25/12/2023 10:55 GMT+7

Đường về miền Tây đã gần hơn

Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, khu vực các tỉnh miền Tây được quy hoạch sáu tuyến cao tốc với tổng chiều dài khoảng 1.166km, quy mô 4-6 làn xe.

Quy hoạch các tuyến cao tốc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - Đồ họa: N.KH.

Quy hoạch các tuyến cao tốc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - Đồ họa: N.KH.

Cầu Mỹ Thuận 2 được thiết kế, thi công, giám sát hoàn toàn là của Việt Nam. Chúng ta đã có những nhà thầu hoàn toàn có thể làm chủ công nghệ, tự làm được những cầu dây văng như nhà thầu Trung Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính

Ngày 24-12, Bộ Giao thông vận tải phối hợp với hai tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long tổ chức lễ khánh thành, thông xe cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ. Đây là hai hợp phần quan trọng của cao tốc Bắc - Nam phía đông, giúp việc đi lại giữa các tỉnh miền Tây với TP.HCM được thuận tiện hơn, rút ngắn thời gian di chuyển từ TP.HCM - Cần Thơ xuống chỉ còn khoảng hai giờ đồng hồ.

Sau khi tuyến cao tốc này hoàn thành, kết hợp với tuyến TP.HCM - Trung Lương, Trung Lương - Mỹ Thuận và cầu Mỹ Thuận 2 sẽ tạo thành tuyến cao tốc hoàn chỉnh từ TP.HCM đi TP Cần Thơ, phá thế độc đạo của tuyến quốc lộ 1. Trong tương lai, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ sẽ nối tiếp với đường dẫn cầu Cần Thơ 2 và đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.

Bà con đỡ vất vả, vui lắm!

Như vậy, tuyến cao tốc từ TP.HCM về miền Tây đã chính thức được nối dài thêm 23km (từ Mỹ Thuận về đến sát cầu Cần Thơ) và mang lại niềm vui rất lớn cho hơn 20 triệu người dân miền Tây.

Ngày 24-12, khi Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa phát lệnh chính thức thông xe cầu Mỹ Thuận 2 thông qua điểm cầu truyền hình trực tiếp từ sân bay Điện Biên, hàng trăm người dân hai bên cầu Mỹ Thuận 2 thuộc hai tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long liền tranh thủ chạy xe máy lên cầu để "tận mắt xem cầu lớn như thế nào" và chụp hình lưu niệm.

Trên chiếc xe máy, ông Nguyễn Hiệp Hòa (72 tuổi) chở theo hai người em gái của mình là bà Nguyễn Thị Bích Thu (60 tuổi) và bà Nguyễn Thị Bích Chi (52 tuổi) lên cầu Mỹ Thuận 2 ngay ngày đầu khánh thành. Ông Hòa cho biết cả ba anh em sống tại xã Hòa Hưng (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang). 

Từ ngày công trình cầu Mỹ Thuận 2 khởi công, ông Hòa cùng các em gái thường xuyên theo dõi tiến độ qua báo đài. Thỉnh thoảng giờ nào rảnh hoặc có việc đi ngang công trường, ông thường đứng lại ngắm công trình ngàn tỉ ngay trên mảnh đất của ông cha mình từng sống.

"Dù trước đó đã có một cây cầu Mỹ Thuận rồi nhưng khi biết đây là cây cầu do chính người Việt Nam mình thiết kế thi công, tôi cảm thấy tự hào lắm. Chỉ mong đến một ngày được đặt chân lên chiếc cầu càng sớm càng tốt. Giờ thì mong muốn đã thành sự thật rồi", ông Hòa nói.

Bên kia cầu Mỹ Thuận 2, bờ phía tỉnh Vĩnh Long cùng ngày cũng đang diễn ra buổi lễ thông xe tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ. Có mặt chứng kiến lễ ông Lê Minh Hoàng (64 tuổi, ngụ phường Tân Hội, TP Vĩnh Long) chia sẻ: "Cầu và cao tốc thông suốt bà con đỡ vất vả, vui lắm. Cảm ơn các anh công nhân, kỹ sư đã miệt mài làm việc để có hai công trình này".

Đặc biệt, các doanh nghiệp đang làm ăn tại vùng đất này càng phấn khởi vì tới đây việc thông thương sẽ mở ra thêm nhiều cơ hội. Theo ông Nguyễn Phước Thành - chủ doanh nghiệp sản xuất gạo ở Vĩnh Long, tin tưởng hai công trình cầu và cao tốc được thông xe sẽ giúp các doanh nghiệp của tỉnh làm ăn thuận lợi hơn.


Cầu Mỹ Thuận 2 nối hai tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ chính thức thông xe vào sáng 24-12 - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Cầu Mỹ Thuận 2 nối hai tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ chính thức thông xe vào sáng 24-12 - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Tự tin nhìn đến năm 2030

Riêng tại các tỉnh miền Tây, theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, khu vực này được quy hoạch sáu tuyến cao tốc với tổng chiều dài khoảng 1.166km, quy mô 4-6 làn xe.

Trong đó có ba tuyến cao tốc dọc với tổng chiều dài khoảng 575km gồm:

- Cao tốc Bắc - Nam phía đông dài 245km gồm các đoạn Bến Lức - Trung Lương (40km), Trung Lương - Mỹ Thuận (51km), cầu Mỹ Thuận 2 (7km), Mỹ Thuận - Cần Thơ (dài 23km), cầu Cần Thơ 2 và đường dẫn (dài 15km) và Cần Thơ - Cà Mau dài 109km.

- Cao tốc Bắc - Nam phía tây dài 180km gồm các đoạn Đức Hòa - Thạnh Hóa (33km), Thạnh Hóa - Tân Thạnh (16km), Tân Thạnh - Mỹ An (25km), Mỹ An - Cao Lãnh (26km), Cao Lãnh - Lộ Tẻ (29km) và Lộ Tẻ - Rạch Sỏi (51km).

- Cao tốc TP.HCM - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng có tổng chiều dài 150km.

Ba tuyến cao tốc ngang với tổng chiều dài khoảng 591km bao gồm:

- Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài 191km.

- Cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu dài 212km.

- Cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh dài 188km.

Đến thời điểm hiện tại đã hoàn thành và đưa vào khai thác theo quy mô giai đoạn 1 (bốn làn xe) với tổng chiều dài 194km gồm các đoạn tuyến cao tốc: Bến Lức - Trung Lương dài 40km (cao tốc này chính là TP.HCM - Trung Lương nhưng tính từ Bến Lức thuộc địa phận miền Tây, không tính gần 2km thuộc TP.HCM), Trung Lương - Mỹ Thuận dài 51km, Cao Lãnh - Lộ Tẻ dài 29km, Lộ Tẻ - Rạch Sỏi dài 51km và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ dài 23km.

Trong đó, đoạn Cao Lãnh - Lộ Tẻ hiện tổ chức giao thông hỗn hợp, đoạn Lộ Tẻ - Rạch Sỏi sử dụng mặt đường láng nhựa để chờ lún. Bộ Giao thông vận tải đang tiếp tục đầu tư để khai thác theo quy mô cao tốc hai đoạn cao tốc này.

Hiện có tám dự án đường cao tốc đang thực hiện thi công và hoàn thiện các thủ tục đầu tư để triển khai bảo đảm cơ bản hoàn thành trong giai đoạn 2021 - 2025, đưa vào khai thác toàn bộ các dự án trong năm 2026 với tổng chiều dài 463km, tổng mức đầu tư khoảng 94.400 tỉ đồng.

Như vậy, đến năm 2026, khu vực miền Tây sẽ có khoảng 554km đường cao tốc, các tuyến cao tốc còn lại sẽ được đầu tư trong giai đoạn 2026 - 2030.

Tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ chính thức khánh thành, thông xe vào sáng 24-12 - Ảnh: CHÍ HẠNH

Tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ chính thức khánh thành, thông xe vào sáng 24-12 - Ảnh: CHÍ HẠNH

Thêm cầu, đường - giảm chi phí logistics

Phát biểu tại buổi lễ, ông Lữ Quang Ngời, chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, cho biết hai dự án được khánh thành sáng 24-12 là kết quả của sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng cùng với sự nỗ lực, quyết tâm của toàn ngành giao thông vận tải.

Ngoài ra còn có sự phối hợp chặt chẽ của các bộ ngành trung ương và chính quyền địa phương. Đặc biệt là sự đồng thuận, ủng hộ nhiệt tình của bà con, người dân trong khu vực dự án đi qua.

Dự án có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông, hệ thống vận tải, logistics khu vực.

"Đối với tỉnh Vĩnh Long, hai dự án này khi đưa vào khai thác bên cạnh việc giúp giảm áp lực cho cầu Mỹ Thuận hiện hữu và giao thông quốc lộ 1 qua địa bàn tỉnh, còn giúp giảm chi phí logistics và rút ngắn thời gian vận chuyển từ TP.HCM về Vĩnh Long", ông Ngời phát biểu.

Nghiên cứu bổ sung thêm đường gom vào cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ

Toàn tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ có ba nút giao gồm: Tân Hòa tại quốc lộ 80, tỉnh Vĩnh Long rẽ đi hướng Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. Nút giao đường tỉnh 908, tỉnh Vĩnh Long và nút giao cũng là lối ra cao tốc tại cầu Chà Và, nối quốc lộ 1, xã Thuận An, thị xã Bình Minh.

Ngoài ra, Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ Giao thông vận tải) đang nghiên cứu phương án bổ sung nút giao và đường gom vào dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ giai đoạn 1 theo đề nghị của UBND tỉnh Vĩnh Long.

UBND tỉnh Đồng Tháp cũng đề nghị Bộ Giao thông vận tải xây dựng bổ sung năm đoạn đường dân sinh tổng chiều dài trên 7km. Quy mô đường nông thôn nền rộng 5m, mặt rộng 3,5m, 12 cống trên tuyến đường gom. Xây cầu Xẻo Lò trên đường gom, tải trọng tối thiểu 8 tấn. Tổng kinh phí hơn 113 tỉ đồng.

Bộ Giao thông vận tải đã giao Ban quản lý dự án Mỹ Thuận nghiên cứu, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh làm cơ sở báo cáo Thủ tướng xem xét phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Cầu Mỹ Thuận 2 - hợp phần quan trọng kết nối 2 tuyến cao tốc

Cầu Mỹ Thuận 2 nằm cách cầu Mỹ Thuận hiện hữu 350m về phía thượng lưu sông Tiền, nối hai tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long. Dự án xây dựng cầu có tổng mức đầu tư hơn 5.000 tỉ đồng, được khởi công từ tháng 8-2020.

Dự án có điểm đầu nối với cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận tại nút giao An Thái Trung (tỉnh Tiền Giang), điểm cuối nối với cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ (tỉnh Vĩnh Long).

Tổng chiều dài dự án 6,61km, trong đó phần đường dẫn hai đầu cầu dài 4,7km (phía Tiền Giang 4,3km, phía Vĩnh Long 0,4km). Cầu thiết kế tiêu chuẩn cấp đường ô tô cao tốc với vận tốc 100km/h. Trước mắt phân kỳ đầu tư với quy mô bốn làn xe, bề rộng nền đường phía Tiền Giang là 17m, phía Vĩnh Long rộng 25m (đồng bộ với bề mặt cầu).

Riêng phần cầu chính cầu Mỹ Thuận 2 có chiều dài hơn 1,9km được đầu tư hoàn chỉnh với sáu làn xe, vận tốc thiết kế 80km/h, bề rộng mặt cầu phần xe chạy 25m.

* Ông Nguyễn Phương Lam (giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh ĐBSCL): Đường mở ra, cơ hội làm ăn đến liền

Đường về miền Tây đã gần hơn- Ảnh 5.

Khi cao tốc được kéo dài từ Trung Lương tới Mỹ Thuận hơn một năm qua thì các tỉnh được kết nối như Đồng Tháp, Vĩnh Long đã có tăng trưởng tốt. Điều đó cho thấy nơi nào có hệ thống giao thông kết nối tốt thì sẽ có sự phát triển tốt hơn.

Qua các chương trình làm việc hằng năm và qua nghiên cứu về đầu tư FDI, chúng tôi nhận thấy các doanh nghiệp và nhà đầu tư lo ngại hạ tầng giao thông yếu kém khiến chi phí thời gian đi lại, vận chuyển là quá lớn.

Mặt khác, khi giao thông chưa thông suốt thì các doanh nghiệp ngành logistics cũng không mặn mà đầu tư vào vùng ĐBSCL. Do vậy, giao thông quyết định luôn cả vấn đề thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp và cả ngành logistics, du lịch...

Vì lẽ đó, việc khánh thành cầu Mỹ Thuận 2 cùng với tuyến đường bộ cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, kết nối thông suốt đường bộ cao tốc từ TP.HCM tới TP Cần Thơ - trung tâm của vùng ĐBSCL - sẽ mở ra cơ hội để TP Cần Thơ và các tỉnh Nam sông Hậu có điều kiện tốt nhất trong thu hút đầu tư, từ đó sẽ giúp tạo ra công ăn việc làm cho người lao động, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và của vùng.

Cùng với hai công trình vừa được khánh thành, đưa vào hoạt động sẽ thúc đẩy vùng ĐBSCL phát triển, chúng ta cũng có thể thấy Chính phủ cũng đang triển khai tích cực các dự án đường bộ cao tốc khác thuộc trục dọc, trục ngang như cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 1 đoạn Cần Thơ - Cà Mau, cao tốc An Hữu - Cao Lãnh...

Trong 5 năm tới, nếu những công trình trọng điểm này tiếp tục hoàn thành, sớm đưa vào hoạt động thì ĐBSCL sẽ còn bứt phá mạnh mẽ hơn nữa.

Cao tốc miền Tây chờ cátCao tốc miền Tây chờ cát

Dù Chính phủ và các bộ ngành đã liên tục yêu cầu các địa phương có mỏ cát cung ứng cát cho các công trình trọng điểm, cao tốc nhưng các đơn vị thi công các tuyến cao tốc vẫn chưa tiếp cận được cát, thi công cầm chừng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên