18/11/2020 09:44 GMT+7

Đường ven biển cú hích phát triển du lịch

ĐÔNG HÀ
ĐÔNG HÀ

TTO - Đường ven biển của Bà Rịa - Vũng Tàu dài gần 80km, nối thị trấn Long Hải đến huyện Xuyên Mộc. Trong khi đó, đường ven biển của Bình Thuận, đoạn thuộc huyện Hàm Tân, giáp với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, chưa hình thành.

Đường ven biển cú hích phát triển du lịch - Ảnh 1.

Resort ở thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ kinh doanh tốt hơn nếu giao thông ven biển hoàn chỉnh - Ảnh: Đ.HÀ

Nếu có đường ven biển kết nối từ Cái Mép - Thị Vải, qua Vũng Tàu sang các huyện Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc và kết nối với quốc lộ 51, 55, trong tương lai kết nối với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sẽ tạo thành chuỗi liên kết cảng - khu công nghiệp - khu du lịch.

Ông Kiều Anh Mận (tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư tư vấn giao thông tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)

Do đó, hiện nay không thể đi từ Bà Rịa - Vũng Tàu sang Bình Thuận bằng đường ven biển. Đoạn qua huyện Hàm Tân phải qua quốc lộ 55, sau đó rẽ về La Gi rồi mới vào đường ven biển của Bình Thuận.

Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, từ khi có đường ven biển vào năm 2005 đến nay, hàng chục khu du lịch cao cấp đã mọc lên. Đường ven biển thật sự là "cú hích" cho ngành du lịch. Có thể kể đến những đoạn dọc đường ven biển của Bà Rịa - Vũng Tàu có các khu du lịch, nghỉ dưỡng đẳng cấp như: Đèo Nước Ngọt, thị trấn Phước Hải, Hồ Tràm, Hồ Cốc…

Theo quan sát, đường ven biển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có nhiều đường cong, góc chuyển hướng lớn, bán kính nhỏ. Ngoài ra, vào các dịp lễ, tết, cuối tuần, lưu lượng xe chạy dọc con đường ven biển nhất là ở các khu vực có khu du lịch, nghỉ dưỡng khá đông. Cùng với sự phát triển các khu dân cư hai bên đường, tại một số điểm trên đường này cũng phát sinh nguy cơ mất an toàn giao thông.

Ông Kiều Anh Mận, tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư tư vấn giao thông tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết để đường ven biển của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát huy tính kết nối du lịch, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế du lịch, rất cần mở rộng, nâng cấp, sửa chữa đường ven biển. 

Cụ thể, theo khảo sát của công ty này, những điểm cần nắn tuyến, mở rộng hiện nay là đoạn qua xã Lộc An, khúc cua ở khu nghỉ dưỡng Hồng Phúc và nắn thẳng đoạn cuối tuyến ở xã Bình Châu. Đáng chú ý, ông Mận cũng đề xuất trong tương lai, đường ven biển hiện hữu cần được nối vào đường Trường Sa (TP Vũng Tàu) để đi qua Gò Găng, Long Sơn đến các khu công nghiệp dầu khí, và nối thẳng đến khu cảng Cái Mép - Thị Vải.

Một doanh nghiệp làm du lịch ở Xuyên Mộc cho biết rất tiếc hiện nay, đường ven biển của Bà Rịa - Vũng Tàu chưa thể liên thông với đường ven biển của Bình Thuận. Nếu đường ven biển của hai tỉnh là một dải liền mạch, chắc chắn ngành du lịch biển của cả hai tỉnh sẽ có những cú hích mạnh.

Ngoài ra, theo ông Kiều Anh Mận, đường 328 (tức đường 998) và đường 329 (tức đường 999) cũng cần được kết nối sang Đồng Nai và Bình Thuận. Bởi trong tương lai, theo quy hoạch sẽ có quốc lộ kéo từ miền Tây lên TP.HCM, qua Bà Rịa - Vũng Tàu, rồi sang Bình Thuận để ra miền Trung. Những con đường 998 và 999 này nếu kéo dài sẽ nối vào quốc lộ dự kiến trên.

Khấm khá từ đường ven biển

Ông Nguyễn Hữu Trung - phó giám đốc Sở GTVT Bình Thuận - cho biết đường độc đạo hiện nay để liên kết giữa địa phương với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là quốc lộ 55. Điểm giao nhau trên quốc lộ 55 giữa hai địa phương thuộc xã Thắng Hải, huyện Hàm Tân (Bình Thuận) và xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu).

Ông Trung thông tin thêm, Thủ tướng đã phê duyệt quốc lộ 55 đoạn từ thị xã La Gi đến giáp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là tuyến ven biển chiến lược qua địa bàn. Cũng tại vùng giáp ranh giữa hai địa phương, Bình Thuận đã phê duyệt thêm một tuyến đi sát với biển hơn. Tuyến đường ven biển mới này sau khi hoàn thành có độ dài khoảng 30km, điểm đầu từ thị xã La Gi. Mục tiêu của tuyến đường ven biển mới này là để phục vụ cho các dự án ven biển, trong đó có du lịch.

Ông Trần Văn Bình - phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Thuận - khẳng định, nếu các đường ven biển giữa hai địa phương nâng cấp và hình thành sẽ mang lại giá trị rất lớn về mọi mặt. Ông Bình cho rằng những tuyến đường ven biển rất đẹp, có giá trị cao hơn so với các tuyến còn lại. Nó mở ra cơ hội khai thác tiềm năng của du lịch biển, cơ hội cho những người dân sống ven biển từ trước đến nay nâng cao hơn.

"Du khách ai cũng muốn trải nghiệm cung đường duyên hải. Nếu giữa Bình Thuận với Bà Rịa - Vũng Tàu có thêm một con đường ven biển mới, du khách sẽ có thêm lựa chọn cho hai sản phẩm du lịch cùng một chuyến đi. Đường ven biển sẽ hỗ trợ cho du lịch là chuyện chắc chắn không phải bàn cãi nữa" - ông Bình phân tích.

Nói thêm về giá trị của tuyến đường ven biển, ông Bình chia sẻ: "Không chỉ trong nước mà hầu hết trên thế giới, những đường ven biển vẫn giá trị nhất, đẹp nhất, được nhiều người thích nhất".

ĐỨC TRONG

Mời bạn đọc tham gia Diễn đàn kết nối hạ tầng giao thông vùng Đông Nam Bộ Mời bạn đọc tham gia Diễn đàn kết nối hạ tầng giao thông vùng Đông Nam Bộ

TTO - Đâu là những lợi ích, và chia sẻ lợi ích đồng đều giữa các địa phương, như cầu Cát Lái20 năm chờ đợi, hay các tuyến đường cao tốc, bến phà... nối liền các tỉnh thành?

ĐÔNG HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên