sau thời gian đó, anh đã có thể đi lại bình thường nhưng chưa được phép tập luyện, thi đấu.
Quá trình hồi phục thần kỳ
Sau 3 tuần điều trị, Quý chuyển sang Phòng Khoa học và Y học thể thao (thuộc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT TP.HCM) để tiếp tục hồi phục. Người chịu trách nhiệm chính cho việc hồi phục sau chấn thương cho Quý là bà Lê Trần Thủy Tiên, một HLV hồi phục sau chấn thương lâu năm của phòng.
Nhờ kinh nghiệm của mình, bà Tiên đã đưa ra hướng dẫn, các bài tập phù hợp để giúp Quý hồi phục nhanh chóng. Chỉ khoảng 3 tuần tại Phòng Khoa học và Y học thể thao, Quý đã có thể ra sân tập hồi phục chuyên môn. Lúc này ngoài các bài tập theo giáo án của bà Tiên, Quý còn được giám sát bởi chính HLV của mình là ông Tăng Quý Minh.
Thật ra, ông Minh cũng là một trong những HLV thuộc bộ phận khoa học huấn luyện làm việc toàn thời gian ở Phòng Khoa học và Y học thể thao. Song song đó, ông còn là HLV của đội bóng ném U18, U20 và trợ lý cho đội tuyển bóng ném TP.HCM. Do đó Quý cũng chính là học trò của ông Minh.
Nhờ nắm được chuyên môn của bóng ném và cả kiến thức về chấn thương, ông Minh góp phần không nhỏ để giúp Quý có thể sớm trở lại sân tập.
"Tôi khá bất ngờ khi mình hồi phục nhanh như vậy. Bây giờ ngoài việc hồi phục tại Phòng Khoa học và Y học thể thao, tôi cũng đã có thể ra sân tập luyện. Những bài tập của tôi lúc này mới chỉ là tập về tay như ném bóng, tập cảm giác bóng. Tôi chưa được phép vận động mạnh ở vùng chân, chắc phải 1 hoặc 2 tháng nữa. Nhưng được trở lại sân tập sớm như thế này tôi đã thấy vui lắm rồi", Nguyễn Tiến Ngọc Quý cho biết.
Đề phòng chấn thương gối khi chơi bóng ném
Nghe đến bóng ném, không ít người nghĩ rằng môn này dùng tay nhiều nên dễ dẫn đến chấn thương tay. Dù vậy, ông Tăng Quý Minh lại đưa ra nhận định khác sau thời gian làm việc tại Phòng Khoa học và Y học thể thao.
Theo đó, vùng đầu gối mới là nơi dễ chấn thương hơn so với tay. Ông Minh lý giải: "Bóng ném không chỉ đứng yên một chỗ rồi ném. Thay vào đó, người chơi còn phải chạy, nhảy nhiều trong quá trình tập luyện, thi đấu. Do đó, một cú tiếp đất sai khi giậm nhảy rất dễ gây tổn thương đầu gối".
Trường hợp chấn thương dây chằng chéo trước của Nguyễn Tiến Ngọc Quý là ví dụ khá rõ. Nhằm tránh chấn thương, ông Minh đưa ra lời khuyên cho người chơi: "Người chơi bóng ném ngoài tập chuyên môn cần luyện các bài tập chân, tăng sức mạnh bổ trợ cho phần thân để cơ thể khỏe mạnh. Khi các bộ phận của cơ thể đều nhau thì nguy cơ chấn thương cũng được giảm thiểu".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận