Tại nhà máy vừa xuất khẩu được đường vào Mỹ - Ảnh: P.TRANG
Sau các sản phẩm sữa chế biến, đường trở thành mặt hàng thực phẩm tiếp theo có mặt tại một trong những thị trường khó tính nhất thế giới dù VN được đánh giá không có thế mạnh về mặt hàng này.
Tận dụng cơ hội vào Mỹ
Đại diện Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa (SBT) xác nhận việc xuất khẩu lô hàng đầu tiên sang Mỹ với khối lượng 29 tấn. Theo vị này, đợt xuất khẩu đầu tiên kể trên chủ yếu để thăm dò thị trường.
Để có thể xuất lô hàng này vào Mỹ, đơn vị này đã phải trải qua nhiều quá trình phức tạp. Trong đó, yêu cầu bắt buộc là mặt hàng đường phải đạt được giấy chứng nhận của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA).
Các sản phẩm của SBT cũng phải chứng minh được sản xuất bằng công nghệ châu Âu với các tiêu chuẩn nghiêm ngặt.
"Nắm được nhu cầu Mỹ muốn tiếp cận nguồn cung cấp khác thay vì phụ thuộc vào Mexico như hiện tại, chúng tôi đã mạnh dạn sản xuất nguồn hàng phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của thị trường này", đại diện SBT cho biết.
Theo các chuyên gia nông nghiệp, Mỹ là một trong những nước nhập khẩu đường lớn nhất thế giới với tổng mức tiêu thụ lên đến 12 triệu tấn/năm.
Nước này nhập khẩu đường từ hơn 40 quốc gia trên thế giới thông qua chương trình nhập khẩu đường, trong đó Mexico cung cấp khoảng 1/3.
Tuy nhiên, sau các tranh cãi về thương mại đường từ đầu năm 2017, nhiều nhà nhập khẩu đường của Mỹ có ý định chuyển hướng tìm nguồn đường thay thế nguồn hàng từ Mexico.
Trước SBT, chưa có doanh nghiệp VN nào xuất khẩu được đường vào thị trường này và đây là cơ hội để ngành đường VN có thể vươn ra thế giới trong thời gian tới.
Giá thành sẽ quyết định
Theo Hiệp hội Mía đường VN (VSSA), hiện nay chất lượng đường sản xuất trong nước đã đạt các yêu cầu khắt khe của các thị trường khó tính trên thế giới như châu Âu hay Mỹ. Vì vậy, đường VN đủ tiêu chuẩn để vươn ra toàn cầu.
Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi là giá cả để cạnh tranh. "Giảm giá thành là một vấn đề rất lớn và đòi hỏi nhiều chính sách từ Nhà nước, bản thân các doanh nghiệp mía đường cũng không giải quyết được. Để xuất khẩu đường trở thành một mặt hàng có doanh số lớn vẫn còn chờ thời gian" - ông Nguyễn Hải, phó chủ tịch VSSA, cho hay.
Theo VSSA, trong các năm qua các doanh nghiệp trong nước cũng xuất khẩu đường đi nhiều quốc gia trên thế giới nhưng với doanh số còn khá khiêm tốn.
Cụ thể, trong năm 2017, VN đã xuất khẩu đường đi gần 30 quốc gia với doanh số trên 20 triệu USD. Một trong những nguyên nhân đường VN xuất khẩu đi chưa nhiều là do giá thành sản xuất đường của VN còn khá cao so với các nước xuất khẩu.
Tại hội nghị bàn giải pháp tiêu thụ mía đường niên vụ 2017-2018 vào cuối tháng 5 vừa qua, các doanh nghiệp sản xuất mía đường cho biết giá thành đường của Thái Lan thấp hơn VN không phải do những điều kiện về thổ nhưỡng, khí hậu hay cơ giới hóa (những vấn đề này ngành mía đường VN khá tương đồng với Thái Lan) mà do Thái Lan có chính sách hỗ trợ, như hỗ trợ mua điện từ bã mía, chính sách miễn giảm thuế đầu tư công nghệ chế biến mía đường...
Các chính sách nói trên đã góp phần khiến Thái Lan thành nước xuất khẩu đường lớn thứ hai thế giới.
Ông Phạm Hồng Dương, phó chủ tịch VSSA, cho biết ngành mía đường VN cần những chính sách hỗ trợ thiết thực để giảm giá thành.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng cần đầu tư nâng cấp công nghệ và công suất. "VN cần ít nhất 2-3 năm nữa để chuẩn bị những điều kiện cạnh tranh với hàng của Thái cũng như xuất khẩu vào các thị trường khác" - ông Dương nói.
Cần xuất khẩu vì cung vượt cầu
Theo VSSA, sau thời gian dài nguồn cung không đủ cầu, 5 năm trở lại đây sản xuất đường trong nước đã đạt khoảng 1,6 triệu tấn đường vào niên vụ 2016-2017, vượt cầu. Đó là chưa kể một lượng đường lậu rất lớn tiêu thụ trong nước.
Ngoài ra, mỗi năm VN nhập khẩu hàng trăm ngàn tấn đường theo cam kết với WTO. Vì vậy, việc tìm thị trường xuất khẩu là hướng đi tất yếu và là giải pháp phát triển ngành mía đường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận