31/10/2012 04:14 GMT+7

Đường vừa làm xong đã nứt

DUY THANH
DUY THANH

TT - Đường nội đồng ở xã Sông Cầu, huyện Khánh Vĩnh - một trong những xã điểm của chương trình xây dựng nông thôn mới tại Khánh Hòa - vừa làm xong đã bị nứt chằng chịt.

JaoKpIhi.jpgPhóng to

Những vết nứt ngang mặt đường bêtông ximăng của đường nội đồng số 10 thuộc xã Sông Cầu (huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa) - Ảnh: DUY THANH

Trên con đường số 10 dài hơn 810m vừa được nghiệm thu ngày 23-7, chúng tôi đếm được tổng cộng 31 vết nứt ngang các thớt bêtông, có vết nứt rộng 3-4cm, hầu hết được trám bằng vữa nhưng nay đang bong tróc. Còn con đường số 11 dài chưa tới 480m, nghiệm thu ngày 13-8, cũng có 16 vết nứt ngang và phần lớn được trám.

Theo UBND xã Sông Cầu, hai con đường số 10 và 11 đều được khởi công ngày 19-4 (kinh phí đầu tư gần 3 tỉ đồng), phục vụ vận chuyển mía và các loại nông sản khác cho dân. Công trình được thực hiện theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm, người dân đóng góp 10% giá trị mỗi công trình bằng việc hiến đất và không nhận đền bù cây cối, hoa màu giải phóng mặt bằng.

Ông Thái Văn Hào, một người dân sống ven đường số 11, cho biết: “Các thớt bêtông của con đường vừa làm xong vài ngày là chúng tôi đã thấy xuất hiện những vết nứt ngang rồi. Khi đường sắp được nghiệm thu, đơn vị thi công đã dùng vữa trám các vết nứt lại, lấy nước ximăng quét lên nên nếu đi lướt qua rất khó phát hiện. Nhưng chỉ sau một tháng con đường được nghiệm thu thì vữa ra vữa mà nứt ra nứt, không thể giấu giếm được”.

Chiều 29-10, khi được đưa xem hình ảnh hàng loạt vết nứt lớn nhỏ trên hai con đường, ông Nguyễn Thu - chủ tịch UBND xã Sông Cầu, chủ đầu tư hai đường trên - không giấu được bất ngờ. “Thú thật là khi nghiệm thu công trình, chúng tôi không thấy các vết nứt này và hai đơn vị giám sát thi công đều ký đảm bảo về chất lượng công trình” - ông Thu nói.

Ông Ngô Quốc Tuấn - cán bộ kỹ thuật của Công ty TNHH Nguyên Hùng - thừa nhận con đường số 10 do đơn vị ông thi công xuất hiện nhiều vết nứt phải trám, thậm chí phải bóc cả bảy thớt bêtông để làm lại do không thể khắc phục được. Về nguyên nhân, ông Tuấn cho rằng: “Theo quy định thì bêtông ximăng sau khi đổ 7-10 ngày mới được sử dụng, nhưng khi chúng tôi đổ khoảng 3-4 ngày thì một số xe tải vận chuyển mía chạy lên gây nứt. Mặt khác, có những lúc đang đổ dở bêtông thì trời mưa, công trường phải nghỉ 1-2 giờ, khi đổ tiếp thì giữa lớp bêtông mới và cũ không kết dính tốt”.

Trong khi đó, ông Huỳnh Tấn Thành - giám đốc Công ty TNHH Nguyên Hùng - nói do thời gian thi công công trình gấp gáp (khoảng ba tháng) nên nền đường dù có lu lèn vẫn chưa bù được lún, đồng thời thiết kế phần bêtông ximăng chỉ dày 15cm, trong khi chiều dài mỗi thớt bêtông là 5m dễ gây nứt ngang mặt đường. Riêng ông Hứa Thành Trí - quản lý Công ty TNHH Thành Tiến, thi công đường số 11 - lại nói: “Do đường bêtông ximăng loại này làm không có sắt nên vết nứt ngang đường là vì bêtông co giãn, đó là điều bình thường!”.

Sáng 30-10, ông Lê Văn Hoa - phó chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh - khẳng định: “Trách nhiệm trong việc này thuộc về chủ đầu tư là UBND xã Sông Cầu. Huyện sẽ chỉ đạo xã kiểm tra, báo cáo cụ thể hiện trạng và hướng khắc phục các hư hỏng của hai con đường”.

DUY THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên